Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Thành hoàng ISO

16/10/2018

Trước đó, nghe tin Chủ tịch bị bệnh nặng nhưng khi nghe tin Ông qua đời, Tôi không tin ở tai mình nữa bởi 3 tiếng đồng hồ trước, thông tin về sức khỏe của Ông đã rất khả quan vậy mà tin dữ đã thành sự thật và thật sự đau hơn bởi nguyên nhân Chủ tịch ra đi không phải là căn bệnh mà Ông đang chống chọi mà lại là do nguyên nhân khác.

Đúng là Chủ tịch, cách Ông ra đi cũng tạo cho người ở lại nhiều cung bậc tình cảm sâu lắng. Từ thất vọng, ước vọng, kỳ vọng, hy vọng… rồi lại đến thất vọng.

Đã 10 ngày Chủ tịch ra đi, nhiều bạn bè đều hỏi tại sao Tôi chưa có bài nào viết về Chủ tịch? Quả thật Tôi luôn ấp ủ có một bài viết về Chủ tịch để coi đó là một nén nhang của một người Em, người học trò, người đồng nghiệp, người cháu thắp cho Chủ tịch. Tôi đã bắt đầu viết bài này từ những ngày tang lễ Chủ tịch, nhưng khi ở bên Chủ tịch, Tôi không thể logic được cái gì bởi lẽ khi đó hình ảnh của Tôi với Chủ tịch suốt 25 năm qua như một thước phim khơi dậy trong tâm trí Tôi, mà cảnh cuối cùng dừng lại vào lúc 8 giờ 05 phút ngày 7/9/2018 tại cửa khách sạn APA Makuhari, Chiba, Nhật Bản.

25 năm là 1/3 cuộc đời của Chủ tịch trên cõi trần thế và cũng là 25 năm Tôi chứng kiến sự thay đổi của ngành quản lý chất lượng Việt Nam.

Bất kể ai, làm công tác quản lý chất lượng tại các Bộ quản lý chuyên ngành khác đều không thể quên Nghị định 86-CP ngày 8/12/1995 của Chính phủ “quy định phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá” bởi đây là dấu mốc chuyển chức năng quản lý nhà nước về chất lượng hàng hòa từ Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường sang các Bộ quản lý chuyên ngành khác.

Đương nhiên, mọi người đều nhớ tác giả của sự “đột phá tư duy” về quản lý chất lượng chính là Chủ tịch của Chúng ta. Vào thời điểm đó, Anh Em trong ngành Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đều cho rằng, người Tổng Cục trưởng của họ đã tự chặt chân, chặt tay của mình, vậy mà chỉ vài năm sau ngành TĐC Việt Nam đã bắt đầu những ngày tháng phát triển rực rỡ của thập niên chất lượng, vẫn giữ vai trò lãnh đạo của ngành chất lượng Việt Nam mà chất lượng hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của các Bộ quản lý chuyên ngành khác cũng được phát triển không ngừng cho đến hôm nay. Một “đột phá tư duy” có tầm ảnh hưởng đến hàng chục năm sau đã thể hiện cái tầm của một nhà lãnh đạo.

Sinh thời khi gặp Chủ tịch, Thủ tướng Phan Văn Khải thường gọi Chủ tịch Nguyễn Hữu Thiện là “Ông ISO” và rất nhiều người, đặc biệt là những người hiện nay sống, làm việc trong lĩnh vực đánh giá sự phù hợp đều ghi nhận rằng: “Chủ tịch là Ông tổ của ngành ISO Việt Nam”.

Đành rằng có người sẽ cho là, nếu Chủ tịch không đưa ISO vào Việt Nam thì sẽ có người khác! Đúng vậy, không có Chủ tịch thì sẽ có người khác đưa ISO vào Việt Nam duy chỉ có điều là ISO vào Việt Nam sẽ muộn hơn và có thể sẽ chậm phát triển hơn bởi chỉ có Chủ tịch, với lòng nhiệt huyết, tận tâm, với vốn ngoại ngữ tuyệt vời đã ngộ được linh hồn của ISO mới có thể truyền bá, lan tỏa cái huyền diệu của ISO tới cộng đồng doanh nghiệp, tới những người đam mê chất lượng hôm nay. Chủ tịch không chỉ mang lại công ăn, việc làm cho những người hoạt động trong lĩnh vực chứng nhận sự phù hợp, công nhận mà còn đã đưa vào Việt Nam chương trình năng suất chất lượng, tiêu chuẩn hóa thực phẩm quốc tế (CODEX), Lean Six Sigma, mã số-mã vạch…

Tôi chỉ có được may mắn làm việc với Chủ tịch với tư cách là nhân viên của Chủ tịch trong 4 năm cuối đời của Chủ tịch khi Chủ tịch chọn Tôi làm Tổng thư ký Hội VinaLAB. 4 năm này Tôi học được nhiều điều từ Chủ tịch và Tôi tin rằng trong thời gian đó, không ít lần Chủ tịch đã tự hào khi chọn Tôi bởi Tôi cũng tự hào là học trò xuất sắc của Chủ tịch.

Ở Chủ tịch, Tôi nhận thấy có tố chất của một triết gia khi Chủ tịch khái quát hóa thực tiễn ở Việt Nam thành lý thuyết rồi quay trở lại áp dụng lý thuyết đó vào thực tiễn của Việt Nam. Ở Chủ tịch, Tôi nhận thấy vai trò lãnh đạo rõ rệt khi trước một vấn đề, Chủ tịch không bao giờ ngăn cản, phủ quyết, bàn ra mà chỉ hỏi phải làm như thế nào? Cần hỗ trợ gì? Ở Chủ tịch, Tôi nhận thấy không có việc gì khó bởi với Chủ tịch “chia tiền còn khó” nên không được nói “khó”. Ở Chủ tịch, Tôi nhận thấy sự kính trọng và nể phục không chỉ từ Anh em, đồng nghiệp, bạn bè trong nước mà còn từ cả bạn bè, tổ chức quốc tế. Ở Chủ tịch, Tôi nhận thấy sự bức xúc mỗi khi ai đó làm mất thể diện quốc gia, không đoàn kết hướng đến lợi ích chung của dân tộc và ở Chủ tịch, Tôi có động lực để  mơ những giấc mơ lớn hơn, bay cao hơn, xa hơn vượt ra khỏi không gian của dải đất hình chữ S này. Trong tâm khảm Tôi, Chủ tịch là một tượng đài, tượng đài chất lượng, là nơi hội tụ và phát triển các ý tưởng, là nơi để Tôi có lòng tin là mình còn có ích cho đời.

 

 

Thế là thôi, sẽ không còn bao giờ được nói chuyện với Chủ tịch nữa. Còn bao giấc mơ dang dở của thử nghiệm Việt Nam mà những người ở lại sẽ tiếp bước Chủ tịch thực hiện. Với tư duy đột phá, chắc chắn rằng, không lâu nữa thử nghiệm Việt Nam sẽ trở thành thương hiệu mạnh trong khu vực và quốc tế. Chắc chắn rằng Hội thảo - Triển lãm VietLAB sẽ được tổ chức thường niên từ năm 2019 và chắc chắn rằng, Hội VinaLAB sẽ ngày càng phát triển và trở thành Hội mạnh, hoạt động kiểu mới của Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam.

Anh Tư ơi! Anh sang thế giới bên kia rồi, chúng Em ở bên này cũng chọn ngày 5/10 là ngày giỗ của “Thành hoàng ISO” và Em cũng tưởng tượng ra là Anh đang cười và nói: “khi sống không thấy thằng nào "cúng" cả”. Đúng vậy Anh, có Ông Thành hoàng nào được cúng khi còn sống đâu Anh?. 

Hà Nội, ngày 15/10/2019 

NGUYỄN HỮU DŨNG 

Tổng thư ký Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB)

Tin bài khác