Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp luật hướng đến khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tăng cường các hoạt động KH&CN, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua nhiều đạo luật lớn tác động trực tiếp đến hoạt động KH&CN trong DN. Đặc biệt, Luật KH&CN sửa đổi được ban hành năm 2013 đã bổ sung những quy định mới, tạo hành lang và thủ tục thuận lợi để DN có thể huy động các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và từ chính DN để thực hiện các hoạt động KH&CN.
Để cụ thể hóa các quy định pháp luật về KHCN, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành nhiều chính sách có trọng tâm hướng vào phát triển năng lực KH&CN trong DN, như Nghị định 119 khuyến khích, ưu đãi cho DN đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của DN, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa,… Bộ KH&CN cũng đã trình Chính phủ cho phép thành lập Quỹ phát triển KH&CN quốc gia và gần đây là Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, mở thêm kênh tài chính cung cấp các khoản tài trợ, hỗ trợ vốn vay, bảo lãnh tín dụng,... nhằm giúp DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đổi mới, phát triển công nghệ phục vụ sản xuất kinh doanh.
Cùng với Bộ KH&CN, nỗ lực thu hút, khuyến khích DN đẩy mạnh các hoạt động KH&CN cũng được các bộ, ngành khác quan tâm và xây dựng thành các chương trình hỗ trợ như: Chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm quốc gia phát triển công nghiệp hoá dược đến năm 2020 của Bộ Công thương, Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vục nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đề án "Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” của Bộ Thông tin và Truyền thông,…
Hải Phòng là một trong những địa phương điển hình trong hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới, nâng cao trình độ khoa học công nghệ. Việc đổi mới máy móc, thiết bị kỹ thuật công nghệ phù hợp những năm gần đây đã tạo được bước tiến mới, nâng cao trình độ công nghệ của các DN công nghiệp, tạo ra năng suất lao động cao, chất lượng sản phẩm được cải tiến, là cơ sở để mở rộng thị trường hàng hóa của Hải Phòng cả trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, các DN Hải Phòng phần nhiều còn rất lúng túng trong việc: lựa chọn lĩnh vực đầu tư; nghiên cứu, cải tiến và áp dụng các tiến bộ KH&CN; tìm kiếm đối tác; mở rộng thị trường;... Quá trình đổi mới công nghệ tại các DN của thành phố còn chưa thật sự sâu và rộng, mới chỉ tập trung tại các DN lớn có tiềm lực kinh tế, trong khi 90% DN của Hải Phòng là DN vừa và nhỏ. Chính vì vậy, nền sản xuất của Hải Phòng chưa theo kịp sự phát triển như vũ bão của thế giới, đặc biệt trong xu thế phát triển mạnh mẽ của công nghệ cao.
Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với các DN Hải Phòng trong quá trình đổi mới công nghệ đó là thiếu vốn, chất lượng nguồn nhân lực không đảm bảo tiếp nhận công nghệ. Ngoài ra, còn phải kể tới các khó khăn do thiếu thông tin, khó tìm được công nghệ thích hợp và thiếu các chính sách hỗ trợ cần thiết. Đặc biệt, nguồn kinh phí dành cho nghiên cứu phát triển công nghệ còn quá khiêm tốn, chưa đáp ứng các yêu cầu phục vụ cho đổi mới công nghệ của thành phố.
Trong bối cảnh đó, Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của thành phố đã đề ra những quan điểm và quyết sách chiến lược để đẩy mạnh nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của thành phố. Theo đó, KH&CN Hải Phòng phát triển với: “cơ cấu kết hợp nhiều trình độ, nhiều tầng; lấy ứng dụng là chính, bảo đảm hiệu quả và vững chắc. Ưu tiên phát triển một số lĩnh vực công nghệ tiên tiến, công nghệ cao làm đòn bẩy cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá các ngành, lĩnh vực trọng điểm; lựa chọn công nghệ thích hợp không gây ô nhiễm môi trường”.
Thành phố tập trung ưu tiên cho một số lĩnh vực tạo tiền đề cho khai thác thế mạnh về kinh tế biển và phát triển kinh tế trí thức, xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh tiếp thu thành tựu KH&CN thế giới, đồng thời phát huy năng lực KH&CN nội sinh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác trong và ngoài nước về KH&CN. Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, đào tạo nhân lực KH&CN,... hướng tới chuẩn mực và tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.
Thành phố đã triển khai thực hiện hàng loạt chương trình hỗ trợ các DN với 7 nội dung thiết thực, bao gồm: Hỗ trợ tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường, quản lý chất lượng, theo các tiêu chuẩn tiên tiến, hỗ trợ xây dựng và áp dụng các công cụ quản lý tiên tiến đồng thời hỗ trợ chi phí đánh giá chứng nhận; Hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ; Các hỗ trợ thuộc Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia và Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Hỗ trợ triển khai các dự án sản xuất thử - thử nghiệm nhằm làm thích nghi hoặc hoàn thiện công nghệ.
Hàng loạt nhiệm vụ hỗ trợ DN đã được triển khai hiệu quả trong năm 2014 tại Hải Phòng như: Lựa chọn 100 DN ưu tiên hỗ trợ, tổ chức tư vấn, hướng dẫn các DN đăng ký tham gia các chương trình hỗ trợ đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ của thành phố và Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Tổ chức 8 lớp đào tạo, tập huấn về đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất chất lượng và phát triển tài sản trí tuệ; 14 cuộc hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm giới thiệu, thảo luận việc triển khai thực hiện các chính sách, cơ chế hỗ trợ DN và trình diễn các giải pháp công nghệ, thiết bị mới; Hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể cho 34 sản phẩm đặc sản và làng nghề; Kết nối 85 cuộc gặp gỡ, đàm phán cho các DN; Tư vấn cho 03 DN đăng ký trở thành DN KH&CN, 03 đơn vị đăng ký hoạt động KH&CN; 07 đơn vị tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và phát triển công nghệ cấp thành phố, cấp Bộ; 03 đơn vị xin hỗ trợ chương trình 592 và Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia,...; Tổ chức 03 kỳ hội chợ về giới thiệu công nghệ mới của DN, 03 cuộc triển lãm mini chuyên đề tại Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng với trên 11.350 lượt khách đến tham quan; Thu hút 6.762 công nghệ, thiết bị, giải pháp của 1.489 nhà cung cấp chào bán trên Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến hatex.vn.
Đặc biệt, Sở KH&CN đã giao Sàn Giao dịch công nghệ và thiết bị Hải Phòng thí điểm tư vấn xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ thành công cho 05 DN đại diện cho 05 lĩnh vực chủ lực trên địa bàn thành phố. Đây là nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ mà Hải Phòng là đơn vị tiên phong trên cả nước triển khai thực hiện.
Năm 2015, các chương trình KH&CN hỗ trợ DN sẽ tiếp tục được tiến hành và nhân rộng, góp phần vào sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế của đất nước./.
Ths. Bùi Xuân Tuấn
Ủy viên Thường vụ kiêm Trưởng ban Kiểm tra Hội VinaLAB
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng
Tin bài khác