Khi tham gia vào mô hình kinh tế tuần hoàn và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao “sức khỏe”, tạo ra sản phẩm không những đạt chất lượng cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Hiện nay, trên toàn cầu, hoạt động kinh tế vẫn chủ yếu dựa trên cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tính, sử dụng tài nguyên tăng dần. Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0, để phát triển bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, không đánh đổi tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi hoàn toàn đúng đắn, phù hợp định hướng của Đảng và Nhà nước. Trong đó, kinh tế tuần hoàn được hiểu là mô hình kinh tế mới dựa trên nguyên lý cơ bản “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác”.
Mô hình kinh tế tuần hoàn tạo ra các cơ hội kinh tế, nhất là đối với doanh nghiệp và nhà khoa học trong hoạt động thiết kế, tái chế, sáng tạo. Việc giải quyết các vấn đề liên quan tình trạng khan hiếm nguyên liệu, sử dụng năng lượng bền vững, hạn chế đến mức thấp nhất rác thải trong từng công đoạn của vòng đời sản phẩm, tái sử dụng nguyên vật liệu có sẵn… đòi hỏi sự đầu tư đáng kể về nguồn nhân lực khoa học có trình độ, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho nền kinh tế.
Đặc biệt, các doanh nghiệp khi tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong quá trình sản xuất sẽ nâng cao “sức khỏe” cho doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tạo ra sản phẩm không những đạt chất lượng cao mà còn góp phần bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có nhiều hoạt động khuyến khích và hỗ trợ hoạt động kinh tế tuần hoàn. Cụ thể, theo TS. Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Tổng cục đã tổ chức nhiều chương trình đào tạo cũng như nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn thông qua Tổ chức Năng suất Châu Á.
“Hằng năm, Tổ chức Năng suất Châu Á mở rất nhiều khóa đào tạo về kinh tế tuần hoàn cũng như nghiệp vụ huy động các nguồn lực thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ đó giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức. Tổng cục cũng xây dựng hợp tác cụ thể từ các tổ chức, đơn vị như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Năng suất của Đài Loan (Trung Quốc)… Bên cạnh đó, như chúng ta đã biết, Thủ tướng đã phê duyệt Chương trình 1322 Hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất chất lượng đến năm 2030, trong đó quy định rất cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các công cụ năng suất xanh và hướng tới kinh tế tuần hoàn trong bối cảnh hội nhập.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các hệ thống tiêu chuẩn, các bộ công cụ hướng tới phát triển và bảo vệ môi trường. Ví dụ như: bộ tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng, bộ tiêu chuẩn liên quan đến vấn đề bảo vệ môi trường cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…”, ông Hiệp thông tin.
Theo VietQ.
Tin bài khác