Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

VinaCert tham gia cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2020 của Ủy ban Codex Việt Nam

23/12/2020

Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Việt Nam (Ủy ban Codex Việt Nam) vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 với sự tham gia của lãnh đạo Ủy ban Codex Việt Nam; Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm; Các thành viên Ủy ban Codex Việt Nam nhiệm kỳ IX (2021-2022); Lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện đại diện cho các Bộ Y tế, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Khoa học và Công nghệ; Trưởng các Ban kỹ thuật Codex Việt Nam và các thành viên; Các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban Codex Việt Nam phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị.
TS. Trương Quốc Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Ủy ban Codex Việt Nam phát biểu khai mạc và chủ trì hội nghị.

Công ty Cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert có các ông/bà: Đặng Thị Hương, Giám đốc Chứng nhận, thành viên Ban kỹ thuật Codex Việt Nam về phụ gia thực phẩm; Nguyễn Thọ Khiêm; Vũ Thị Dinh (Phòng thử nghiệm của VinaCert tại Hà Nội), thành viên Ban kỹ thuật Codex Việt Nam về Phương pháp phân tích và lấy mẫu trong thực phẩm dự hội nghị.

Theo báo cáo tổng kết hoạt động của Ủy ban Codex Việt Nam năm 2020 và phương hướng hoạt động năm 2021, Ủy ban Codex Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ:

1) Tham gia  xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực an toàn thực phẩm;

2) Tham gia góp ý các Dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế;

3) Duy trì và đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn về vai trò của tiêu chuẩn Codex trong xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn về thực phẩm, tầm quan trọng của hài hòa và hội nhập tiêu chuẩn trong lĩnh vực  kinh doanh sản xuất thực phẩm trong nước và xuất khẩu;

4) Tổ chức 02 lớp tập huấn “Phổ biến các tiêu chuẩn mới của Codex về An toàn thực phẩm” và “Áp dụng các tiêu chuẩn Codex về An toàn thực phẩm”;

5) Tổ chức 3 cuộc họp chuyên môn Ban kỹ thuật Codex Việt Nam về Ghi nhãn thực phẩm, Dinh dưỡng và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt và Phụ gia thực phẩm tại Hà Nội;

6) Chủ  trì  tham gia Hội nghị trực tuyến lần thứ 43 Đại hội đồng Codex quốc tế, làm thủ tục đăng ký cho đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị trực tuyến của Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Phương pháp phân tích và lấy mẫu và Hội nghị châu Á Thái Bình Dương về an toàn thực phẩm khu vực của FAO;

7) Chuyển dịch các tài liệu, văn bản tiêu chuẩn Codex và phát hành ấn phẩm phục vụ cho các hoạt động liên quan đến công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn về thực phẩm.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động Ủy ban Codex Việt Nam trong năm 2021, các đại biểu đã tập trung thảo luận và góp ý vào phương hướng hoạt động trên các mặt: Công tác tổ chức, hoạt động chuyên môn (tham gia xây dựng các văn bản pháp luật, gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm, phù hợp với sản phẩm, nhóm sản phẩm thực phẩm do từng Bộ quản lý); Phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Codex Việt Nam trong công tác xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn thực phẩm theo hướng hài hòa với tiêu chuẩn Codex quốc tế,…

Ủy ban Codex Việt Nam kiến nghị: Các Bộ, ngành cần ổn định bộ phận đầu mối về Codex để tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng quan điểm và lập trường của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng tiêu chuẩn Codex, tham gia vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Codex để bảo vệ sản phẩm thực phẩm cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thực phẩm của Việt Nam, giúp Ủy ban Codex Việt Nam tham gia đàm phán và bảo vệ lập trường của Việt Nam trong các cuộc họp của Codex quốc tế;

Bên cạnh đó, các Bộ cần cử chuyên gia tham gia vào Environmental Working Group (EWG) để trực tiếp theo dõi và có ý kiến trong từng lĩnh vực:

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét và cử cán bộ tham gia nhóm công tác EWG đối với các lĩnh vực về thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chất kháng thuốc, cá và sản phẩm thủy sản...

+ Bộ Công Thương xem xét và cử cán bộ tham gia nhóm EWG đối với các lĩnh vực về ghi nhãn đồ uống có cồn, ghi nhãn công ten nơ không bán lẻ, ghi nhãn thực phẩm...

Các Bộ phối hợp với Ủy ban Codex trong việc tổ chức hội thảo phổ biến các văn bản quy định mới liên quan đến an toàn thực phẩm thuộc ngành mình quản lý. Tích cực đóng góp ý kiến cho các dự thảo Codex và các văn bản liên quan;

Ủy ban codex Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp tham gia tích cực và hỗ trợ các hoạt động của Ủy ban Codex Việt Nam, chủ động đề xuất và đóng góp ý kiến cho các dự thảo tiêu chuẩn Codex quốc tế, tham gia các hội nghị, hội thảo Codex.

Theo kế hoạch, năm 2021, Ủy ban codex Việt Nam dự kiến tham gia 15 cuộc họp của Ủy ban Codex quốc tế về các vấn đề: Hội nghị lần thứ 52 Ban kỹ thuật Codex về phụ gia thực phẩm; thuốc bảo vệ thực vật; Hội nghị lần thứ 32 Ban kỹ thuật Codex về các nguyên tắc chung; Hội nghị lần thứ 20 Nhóm đặc trách ASEAN về Codex; Hội nghị lần thứ 25 Ban kỹ thuật Codex quốc tế về kiểm tra thực phẩm xuất nhập khẩu và hệ thống chứng nhận; Hội nghị lần thứ 41 Ban kỹ thuật Codex quốc tế về Phương pháp phân tích và lấy mẫu; Hội nghị lần thứ 14 Ban kỹ thuật Codex quốc tế về chất nhiễm bẩn trong thực phẩm; Hội nghị lần thứ 46 Ban kỹ thuật Codex quốc tế về ghi nhãn thực phẩm;…