TS. Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL đã chia sẻ với báo chí về giải pháp phát triển báo chí trong bối cảnh mới là báo chí cần tăng cường đổi mới nội dung, hình thức, ứng dụng công nghệ để truyền tải có hiệu quả các thông tin mang tính thời sự, nhất là thông tin về lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Trao đổi với phóng viên TS. Nguyễn Hoàng Linh đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn đo lường chất lượng thời gian qua. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã đóng góp vai trò hết sức quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đến doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và các cơ quan có liên quan khiến hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, xã hội và người dân. Báo chí là kênh thông tin tuyên truyền hiệu quả chủ trương của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước đối với các lĩnh vực kinh tế, xã hội nói chung và các cơ chế, chính sách liên quan tới lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng nói riêng. Đồng thời, báo chí là cầu nối giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc đóng góp ý kiến, nghiên cứu giải pháp, đề xuất quy định, cơ chế, chính sách để giải quyết các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Ý thức về việc này, hoạt động truyền thông về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có nhiều bước tiến mới đáng ghi nhận trong thời gian qua. Thông qua các phương tiện báo chí, truyền thông, những vấn đề liên quan tới tiêu chuẩn đo lường chất lượng được truyền tải một cách rộng rãi đến người tiêu dùng, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội. Điển hình như các hoạt động năng suất chất lượng, các tiêu chuẩn mới, quy chuẩn Việt Nam mới được hàng trăm cơ quan thông tấn báo chí theo dõi, đưa tin…
Những thông tin, ý kiến đóng góp, phản biện từ báo chí cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt tình hình thực tế. Từ đó có thể giúp ích cho công tác xây dựng, điều chỉnh cơ chế, chính sách, những quy định phù hợp hơn với thực tế, góp phần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng cũng như cộng đồng xã hội”
Chia sẻ với những khó khăn của người làm báo về nhưng thông tin được cho là “khô khan” của ngành Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng. Phó Tổng cục trưởng đã động viên: “Tôi cũng hết sức chia sẻ với các phòng viên, nhà báo về điều này. Tuy nhiên thông tin “khô khan” cũng nhiều lúc là các thông tin rất được mong đợi bởi cộng đồng doanh nghiệp và những người quan tâm. Đơn cử, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, tổ chức mong muốn được biết những thông tin như: Tiêu chuẩn áp dụng trong sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang y tế để phòng chống dịch; Muốn xuất khẩu các mặt hàng như khẩu trang, găng tay y tế, đồ bảo hộ cá nhân sang các nước châu Âu cần đáp ứng yêu cầu nào; Việc thử nghiệm, đo lường tính năng của máy thở cần những gì?”
TS. Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: “Quan trọng nhất là xác định thông tin mà tổ chức, doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý đang quan tâm về sản phẩm hàng hóa dịch vụ, để từ đó giải đáp những thắc mắc của họ. Các phóng viên, nhà báo có thể tìm hiểu thông tin từ các cơ quan quản lý, các bên liên quan để giải đáp vấn đề mà cộng đồng doanh nghiệp quan tâm thông qua ngôn ngữ báo chí để đưa thông tin phù hợp nhất đến bạn đọc”.
Chia sẻ về quan điểm số hóa và chuyển đổi số hoạt động báo chí áp dụng trong ngành chất lượng, TS. Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: “Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở tất cả các ngành, các lĩnh vực tại Việt Nam. Đứng trước làn sóng đó, tôi cho rằng, cần thúc đẩy nghiên cứu, triển khai các giải pháp đổi mới hình thức, cách thức thể hiện tác phẩm báo chí, ứng dụng công nghệ thông tin cùng các giải pháp công nghệ mới vào việc thể hiện nội dung báo chí. Mục tiêu là hướng tới việc thu hút đông đảo độc giả, giúp cho độc giả tiếp cận nhanh hơn, chính xác hơn, dễ dàng hơn với các tác phẩm báo chí viết về những đề tài mang tính thời sự, nhất là trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng”,
Kết thúc cuộc trao đổi với quan điểm của Tiến sĩ Hoàng Linh: Một thực tế cần nhìn nhận, mạng xã hội đang ngày càng trở nên phổ biến và truyền tải thông tin đáng kể trong xã hội. Các cơ quan báo chí nên tận dụng tối đa mạng xã hội để truyền tải thông tin, đặc biệt là về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, đúng tôn chỉ mục đích của mình, bên cạnh đó cũng nên tuyên truyền phản bác lại thông tin xấu trên mạng xã hội”.
Mai Hương
Tin bài khác