Thương mại điện tử xuyên biên giới ngày nay đã trở thành phương thức kinh doanh hàng hóa dịch vụ rất hiệu quả đến các khách hàng quốc tế và là xu hướng tất yếu mà không quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, thương mại điện tử xuyên biên giới còn khá mới mẻ, cần được hỗ trợ để nâng cao năng lực quảng bá, xuất khẩu hàng hóa.
Ngày 6/10/2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số- IDEA (Bộ Công Thương), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME) tổ chức Hội nghị “Nâng cao năng lực sản xuất và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới”. Đây là hoạt động đầu tiên nằm trong khuôn khổ chương trình “Thúc đẩy kỹ năng phát triển thương mại cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức.
Thảo luận tại Hội nghị “Nâng cao năng lực sản xuất và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới”.
Tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Mai Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội cho biết: Thời gian qua, đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến hoạt động thương mại, đầu tư, ngành dịch vụ của các nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn đó, rất nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã nỗ lực, tận dụng cơ hội, không ngừng tìm kiếm giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin để chuyển đổi, đẩy mạnh phương thức kinh doanh trực tuyến trong mùa dịch. Con số doanh nghiệp thành công ngày càng tăng đạt được doanh thu trực tuyến cao và phần lớn doanh nghiệp đã có mặt trên hầu hết sàn thương mại điện tử (TMĐT) trong và ngoài nước.
Theo ông Bùi Huy Hoàng - Phó giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương), trên thế giới, thị trường TMĐT toàn cầu được dự báo có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, với mức doanh thu dự kiến đạt 7.385 tỷ USD vào năm 2025.
Năm 2021, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ của Việt Nam tăng 16%, đạt 13,7 tỷ USD; Quy mô thị trường B2C thương mại điện tử ước tính chiếm 6,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo giai đoạn 2022-2025, TMĐT Việt Nam tăng trung bình 25%/năm, đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 và chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
“Amazon Global Selling dự báo doanh thu xuất khẩu thương mại điện tử B2C của người bán tại Việt Nam ước tính đạt 75,4 ngàn tỷ đồng trong năm 2022 và có thể đạt 256,1 ngàn tỷ đồng trong 5 năm tới” - ông Bùi Huy Hoàng cho hay.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Anh, Việt Nam đang được đánh giá là nước có số người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến lớn, do vậy, việc tham gia kênh phân phối TMĐT quốc tế thực sự là cơ hội cho doanh nghiệp trong việc tiêu thụ, tiếp cận thị trường xuất khẩu, giao thương kết nối và tiếp cận số lượng đông đảo người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, TMĐT xuyên biên giới vẫn là vấn đề mới mẻ với doanh nghiệp xuất khẩu, với nhiều quy trình, quy định phức tạp về mặt pháp lý, thủ tục và tài chính của nước xuất khẩu, nhập khẩu và các nền tảng thương mại điện tử quốc tế; cùng nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có những hiểu biết, kỹ năng tốt để tham gia kênh phân phối này như: vấn đề gian lận thanh toán, logistics, những quy định và luật pháp khác liên quan đến tiêu chuẩn hàng hóa, hình thức giao hàng, thanh toán nhằm tránh rủi ro khi vận chuyển sang quốc gia khác…
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (Hanoisme) Mạc Quốc Anh, TMĐT xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, hội nghị là hoạt động thiết thực giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua TMĐT xuyên biên giới.
Tiến sĩ Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra đã trở thành động lực cho TMĐT của thế giới cũng như Việt Nam ngày càng phát triển, đặc biệt là hoạt động TMĐT xuyên biên giới.
Thương mại điện tử xuyên biên giới đang nhanh chóng trở thành nhân tố cốt lõi của nền kinh tế toàn cầu và là xu hướng tất yếu mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc. TMĐT xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng mà còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunhouse Vũ Thanh Hải, việc đăng ký trở thành đối tác của các sàn TMĐT quốc tế như Amazon phải trải qua nhiều bước thẩm duyệt của Amazon. Cụ thể, sản phẩm phải bảo đảm đáp ứng yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, chứng nhận an toàn thực phẩm quốc tế; bao bì sản phẩm và quy cách đóng gói cũng phải theo tiêu chuẩn từ phía Amazon, đáp ứng tiêu chí của thị trường; đồng thời phải đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.
“Lên được sàn rồi, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục có chiến lược tiếp thị, quảng cáo và quản lý hàng hóa phù hợp. Hiện đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ nên quá trình lên sàn TMĐT quốc tế không hề dễ dàng”- ông Vũ Thanh Hải chia sẻ.
Để khắc phục những khó khăn này, đại diện các doanh nghiệp có chung kiến nghị, thời gian tới cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng trong việc trang bị kỹ năng đầy đủ về thương mại quốc tế, TMĐT xuyên biên giới, hiểu biết về thị trường, đảm bảo sản phẩm chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường... để tránh những rủi ro trong giao dịch hàng hóa, thanh toán.
Nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quảng bá, xuất khẩu hàng hóa thông qua TMĐT xuyên biên giới, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Amazon Global Selling, cùng các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo kỹ năng về thương mại điện tử xuyên biên giới, nhằm nâng cao năng lực chào hàng trực tuyến cho doanh nghiệp xuất khẩu, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, mở ra cơ hội xuất khẩu trực tuyến đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Theo VietQ.
Tin bài khác