Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Thử nghiệm Việt Nam hội nhập – Thách thức và cơ hội

20/03/2015

Năm 2007, đánh dấu một mốc quan trong khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức thương mại thế giới WTO. Năm 2015, lại đánh dấu một mốc quan trọng khác với nền kinh tế nước nhà là cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ chính thức được thành lập. Mặt khác, từ 01/01/2015, Việt Nam áp dụng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định Thương mại tự do giai đoạn 2015 – 2018. Và, cùng trong năm nay, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Hải quan Nga- Belarus cũng có cơ hội được ký kết…Khi trở thành thành viên của một tổ chức kinh tế quốc tế nào đó có nghĩa là, hàng hóa của các quốc gia trong tổ chức đó được giao lưu tự do và được hưởng quy chế thuế xuất nhập khẩu đặc biệt, có thể tới mức 0%.

So với năm 2007, khi mà hội nhập chưa tác động trực tiếp nhiều vào giao lưu hàng hóa thì năm nay, các Hiệp định được ký kết sẽ chắc chắn tác động ngay vào thị trường tiêu dùng trong nước. Người tiêu dùng có nhiều cơ hội được sử dụng các sản phẩm/dịch vụ có giá trị hơn, văn minh hơn nhưng ngược lại cũng có thể sẽ phải sử dụng những sản phẩm/ dịch vụ không tương xứng với đồng tiền mà người tiêu dùng bỏ ra. Hơn thế nữa, các nhà sản xuất trong nước nếu không chuẩn bị sẵn sàng thì sẽ thua ngay trên sân nhà.

Bài viết này không đề cập đến chuyện sản xuất kinh doanh mà đề cập đến khía cạnh khác- Dịch vụ thử nghiệm.

Khi hàng rào thuế quan bị gỡ bỏ, thì điều duy nhất còn tồn tại là hàng rào kỹ thuật. Công cụ để vận hành hàng rào kỹ thuật có hiệu quả lại là hoạt động thử nghiệm. Đơn cử, khi một lô hàng nhập khẩu vào Việt Nam, nếu cơ quan chức năng Việt Nam muốn kiểm tra chất lượng lô hàng đó có đúng với công bố hay không? Hoặc có đúng với các quy định của Việt Nam hay không thì thử nghiệm lại là lực lượng chính để đảm nhận nhiệm vụ này.

Khi đã hội nhập, các phòng thử nghiệm không thể cứ khăng khăng “Kết quả của Tôi đúng”; “Kết quả của tôi là chính xác nhất” mà phải tuân theo các tiêu chuẩn quốc tế. Thử tự hỏi? Có bao nhiêu phòng thử nghiệm của Việt Nam hiện nay đủ bản lĩnh “chiến đấu” với các phòng thử nghiệm nước ngoài về “độ chính xác” của phép thử do mình cung cấp. Dù cho các phòng thử nghiệm này đều đã được công nhận ISO/IEC 17025 thì liệu họ có đủ tự tin để “tham chiến” hay không?

Cần lưu ý, các phòng thử nghiệm nước ngoài khi được công nhận ISO/IEC 17025 đều phải sử dụng chất chuẩn/ chủng chuẩn được công nhận ISO/IEC Guide 34 và hằng năm đều phải tham gia các chương trình thử nghiệm thành thạo được công nhận ISO/IEC 17043 một cách dày đặc để đảm bảo kết quả thử nghiệm của các phòng thử nghiệm này mới có đủ độ tin cậy. Nếu chỉ xét trên hai điểm này thì hầu hết các phòng thử nghiệm của chúng ta đều “run tay” trước khi “tham chiến”.

Như vậy, nếu các phòng thử nghiệm của chúng ta đều “run tay” thì khi cung cấp kết quả thử nghiệm để đánh giá chất lượng một lô hàng cũng sẽ “run tay” và như vậy, vô hình chung, các phòng thử đã gián tiếp triệt hạ nền sản xuất trong nước.

Những năm gần đây, các phòng thử nghiệm tư nhân đã ra đời và hoạt động ngày một hiệu quả. Hiệu quả nhất của các phòng thử nghiệm tư nhân là tính năng động. Các phòng thử nghiệm này có chế độ đãi ngộ tốt, thu hút và giữ được lao động có trình độ, yêu nghề. Đảm bảo các nhân viên thử nghiệm sống được bằng nghề của mình, đây là yếu tố sống còn của một phòng thử nghiệm vì dù có thiết bị tối tân, hiện đại đến đâu khi con người không toàn tâm với công việc thì kết quả thử nghiệm không thể đảm bảo được.

Mặt hạn chế của các phòng thử nghiệm tư nhân không phải ở chỗ được đầu tư thấp mà là ở chỗ chưa được đối xử công bằng với các phòng thử nghiệm công lập. Vì các phòng thử nghiệm tư nhân đều được đầu tư đúng, đủ và hiệu quả nhưng cơ quan quản lý lại đánh giá năng lực của các phòng thử nghiệm này không bằng năng lực đúng của nó mà lại dựa trên một văn bản hành chính. Chưa có một phòng thử nghiệm tư nhân nào được chỉ định là phòng thử nghiệm trọng tài mà phòng thử nghiệm trọng tài lại dựa vào sự chỉ định trong một Thông tư nào đó.

Thiết nghĩ, muốn làm chủ cuộc chơi hội nhập, các phòng thử nghiệm phải đảm bảo tính năng động, nhậy bén với xu hướng phát triển và các vấn đề nảy sinh hằng ngày trong nước cũng như trên thế giới. Đồng thời, các phòng thử nghiệm này phải xây dựng, áp dụng duy trì và cải tiến liên tục các hệ thống quản lý chất lượng đúng với chuẩn mực quốc tế. Cùng với đó, các cơ quan quản lý phải đảm bảo sân chơi công bằng cho các phòng thử nghiệm, không phân biệt sở hữu và tạo điều kiện cho các dịch vụ hỗ trợ đảm bảo kết quả thử nghiệm như: dịch vụ hiệu chuẩn, dịch vụ thử nghiệm thành thạo, cung cấp chất chuẩn…. đạt chuẩn mực quốc tế hoạt động được thuận lợi. Có như vậy, các phòng thử nghiệm của Việt Nam mới có cơ hội canh tranh trên thị trường quốc tế góp phần trợ giúp các doanh nghiệp sản xuất trong nước có khả năng cạnh tranh khi hội nhập.

Nguyễn Hữu Dũng- Tổng thư ký Hội VINALAB

Tin bài khác