Chiều ngày 4/11, tại Hà Nội, Tiểu ban thực phẩm nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản (FAASC) – Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức tọa đàm “An toàn thực phẩm – Tầm quan trọng của phòng thí nghiệm và xét nghiệm đối với hoạt động xuất nhập khẩu”.
Theo các chuyên gia, năng lực các phòng thí nghiệm Việt Nam chưa đạt yêu cầu
Tại hội nghị, đại diện FAASC cho biết, EU có những yêu cầu cao về chất lượng, đặc biệt là đối với các sản phẩm thực phẩm. Do đó, Chính phủ, các nhà sản xuất và các công ty xuất khẩu cần có sự chuyển biến trong công tác đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng các yêu cầu đó. Trong đó, việc có một hệ thống truy xuất nguồn gốc tại chỗ là rất quan trọng, cụ thể là các phòng thí nghiệm và các phương pháp kiểm tra phải đạt cấp độ quốc tế. Đồng thời, cần có một cơ quan chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm.
Tuy nhiên, vấn đề ở Việt Nam là việc công nhận các phòng thí nghiệm mới được áp dụng theo Hệ thống công nhận phòng thí nghiệm Việt Nam (VILAS), còn các yêu cầu khác do Hiệp hội Công nhận phòng thí nghiệm quốc tế (ILAC), Hiệp hội công nhận phòng thí nghiệm châu Á Thái Bình Dương (APLAC) đặt ra lại chưa tuân thủ nghiêm ngặt. Ví dụ, các phòng thí nghiệm không bị bắt buộc phải tham gia các chương trình kiểm tra năng lực theo một tiêu chuẩn toàn cầu với tất cả các thông số được công nhận. Mặc dù, gần đây Việt Nam đang áp dụng một số chương trình kiểm tra năng lực các phòng thí nghiệm, song mức độ yêu cầu còn thấp và điều này có nghĩa là các kết quả kiểm tra sẽ không có giá trị như ở các phòng thí nghiệm quốc tế. Do các phòng thí nghiệm chưa đạt chuẩn, nên đôi khi các sản phẩm đã xuất đi có thể bị từ chối và trả lại do lượng thuốc trừ sâu hay kim loại nặng quá cao…
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh nhận định, hoạt động thử nghiệm là lĩnh vực hoạt động khoa học - kỹ thuật hết sức gần gũi và gắn bó mật thiết với đời sống con người, cũng là một lĩnh vực không thể thiếu đối với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Sự phát triển của hoạt động thử nghiệm tạo nên cơ sở tin cậy lẫn nhau trong thương mại, giao lưu kinh tế, đặc biệt quan trọng trong quá trình hội nhập của nền kinh tế nước ta vào nền kinh tế toàn cầu.
“Thử nghiệm là công cụ hữu hiệu giúp tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong nước và là cầu nối giúp chất lượng sản phẩm, hàng hóa Việt Nam có cơ hội tham gia vào thị trường thế giới dễ dàng hơn”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, buổi tọa đàm chính là cơ hội để cơ quan quản lý, tổ chức thử nghiệm và các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam trao đổi thẳng thắn các vấn đề liên quan đến hoạt động thử nghiệm tại Việt Nam. Thông qua buổi tọa đàm, đề nghị các Bộ, ngành cần quan tâm thúc đẩy hoạt động thử nghiệm theo chuẩn mực quốc tế, đẩy mạnh việc ký kết thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau các kết quả thử nghiệm, chứng nhận của các tổ chức đánh giá, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp như giảm chi phí bến bãi, phạt tàu, giảm thời gian thông quan khi xuất khẩu.
Theo www.baocongthuong.com.vn
Tin bài khác