Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Cầu nối đưa tiến bộ KHCN vào đời sống

25/05/2016

Tạo ra những sản phẩm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng thông qua nghiên cứu, lựa chọn, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật và công nghệ giúp đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng loại hình nghiên cứu… là những hoạt động quan trọng để tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao và ứng dụng ngày càng nhiều trong đời sống và sản xuất. Với vai trò của một đơn vị sự nghiệp về khoa học công nghệ, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng) đã nghiên cứu thành công và chuyển giao nhiều dự án, công trình cũng như giải pháp giúp người dân tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, cải thiện môi trường sống,…

Sau hơn 03 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Ban Chấp hành Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại tỉnh Sóc Trăng đã có nhiều thành tựu quan trọng, trong đó có những đóng góp của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng (Trung tâm), góp phần giúp sản xuất và đời sống của nhân dân được thuận tiện hơn, tạo đà cho kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển toàn diện.

Từ năm 2015 đến nay, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh triển khai ứng dụng những kiến thức mới, kỹ thuật cao từ khâu chọn giống, thiết kế mô hình, phương thức canh tác đối với nhiều cây trồng giúp đẩy nhanh quá trình sinh trưởng và tạo các sản phẩm tốt cho sức khỏe con người. Đó là những ứng dụng về tưới tiết kiệm nước, sử dụng hầm ủ Biogas cho hộ chăn nuôi và trồng nấm Linh chi.

Hoạt động nghiên cứu của Trung tâm đã tạo ra những sản phẩm đa dạng cung cấp cho thị trường: Ứng dụng mô hình Biogas trong chăn nuôi - đáp ứng nhu cầu phát triển đàn gia súc của tỉnh. Túi ủ Biogas quy mô nông hộ sử dụng vật liệu HDPE giúp giảm tình trạng ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, giúp đời sống và sinh hoạt của nhiều gia đình trở nên tiện lợi và tiết kiệm hơn khi có nguồn khí đốt từ Biogas.

Với quy mô từ 8 đến 15m3, túi ủ Biogas có có thể xử lý tối đa lượng chất thải từ chuồng trại nuôi lợn của từ 15 đến 20 con, lượng khí gas sinh học có thể cung cấp đủ cho 3 gia đình sử dụng. Nếu chỉ 1 gia đình sử dụng thì lượng khí gas có thể được dùng để chạy máy phát điện phục vụ sinh hoạt.

Theo nhận xét của người dân ở ấp Năm Căn, xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu: Trước đây, khi chưa sử dụng túi ủ Biogas thì chất thải trong chăn nuôi gây mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Từ khi được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm hướng dẫn làm túi ủ thì mùi hôi không còn, gia đình cũng tiết kiệm được khoản chi phí mua nhiên liệu, chất đốt…

Cùng mô hình túi ủ Biogas, Trung tâm còn cung cấp chế phẩm nấm xanh (nấm diệt rầy trên lúa, thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học), chế phẩm E.M (Effective Microorganisms - các vi sinh vật hữu hiệu), chuyển giao tiến bộ kỹ thuật hệ thống tưới tiết kiệm nước (tưới nước nhỏ giọt trên cây cà chua ghép cho bà con ở thành phố Sóc Trăng…).

Với việc triển khai nghiên cứu, áp dụng phù hợp cho từng địa phương, các dự án, đề tài của Trung tâm đã giúp người dân từng bước thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi.

Để đảm bảo thành công trong chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tại các mô hình, Trung tâm đều phân công cán bộ kỹ thuật theo sát để kịp thời tư vấn, hướng dẫn bà con cách áp dụng để khai thác mô hình một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, để không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ, Ban lãnh đạo Trung tâm đã quan tâm đầu tư đúng mức về nguồn lực con người và trang thiết bị Phòng thí nghiệm. Cán bộ/ nhân viên của Trung tâm thường xuyên được tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu và nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ; tham gia các chương trình Thử nghiệm thành thạo VinaLAB-PT do Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam tổ chức… giúp các dịch vụ của Trung tâm ngày càng khởi sắc.

Hệ thống quản lý chất lượng Phòng Thí nghiệm được công nhận và duy trì theo tiêu chuẩn ISO 17025:2005 (Mã số Vilas 651) là cơ sở để Trung tâm thực hiện tốt các nhiệm vụ trên nhiều lĩnh vực như: Hóa lý, Vi sinh và Công nghệ sinh học/ bệnh học thủy sản, đáp ứng yêu cầu kiểm soát chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường… của các cơ quan quản lý nhà nước, nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp/ cá nhân trong và ngoài tỉnh; phục vụ và trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ sinh học cho sản xuất và đời sống.

Phòng Thí nghiệm của Trung tâm có khả năng phân tích các chỉ tiêu Hóa lý, Vi sinh trên các sản phẩm nước và nước thải, đất, phân bón, thức ăn chăn nuôi, nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, không khí… với 69 chỉ tiêu phân tích trên các loại nền mẫu tương ứng.

Theo đó, bộ phận hóa lý với những thiết bị hiện đại như: AAS, HPLC, IC, UV-Vis, DR... khả năng phân tích đa dạng trên các nền mẫu như đất, nước, phân bón, thức ăn chăn nuôi,… với giới hạn phát hiện đáp ứng tốt nhất nhu cầu phân tích của khách hàng.

Ngoài ra, bộ phận hóa lý còn được trang bị các thiết bị đo nhanh hiện trường như: máy lấy mẫu khí, máy đo pH, máy đo nhiệt độ, độ ẩm, máy đo bụi, máy đo tiếng ồn, máy đo khí độc,… nhằm kịp thời đánh giá các chỉ tiêu môi trường không khí, nước… khi có yêu cầu.

Tại bộ phận vi sinh, với hệ thống phòng làm việc được thiết kế theo đúng yêu cầu nghiêm ngặt của tiểu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 và đã được đầu tư những thiết bị thử nghiệm hiện đại, đáp ứng cao nhất nhu cầu phân tích hầu hết các chỉ tiêu vi sinh trên các nền mẫu cơ bản như: nước, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…

Chất lượng và hiệu quả hoạt động thí nghiệm của Trung tâm góp phần đáp ứng tốt hơn các yêu cầu về chất lượng kiểm nghiệm sản phẩm cung cấp ra thị trường, đồng thời là cơ sở thực hiện thành công Kế hoạch số 24/2014 của Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng về việc ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015-2020.

Từ hiệu quả các công trình nghiên cứu, chuyển giao mô hình khoa học công nghệ những năm qua của Trung tâm cho thấy, Trung tâm đã thực hiện tốt 5 nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng, đó là: Nuôi trồng nấm Linh chi và sử dụng bịch phôi sau trồng nấm sản xuất phân hữu cơ vi sinh; lưu giữ, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu; lưu giữ và sản xuất nấm xanh phòng trừ rầy nâu hại lúa; cung cấp thông tin khoa học- công nghệ và duy trì 22 điểm khai thác Internet tại các chùa Khmer tại Sóc Trăng cùng hoạt động phân tích, thử nghiệm phục vụ sự nghiệp khoa học và công nghệ, sản xuất và đời sống… qua đó, phát huy tốt vai trò “cầu nối” trong việc đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đời sống.

VinaLAB.