Nhân ngày quốc tế phụ nữ 8/3, Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) muốn thay cho lời cảm ơn bằng cách vinh danh những người phụ nữ đang hoạt động trong ngành tiêu chuẩn hóa. Dưới đây là trải nghiệm của 5 người phụ nữ về lĩnh vực mà tưởng rằng chỉ dành cho nam giới.
Trong lịch sử, lĩnh vực tiêu chuẩn hóa thường được coi là công việc của nam giới. Thực tế, phần lớn các tiêu chuẩn sản phẩm là do các chuyên gia kỹ thuật và kỹ sư nam phát triển.
Nhân đây, tôi cũng xin tỏ lòng biết ơn đến một người (một người đàn ông) người đã dũng cảm tuyển dụng tôi (cách đây khá lâu). Ông đã phá vỡ những rào cản bằng việc tiếp nhận một người phụ nữ vào thế giới của phái mày râu. Đó là trải nghiệm đầu tiên của tôi ở cương vị là một Trưởng phòng Chương trình Kỹ thuật (TPM), lúc đó tôi sẽ phải làm việc với các Ban hình ảnh, Ban hệ thống tự động hóa, Ban tích hợp và các Ban kỹ thuật khác, tôi phải đảm nhiệm vị trí mà trước đây do nam giới nắm giữ. Thành thực mà nói, lúc đầu tôi thấy thật khó để gây dựng uy tín của mình trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa.
Nhưng tôi đã vượt qua được các thách thức này một cách tốt nhất có thể. Có một nền tảng vững chắc là một điều cần thiết. Một Trưởng phòng Chương trình Kỹ thuật (TPM) cần phải có kiến thức sâu rộng và hiểu rõ các quy trình (công việc đòi hỏi chúng tôi phải làm chủ được các quy trình và quá trình). Làm việc chăm chỉ để thúc đẩy và hỗ trợ công việc của các Ban, tôi đã gây dựng được uy tín của mình và cũng nhận được nhiều quan tâm của các thành viên trên tinh thần đôi bên cùng có lợi.
Tôi không dám chắc tiêu chuẩn hóa làm tôi trở thành một người mạnh mẽ nhưng tiêu chuẩn hóa đã giúp tôi có cơ hội được làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau qua đó đã mở mang đầu óc và thúc đẩy tôi bắt đầu những khám phá mới.
Mọi người đã đúng khi cho rằng tôi nói quá nhiều về kinh nghiệm bản thân liên quan đến mảng trách nhiệm xã hội ISO 26000, quả đúng là như vậy! Quá trình xây dựng tiêu chuẩn này đã có những tác động đáng kể đến tôi. Tôi đã học được rất nhiều từ quan điểm công việc và quan trọng hơn từ quan điểm cá nhân. Đó là một kinh nghiệm sống quý báu.
Có lẽ điều này có thể được thực hiện thông qua việc thúc đẩy các hoạt động của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế và xây dựng tiêu chuẩn. Nhiều người trong xã hội vẫn chưa có được nhận thức cơ bản về tất cả những điều chúng tôi làm, có nhiều vị trí hiện đang để ngỏ cho cả phái nữ, kể cả tại Ban thư kí ISO tại Geneva.
Lời khuyên của tôi đối với phái nữ: hãy đến và tham gia cùng chúng tôi! Công việc này rất đáng để làm, khác với điều bạn biết và hơn thế nữa, nó rất thú vị.
Một người phụ nữ, 6 nhiệm vụ của ISO – Mojdeh Tabari (Iran) - Thư kí của 3 Ban kỹ thuật ISO và Chủ trì 3 Nhóm công tác của ISO. Làm việc tại Đơn vị thành viên ISO tại Iran, ISIRI.
Ban đầu, việc tham gia vào lĩnh vực tiêu chuẩn hóa không hề đơn giản một chút nào bởi có rất nhiều những trở ngại vô hình, đòi hỏi nỗ lực và sự cống hiến nhiều trong công việc. Nhưng điều đó rất đáng để làm, vì nó không chỉ gặt hái được kinh nghiệm và sức mạnh có được từ hoạt động tiêu chuẩn hóa ở cấp quốc tế, mà còn vì có cơ hội tạo nên sự khác biệt ở những lĩnh vực rất quan trọng đối với phái nữ.
Tôi xin viện dẫn sự thành lập của Ban kỹ thuật ISO về mỹ phẩm. Những sản phẩm này thường là mối quan tâm của chị em phụ nữ, mặc dù phái mạnh và trẻ em cũng sử dụng nhiều. Mỹ phẩm thường được dùng trực tiếp trên da có thể gây phản ứng có hại nếu không đáp ứng được những tiêu chuẩn cao nhất. Các tiêu chuẩn ISO do Ban này xây dựng được ngành công nghiệp mỹ phẩm sử dụng nhằm đảm bảo độ an toàn và chất lượng của các sản phẩm này.
Tôi có thể tự hào nói rằng tôi là người đề xuất và góp phần vào việc thành lập Ban kỹ thuật này, quản lý ban thư lý của Ban, chỉ đạo các dự án tiêu chuẩn hóa và thúc đẩy sự tái hoạt động của hai Ban ISO khác đã tạm dừng hoạt động hơn 10 năm qua.
Tôi đã học được rất nhiều kinh nghiệm và cảm thấy khá tự tin trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa và quản lý ở tầm quốc tế.
Tôi tin rằng với sự thành công của người phụ nữ trong các hoạt động quản lý tại các Ban thư ký ISO và các dự án sẽ tạo dựng được sự tự tin cho phái nữ. Tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của tôi sẽ khuyến khích những phụ nữ khác, những người cũng mong muốn góp phần to lớn của mình tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa.
Tôi tự hào rằng ở Iran, đã và đang có một số phụ nữ tham gia vào việc phát triển các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế tại Viện Nghiên cứu Công nghiệp và Tiêu chuẩn Iran (ISIRI).
Tiến đến đỉnh cao – Ziva Patir (Israel), Phó chủ tịch Tiêu chuẩn hóa tại Better Place, Nguyên Phó chủ tịch ISO và Nguyên Tổng Giám đốc ISO tại Israel, SII.
Khi tôi bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, số lượng phụ nữ tham gia không chỉ rất hạn chế mà gần như không có ai nắm giữ những chức vụ quan trọng cả. Tuy nhiên, vào thời điểm đó đã có một số cơ hội dành cho người phụ nữ thông qua hệ thống cấp bậc dần được cải thiện và một hệ thống được xây dựng hướng đến sự đồng thuận hơn là đưa ra các mệnh lệnh.
Dĩ nhiên, những điều tổng quát thường đơn giản hóa các trường hợp cụ thể, nhưng có những đặc tính thường được gắn với phụ nữ. Những đặc tính này bao gồm tính hợp tác, hiểu rõ những khoảng cách văn hóa và tạo được không khí làm việc tốt, cộng với tính kiên nhẫn, chính xác, sự cống hiến, và cam kết lâu dài. Tất cả điều này đã giúp người phụ nữ trở thành những nhà tiêu chuẩn hóa vĩ đại!
Vào ngày quốc tế phụ nữ, chúng tôi muốn ghi nhận những đóng góp to lớn mà những nhà chuẩn hóa nữ xây dựng nên nhằm xây dựng một tương lai vững bền. Một ví dụ điển hình chính là tác động mạnh mẽ của nhiều phụ nữ trẻ trong việc phát triển ISO 26000 về trách nhiệm xã hội, một trong những dự án quan trọng nhất của ISO cho đến nay.
Hiện đã có rất nhiều người phụ nữ đã tham gia, nhưng đã đến lúc để họ đảm nhiệm những vị trí cao hơn. Ở một số nước châu Âu, bạn hầu như không thấy phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, trong khi ở những nước khác có thể chỉ phụ nữ mới làm công việc này!
Chiến đấu cho người tiêu dùng – Norma McCormick (Canada), Chủ tịch, Ủy ban ISO về chính sách người tiêu dùng (ISO/COPOLCO).
Tôi tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa bởi vì nó rất quan trọng đến lĩnh vực của tôi, lĩnh vực sức khỏe và an toàn nghề nghiệp. Sau đó, mở rộng ra lĩnh vực sức khỏe và an toàn người tiêu dùng, chính điều này đã mang tôi đến với ISO.
Tôi là chủ tịch, người chủ trì và là thành viên của một vài Ủy ban Tiêu chuẩn hóa Quốc gia và Quốc tế (ISO/COPOLCO). Tôi rất tự hào về những đóng góp lâu dài của chị em phụ nữ đối với những vấn đề liên quan đến người tiêu dùng và những thành tựu của họ trong hoạt động tiêu chuẩn hóa.
ISO/COPOLCO là tổ chức tư vấn cho ISO từ quan điểm của khách hàng về công việc tiêu chuẩn hóa hiện hành và sau này cũng như đánh giá về sự phù hợp. Trong lịch sử phát triển gần 35 năm, ISO/COPOLCO đang có kỷ lục về phụ nữ tham gia và lãnh đạo. Đã có 9 chủ tịch và 5 trong số đó là phụ nữ.
Là thành viên của 3 Ban kỹ thuật ISO và 3 Ban kỹ thuật Canada, tôi rất vui mừng khi thấy hiện nhiều phụ nữ đang tiếp tục đóng góp năng lực của họ trong lĩnh vực này.
ISO 26000, một bước ngoặt trọng đại – Perla Puterman (Venezuela), Chuyên gia của nhóm công tác ISO về Trách nhiệm xã hội, 36 năm trong lĩnh vực tiêu chuẩn hóa.
Ngày nay, việc phụ nữ tham gia vào hoạt động tiêu chuẩn hóa càng ngày càng phù hợp. Ví dụ, ở các nước Mỹ Latinh, và có lẽ ở các quốc gia khác nữa, việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế tại các Cơ quan tiêu chuẩn quốc gia được đảm nhiệm chủ yếu bởi phái nữ. Một vài quốc gia tiêu biểu là Argentina, Bolivia, Colombia, Chile, Costa Rica, Cuba, Mexico, Paraguay và Venezuela.
Tại Tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế ISO, phụ nữ cũng giữ những vị trí quan trọng. Để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong việc phát triển ISO 26000, ISO đã đưa ra yêu cầu về số lượng đồng đều nam và nữ trong nhóm công tác, trong các nhóm phụ trợ và các nhóm khác (ví dụ như Nhóm tư vấn và Đội dự thảo hợp nhất).
Sự hiện diện của các chuyên gia và các quan sát viên nữ tăng từ 33% tháng 9 năm 2005 đến 42% vào tháng 5 năm 2009 là một con số đáng ghi nhận.
Theo www.iso.org
Tin bài khác