Nhu cầu thử nghiệm, kiểm định chất lượng hàng hóa ngày càng lớn được đánh giá là điều kiện thuận lợi để hoạt động thử nghiệm Việt Nam phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, để "cởi trói" cho thị trường hoạt động thử nghiệm vốn còn non trẻ, cần thêm những giải pháp huy động nguồn vốn từ xã hội hóa.
Phòng thử nghiệm nhiều nhưng chưa đủ mạnh
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Ủy viên Ban chấp hành Hội các phòng thử nghiệm Việt Nam (Vinalab) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học Việt Nam, số lượng phòng thử nghiệm trong nước hiện nay rất nhiều nhưng lại phân tán nên nhiều nơi vẫn hoạt động cầm chừng. Ngoài ra, sự liên kết giữa các phòng thử nghiệm trong nước với nhau cũng như với quốc tế chưa chặt chẽ. Điều này dẫn đến thiết bị có thể trùng nhau, không khai thác hết công suất, tính năng của các thiết bị đã đầu tư, ảnh hưởng đến việc thừa nhận kết quả trong hoạt động kiểm tra hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước.
Với vấn đề nhân lực, tại Việt Nam chưa có nhiều thử nghiệm viên chuyên nghiệp. Theo như các chuyên gia trong ngành, kết quả một phép thử phụ thuộc nhiều vào tay nghề của thử nghiệm viên. Thực hiện một phép thử phải bảo đảm nghiêm ngặt đúng quy trình đã đề ra, tuy nhiên, nếu một thử nghiệm viên tay nghề kém, không được đào tạo thường xuyên sẽ dễ mắc lỗi trong quá trình thực hiện. Hơn nữa, để đào tạo ra một thử nghiệm viên chuyên nghiệp sẽ mất một khoảng thời gian từ 2 đến 3 năm, tuy nhiên, do mức lương không cao nên rất khó để giữ chân họ gắn bó lâu dài với công việc.
Trong thời gian qua, ngoài các cơ sở thí nghiệm được đầu tư từ ngân sách Nhà nước, một số phòng thử nghiệm thuộc các thành phần kinh tế khác cũng được hình thành như phòng thử nghiệm tư nhân, phòng thử nghiệm có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký Vinalab, mặt hạn chế của phòng thử nghiệm tư nhân không hẳn nằm ở trang thiết bị máy móc mà là chưa được cạnh tranh công bằng với các phòng thử nghiệm công lập. Ông Dũng đưa ra dẫn chứng, Luật An toàn thực phẩm có quy định, phòng thử nghiệm kiểm chứng là phòng thử nghiệm Nhà nước chứ không phải là phòng thử nghiệm tư nhân.
Xã hội hóa hoạt động thử nghiệm
Các phòng thử nghiệm công lập được Nhà nước đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhưng thường sau 3 đến 5 năm sẽ cần mua sắm thêm máy móc mới do sự phát triển của công nghệ. Nếu không được đầu tư thêm, sẽ không bắt kịp nhu cầu của xã hội, trong khi chi phí thiết bị của các phòng thử nghiệm lại rất tốn kém. Bên cạnh đó, hoạt động thử nghiệm trong xu thế hội nhập phải đáp ứng được yêu cầu khắt khe của các quy chuẩn quốc tế, để duy trì các tiêu chuẩn này cũng đòi hỏi một khoản phí không hề nhỏ. Để giải quyết bài toán tìm nguồn vốn cho các cơ sở thử nghiệm, việc đẩy mạnh xã hội hóa là cần thiết. Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoa, Phó phòng Thí nghiệm công nghệ sinh học thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, xã hội hóa thử nghiệm sẽ đem lại lợi ích nhiều hơn cho chính các phòng thử nghiệm; bởi vừa thêm nguồn thu lại tăng tính cạnh tranh cho hoạt động thử nghiệm nói chung.
Theo ý kiến của ông Nguyễn Xuân Dương, muốn xã hội hóa thành công, về phía các cơ quan quản lý Nhà nước phải bảo đảm sân chơi công bằng cho các phòng thử nghiệm. Việc lựa chọn các phòng thử nghiệm phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước phải dựa trên cơ sở năng lực thực tế chứ không dựa trên hình thức sở hữu. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần quy hoạch số lượng phòng thử nghiệm tham gia vào mỗi lĩnh vực quản lý phù hợp nhằm tạo động lực cạnh tranh, môi trường cho phát triển. Hơn nữa, cần quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ cho thử nghiệm viên, nếu không có chế độ đãi ngộ tốt sẽ rất khó để có những thử nghiệm viên chuyên nghiệp, có tâm, gắn bó lâu dài với nghề.
Trong khi đó, điều quan trọng cần thay đổi đối với các phòng thử nghiệm là phải chuyển từ tư duy phục vụ sang dịch vụ. Thay vì để Nhà nước bao cấp hết, các phòng thử nghiệm phải lấy khách hàng là trọng tâm, đem lại sự hài lòng cho khách hàng, qua đó có nguồn thu để trang trải. Sự liên kết, trao đổi thông tin chặt chẽ giữa các phòng thử nghiệm đáp ứng nhu cầu hội nhập là không thể thiếu; bởi như vậy, các phòng thử nghiệm có thể tối ưu hóa nguồn lực và giảm đầu tư gây lãng phí. Các phòng thử nghiệm cũng cần hoàn thiện quy trình giám sát, cải tiến liên tục các hệ thống quản lý chất lượng đúng với chuẩn mực quốc tế.
Theo Báo điện tử Quân đội Nhân dân
Tin bài khác