Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Viện An toàn thực phẩm (FSI) tham gia QMFS 2019

19/11/2019

Tại tiểu ban nội dung “Xu hướng mới trong quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm” thuộc chương trình hội thảo Quản lý chất lượng và An toàn thực phẩm (QMFS 2019), TS. Lê Quang Trung, Phó viện trưởng Viện An toàn thực phẩm (FSI) đã trình bày 2 báo cáo khoa học.

QMFS 2019 tập trung trao đổi 06 nhóm chủ đề về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm đang được xã hội quan tâm, bao gồm: Xu hướng mới trong quản lý chất lượng an toàn thực phẩm; An toàn chuỗi cung ứng thực phẩm; Nguyên liệu, phụ gia cho thực phẩm và thức ăn chăn nuôi; Phương pháp phân tích trong kiểm soát chuỗi cung ứng thực phẩm; Phát triển sản phẩm thực phẩm/ Phát triển định hướng thị trường; Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội trong thời đại kỹ thuật số.

Với yêu cầu đó, TS. Lê Quang Trung đã trình bày 2 báo cáo khoa học: “Xác thực Sâm Ngọc Linh dựa vào chỉ thị ADN trên hệ gen lạp thể” và “Xác định chỉ thị hóa học chống ô xy hóa để truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà của Cao nguyên Đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang”.

Hiện tại trên thị trường, củ sâm Ngọc Linh có giá trị thương mại cao, tuy nhiên, rất khó để phân biệt dựa vào các đặc điểm hình thái với củ của một số loài khác thuộc chi sâm như tam thất hoang lá xẻ và tam thất hoang lá tròn. Nguy cơ của việc trộn lẫn củ sâm Ngọc Linh với củ của hai loài này có thể xảy ra trên thị trường nước ta. Xác thực chính xác sâm Ngọc Linh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thương hiệu của sản phẩm được coi như “quốc bảo” này của Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy đa hình trình tự ADN của 2 đoạn gen đích trên hệ gen lạp thể của các loài thuộc chi sâm là các chỉ thị phân tử để phân biệt chính xác củ sâm Ngọc Linh với củ của một số loài trong chi sâm ở trong nước cũng như trên thế giới.

Tương tự với sản phẩm mật ong bạc hà Cao nguyên Đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang là sản phẩm chỉ dẫn địa lý, có giá bán gấp hàng chục lần so với một số loại mật khai thác từ lá cây có sản lượng cao và giá bán thấp như mật keo tai tượng. Việc pha trộn hai loại mật này để đưa ra thị trường nhằm thu lợi nhuận cao đang có nguy cơ cao. Báo cáo “Xác định chỉ thị hóa học chống ô xy hóa để truy xuất nguồn gốc mật ong bạc hà của Cao nguyên Đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” đã kết luận: hàm lượng chất chống ô xy hóa trong mật ong cũng như khả năng chống ô xy hóa tổng số của mật ong có thể sử dụng như những chỉ thị hóa học để phân biệt mật bạc hà với mật keo tai tượng cũng như mật bạc hà bị pha trộn với mật keo tai tượng ở các tỷ lệ khác nhau.

Các chỉ thị phân tử và hóa học được xác định trong hai nghiên cứu này có thể là những công cụ để áp dụng nhằm truy xuất nguồn gốc, giảm thiểu gian lận thương mại đối với các sản phẩm đặc thù ở nước ta, trong đó bao gồm sản phẩm chỉ dẫn địa lý mật ong bạc hà Cao nguyên Đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang và sản phẩm sâm Ngọc Linh của Việt Nam.

Đình Lâm