Một trong những nhóm tiêu chuẩn mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) sẽ tập trung xây dựng trong thời gian tới liên quan đến năng lượng tái tạo, quản lý năng lượng, đặc biệt là các tiêu chuẩn phục vụ cho việc sử dụng xe điện trong tương lai.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại lễ kỷ niệm Ngày tiêu chuẩn thế giới 14-10.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, hiện nay, Bộ KH&CN đã công bố hơn 13.500 tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia (TCVN), trong đó tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt hơn 60%. Các tiêu chuẩn này bao trùm hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, giúp các doanh nghiệp chủ động tăng cường năng lực và chuẩn bị các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu về phát triển kinh tế và hội nhập với thương mại hóa toàn cầu.
Trong số các tiêu chuẩn quốc gia đã công bố, hiện có hơn 200 TCVN phục vụ năng lượng xanh - gồm năng lượng tái tạo, điện mặt trời, điện gió, nhiên liệu sinh học, quản lý năng lượng, quản lý môi trường (khí nhà kính, nhãn môi trường), tái sử dụng nước, thu giữ, vận chuyển CO2, hiệu quả sử dụng năng lượng,… Đây là các tiêu chuẩn được xây dựng trên cơ sở tham khảo/chấp nhận các tiêu chuẩn quốc tế ISO, IEC tương ứng.
“Việt Nam trong thời gian tới cũng sẽ ưu tiên hoàn thiện hệ thống TCVN trong các lĩnh vực kể trên, đồng thời bổ sung thêm các TCVN cho những loại năng lượng mới như năng lượng sóng, năng lượng nước, năng lượng địa nhiệt, năng lượng sinh khối,…”, TS. Nguyễn Hoàng Linh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL cho biết bên lề lễ kỷ niệm ngày tiêu chuẩn thế giới 14/10 với chủ đề “Tiêu chuẩn thúc đẩy năng lượng xanh, phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững”.
Ông cho biết thêm, Việt Nam cũng đang tập trung xây dựng các nhóm tiêu chuẩn hỗ trợ các phương tiện giao thông chạy bằng điện theo xu hướng của thế giới hiện nay. “Điều này đặt ra một loạt vấn đề cần giải quyết. Thay vì tiêu chuẩn cho các trạm xăng, bây giờ chúng ta sẽ phải xây dựng tiêu chuẩn cho cả các trạm sạc điện để đảm bảo sự thống nhất và tạo điều kiện cho các xe điện phát triển.”
Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Đoàn Thị Thanh Vân - Thư ký Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn Quốc gia, Trưởng phòng Tiêu chuẩn Điện, điện tử (Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam), cho biết, trong thời gian qua, Tổng cục TCĐCLCL đã chủ động nghiên cứu các bộ phận, cấu thành trong hệ thống trạm sạc và đưa ra các định hướng để xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới.
Theo đó, Tổng cục sẽ nghiên cứu, xây dựng, soát xét các tiêu chuẩn về trạm sạc IEC 61851, dây và cáp sạc, thiết bị bảo vệ cá nhân trong trạm sạc, thiết bị đo và hỗ trợ tính phí, hệ thống lắp đặt điện từ trạm sạc đến lưới điện, tủ điện, bảng điện cho trạm sạc,...
Để thực hiện kế hoạch này, Tổng cục đã thành lập ba Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, gồm: TCVN/TC E1 Máy điện và khí cụ điện, TCVN/TC E4 Dây cáp điện, TCVN/TC E16 Hệ thống truyền năng lượng cho xe điện.
“Với tư cách là thành viên chính thức của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO), Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), Ủy ban Tiêu chuẩn Thực phẩm Quốc tế (CODEX) và là thành viên liên kết của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC), Việt Nam có quyền và có trách nhiệm tham gia tích cực vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc tế để sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ hơn”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ngoài việc tham gia vào các hoạt động chung theo trách nhiệm của thành viên, Việt Nam đã và đang có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
- Bộ TCVN ISO 50000 về hệ thống quản lý năng lượng.
- Bộ TCVN ISO 14000 về hệ thống quản lý môi trường; TCVN ISO 14064 về định lượng và báo cáo khí nhà kính; TCVN ISO 14025 về nhãn môi trường và công bố môi trường chỉ là một số tiêu chuẩn giúp các tổ chức giảm thiểu tác động đến môi trường thông qua việc sử dụng năng lượng thông minh hơn.
- Bộ TCVN 12678 (IEC 60904) về thiết bị quang điện; bộ TCVN 10687 (IEC 61400) về tuabin gió.
- TCVN 12776 (ISO 13064) về hiệu suất mô tô và xe máy điện; TCVN 12505 (ISO 8714) để đo suất tiêu thụ năng lượng của xe ô tô con chạy bằng điện và Bộ TCVN 10469 (ISO 23274) để đo chất phát thải và tiêu thụ nhiên liệu của xe hybrid.
Theo Báo Khoa học phát triển.
Tin bài khác