Ô nhiễm môi trường và Biến đổi khí hậu đã và đang diễn biến hết sức phức tạp trên quy mô toàn cầu, phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường là yêu cầu cấp bách đặt ra trong bối cảnh hiện nay.Việc tìm kiếm các giải pháp nhằm tăng trưởng kinh tế một cách bền vững đang là những thách thức lớn đối với các nền kinh tế, trong đó giải pháp về khoa học kỹ thuật và đẩy mạnh phát triển Kinh tế tuần hoàn đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của nhân loại.
Kinh tế tuần hoàn là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Hiện nay, kinh tế tuần hoàn còn được được xem là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với mục tiêu phát triển bền vững.
Thuật ngữ Kinh tế tuần hoàn được đưa ra và sử dụng chính thức từ đầu những năm 1990, dùng để chỉ mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”, hoàn toàn không giống với cách nhìn của nền kinh tế tuyến tính truyền thống. Nó chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, loại bỏ việc sử dụng các hóa chất độc hại và chất thải gây suy giảm khả năng tái sử dụng thông qua thiết kế ưu việt của vật liệu, sản phẩm, hệ thống và trong các mô hình sản xuất kinh doanh. Hiểu một cách đơn giản Kinh tế tuần hoàn là biến rác thải đầu ra của ngành này thành nguồn tài nguyên đầu vào của ngành khác hay tuần hoàn trong nội tại bản thân của một doanh nghiệp. Kinh tế tuần hoàn sẽ góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến khốc liệt.
Trên thế giới, kinh tế tuần hoàn hiện được coi là mô hình kinh tế đáp ứng yêu cầu về giải quyết ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu những tác động xấu đến môi trường và nền kinh tế tuần hoàn là mô hình được quan tâm, định hướng phát triển. Trong quá trình phát triển nền kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức.
Hình 1: Minh họa về Kinh tế tuần hoàn
Để thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế tuần hoàn, cần đưa ra được những giải pháp mang tính đồng bộ về cả chính sách lẫn các yếu về mặt kỹ thuật, môi trường và kinh tế - xã hội. Trong đó, các tiêu chuẩn kỹ thuật được xem như những công cụ hữu hiệu, đã và đang có những đóng góp tích cực vào quá trình này.
Hiện nay, các tổ chức tiêu chuẩn hóa trên thế đang giới rất chú trọng vào việc xây dựng kế hoạch hành động, kêu gọi các bên liên quan tham gia vào công tác xây dựng tiêu chuẩn và cho rằng các tiêu chuẩn sẽ thúc đẩy sự phát triển hơn nữa của nền kinh tế tuần hoàn. Đi đầu trong những hoạt động này có thể kể đến các tổ chức như: ISO, IEC, EN, DIN, BSI, ANSI…
Theo Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc, đã đưa ra 17 Mục tiêu về Phát triển Bền vững (SDGs). Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đóng góp vào ba trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường với các tiêu chuẩn ISO tương ứng, nhằm đạt được hiệu quả cho từng mục tiêu cụ thể. Tiêu chuẩn phổ biến và đã được biết đến nhiều nhất là bộ tiêu chuẩn ISO 14000 về Quản lý môi trường do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 207 xây dựng, các tiêu chuẩn này đang được cập nhật thường xuyên và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu.
Năm 2018, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) cũng đã thành lập một Ủy ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế về Kinh tế tuần hoàn (ISO/TC 323, Circular Economy). Mục tiêu chung là tăng cường và tối đa hóa các hoạt động vì sự phát triển bền vững. Do đó, Ban kỹ thuật này đang trú trọng vào việc xây dựng các tiêu chuẩn về yêu cầu, khuôn khổ cũng như các hướng dẫn hoặc công cụ để hỗ trợ lập dự án và áp dụng Kinh tế tuần hoàn vào hoạt động của doanh nghiệp.
Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế ISO/TC 323 bao gồm các thành viên tham gia từ nhiều tổ chức tiêu chuẩn hóa ở các quốc gia khác nhau trên thế giới, có 71 thành viên tham gia chính thức (P) và 14 thành viên quan sát (O). Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (STAMEQ) là đại diện của Việt Nam tham gia làm thành viên P của Ban kỹ thuật này từ năm 2020.
Với việc thành lập ban kỹ thuật ISO/TC 323, tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế đang xúc tiến xây dựng những tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên về Kinh tế tuần hoàn với sự hợp tác chặt chẽ của các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc gia. Các tiêu chuẩn về Kinh tế tuần hoàn sẽ hỗ trợ vào 16 trong số 17 Mục tiêu về Phát triển bền vững của Liên hiệp quốc.
Việc tiêu chuẩn hóa nền Kinh tế tuần hoàn với mục tiêu cung cấp một khuôn khổ quốc tế cho tất cả các bên liên quan nhằm:
- Tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin giữa các bên liên quan,
- Tạo điều kiện cho việc chia sẻ các phương pháp hay nhất,
- Đưa ra một khuôn khổ chung cho các bên liên quan để thúc đẩy các dự án về Kinh tế tuần hoàn.
Hình 2: ISO/TC 323 tham gia đóng góp vào các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)
Những dự án xây dựng tiêu chuẩn đang được ISO/TC 323 triển khai xây dựng tính đến thời điểm hiện tại, bao gồm:
- ISO/WD 59004, Kinh tế tuần hoàn – Khuôn khổ và nguyên tắc thực hiện;
- ISO/WD 59010, Kinh tế tuần hoàn - Hướng dẫn về mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị;
- ISO/WD 59020.2, Kinh tế tuần hoàn - Khung đo lường tính tuần hoàn;
- ISO/CD TR 59031, Kinh tế tuần hoàn - Cách tiếp cận dựa trên hiệu suất - Phân tích các nghiên cứu điển hình;
- ISO/DTR 59032.2, Kinh tế tuần hoàn - Đánh giá việc triển khai mô hình kinh doanh;
- ISO/AWI 59040, Kinh tế tuần hoàn - Bảng dữ liệu về tính tuần hoàn của sản phẩm.
Các tiêu chuẩn này cung cấp kiến thức chung về Kinh tế tuần hoàn, xác định các mô hình kinh doanh mới, thiết lập một khuôn khổ và các công cụ mà bất kỳ tổ chức nào cũng có thể áp dụng để giúp họ tích hợp Kinh tế tuần hoàn trong các hoạt động của mình một cách hiệu quả và có hệ thống.
Như vậy, có thể thấy tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO đang rất nỗ lực và tham gia sâu hơn trong việc đưa ra các giải pháp hết sức cụ thể nhằm thúc đẩy nền Kinh tế tuần hoàn, góp phần vì các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc đã đề ra.
Nhân ngày Tiêu chuẩn hóa thế giới 14/10 năm nay, các tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế bao gồm ISO, IEC và ITU đã phát đi thông điệp Tiêu chuẩn phục vụ cho các Mục tiêu phát triển bền vững (Standards for SDGs).
Với ý nghĩa đó, các tiêu chuẩn nói chung và tiêu chuẩn kỹ thuật về Kinh tế tuần hoàn nói riêng sẽ đem đến những công cụ hỗ trợ tốt nhất, phục vụ cho sự phát triển của nền kinh tế xanh toàn cầu mà nhân loại đang hướng đến.
(Ngô Minh Dương - Phòng Nghiên cứu, phát triển và Dịch vụ, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam).
Tin bài khác