10 sự kiện được bình chọn gồm:
1. Một loạt Nghị định, Thông tư được ban hành để đưa nhanh Luật Khoa học và Công nghệ vào đời sống.
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển Khoa học và Công nghệ và Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000), Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ ban hành 6 Nghị định hướng dẫn Luật nhằm đưa nhanh các cơ chế chính sách vào cuộc sống. Các thông tư quy định chi tiết nội dung của các nghị định cũng đã được hoàn thiện theo tinh thần đổi mới của Luật Khoa học và Công nghệ.
2. Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).
Lần đầu tiên Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5) và tuần lễ truyền thông Khoa học và Công nghệ với chủ đề “Khoa học và Công nghệ- Động lực phát triển nhanh và bền vững” với sự tham gia của các bộ ngành, địa phương, các trường đại học, các viện nghiên cứu và các tổ chức khoa học- công nghệ trong cả nước.
3. Tổ chức thành công Hội thảo khoa học quốc tế: “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông-Nam Á- hợp tác để phát triển”.
Vào trung tuần tháng 10 năm 2014, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế “Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam và Đông Nam Á- Hợp tác để phát triển”.
Các nhà khoa học đã khẳng định rằng Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng về di sản văn hóa dưới nước, song đang đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa ở lĩnh vực này.
4. Sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ.
Nằm trong khuôn khổ các nhiệm vụ của Chương trình Tây Nguyên 3, giai đoạn 2011-2015, Viện Hóa học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã triển khai đề tài cấp Nhà nước: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thép và vật liêu không nung từ bùn đỏ trong quá trình sản xuất alumin tại Tây Nguyên”.
Thành công bước đầu của đề tài là khâu “đột phá” đáng nghi nhận của các nhà khoa học trong việc sản xuất thép và vật liệu không nung từ bùn đỏ, bảo vệ môi trường.
5. Nghiên cứu thành công Vaccinn Rotavin-M1
Việt Nam đã sản xuất và đưa vào thử nghiệm thành công vaccine phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em có tên Rotavin-M1, qua đó trở thành quốc gia thứ hai của châu Á và là nước thứ tư trên thế giới nghiên cứu và sản xuất thành công loại vaccine này.
Thành công này thuộc về các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắcxin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Thị Luân làm chủ nhiệm đề tài.
6. Viện Di truyền Nông nghiệp Việt Nam nhận Giải thưởng “Thành tựu xuất sắc”.
Trong năm 2014, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) trao giải thưởng cho các cá nhân và tổ chức của các nước thành viên có nhiều thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống, đóng góp hiệu quả vào bảo đảm an ninh lương thực và phát triển bền vững.
Việt Nam đã giành được ba trong số 23 giải thưởng, trong đó có một giải thưởng “Thành tựu xuất sắc” được trao cho Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam.
7. Ứng dụng công nghệ tế bào gốc trong điều trị ung thư tại Bệnh viện Trung ương Huế
Nhóm bác sĩ, y tá Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện thành công Đề tài cấp Nhà nước độc lập đầu tiên “Nghiên cứu sử dụng tế bào gốc tạo máu tự thân trong điều trị ung thư vú và ung thư buồng trứng”.
Chị Nguyễn Thị Sau là người bệnh đã thoát khỏi căn bệnh ung thư sau khi được chữa bằng phương pháp điều trị ung thư bằng hóa trị liều cao, điều trị đích, kết hợp với ghép tế bào gốc tạo máu tự thân cho phép tiêu diệt tận gốc tế bào ung thư. Thành công của đề tài mở ra phương pháp mới trong điều trị ung thư ở Việt Nam nói chung và ung thư vú, ung thư buồng trứng nói riêng.
8. Hiệp định hợp tác Việt Nam và Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân
Ngày 6/5/2014, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân và Ðại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam David Shear chính thức ký kết Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chủng quốc Hoa Kỳ về sử dụng hòa bình năng lượng hạt nhân.
Hiệp định này được ký kết nhằm điều chỉnh các giao dịch thương mại trong lĩnh vực hạt nhân và tạo khung pháp lý để tăng cường hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác Hoa Kỳ trong các hoạt động nghiên cứu, đào tạo phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhất là trong phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
9. Giáo sư Châu Văn Minh được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Belarus.
Năm 2014, vượt qua 20 ứng viên, giáo sư Châu Văn Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) cùng hai nhà khoa học khác trên thế giới đã được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Belarus.
Kể từ tháng 3/2000 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học Belarus mới có thêm 3 viện sĩ nước ngoài, nâng tổng số viện sĩ người nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Belarus lên 13 người.
10. Ba nhà khoa học Việt Nam được Thomson Reuters tôn vinh là những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014.
Ba nhà khoa học của Việt Nam vừa được tổ chức Thomson Reuters (tổ chức theo dõi và công bố thông tin tri thức về chuyên gia nghề nghiệp toàn cầu) xếp vào danh sách “Những nhà khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2014”.
Ba nhà khoa học đó là: Giáo sư Đàm Thanh Sơn (giảng dạy ngành vật lý tại Đại học Chicago, Mỹ); Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Sơn Bình (nghiên cứu giảng dạy ngành hoá học tại Đại học Northwestern, Mỹ) và Phó Giáo sư; Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng (nghiên cứu giảng dạy về ngành tính toán cơ học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Tôn Đức Thắng và Đại học Việt-Đức).
Tin bài khác