Phát biểu khai mạc Triển lãm, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định: “Analytica Việt Nam 2017 tạo môi trường giao lưu, trao đổi, hợp tác quốc tế với các đối tác nước ngoài, nâng cao trình độ kỹ thuật và công nghệ phân tích, chẩn đoán cho các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các tổ chức cùng cá nhân Việt Nam, nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nghiên cứu khoa học và bảo vệ sức khoẻ con người”.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh phát biểu khai mạc analytica Vietnam 2017
“Đây là triển lãm duy nhất đảm bảo chuỗi cung ứng về mặt hàng hóa từ công nghệ của phòng thí nghiệm chẩn đoán đến công nghệ sinh học và phân tích”, theo bà Eva Sauerborn, Giám đốc triển lãm của Analytica Vietnam.
Cũng theo bà Eva Sauerborn, triển lãm năm nay phát triển mạnh, số lượng gian hàng tăng 25% so với năm 2015. "2017 cũng là năm đầu tiên triển lãm đón các đơn vị từ Nga, Bungaria và các gian hàng liên quốc gia từ Đức, Trung Quốc hay Singapore", bà Eva thông tin.
Tại buổi gặp gỡ với báo chí trước thềm triển lãm Analytica Vietnam 2017, ông Lê Xuân Định - Cục trưởng Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia, Bộ KH&CN - cho rằng: “Những công nghệ hiện hữu ở Analytica 2017 có thể ảnh hướng tới quá trình đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp như quy trình hoạt động, sản phẩm, tổ chức và makerting. Hiện nay, bất cứ sản phẩm nào được kiểm nghiệm, phân tích chất lượng cũng sẽ có một thị trường bền vững. Đây chính là visa xâm nhập mọi thị trường của sản phẩm từ khâu sản xuất, tiếp cận sử dụng”.
Bày tỏ kỳ vọng về triển lãm lần thứ 5 này, ông Nguyễn Hữu Dũng - Tổng thư ký Hội Các phòng thử nghiệm Việt Nam - cho rằng đây là cơ hội để những người quan tâm đến lĩnh vực thử nghiệm có thể tiếp cận các công nghệ hàng đầu trên thế giới.
"Điều đặc biệt là những người tham gia triển lãm có cơ hội tiếp cận thiết bị hỗ trợ để nâng cao năng suất lao động trong phòng thử nghiệm. Chẳng hạn, tiền đầu tư một chiếc máy có thể khoảng 8 tỷ đồng, nhưng để phát huy hết công sức thì cần có máy hỗ trợ và thiết bị phụ trợ. Vấn đề là chi phí cho những máy móc này rất đắt. Khi sang Nhật Bản tham quan, tôi thấy những chiếc máy này ở Nhật rẻ hơn nhiều so với Việt Nam. Vì thế, tham gia triển lãm, các đơn vị có cơ hội tiếp cận thiết bị với giá tốt nhất" - ông Dũng nhấn mạnh.
Tại sự kiện này, khách hàng có thể quan sát những minh họa về sự cố cháy nổ và thu thập được những kinh nghiệm quý giá của các chuyên gia trong lĩnh vực này đồng thời triển lãm còn diễn ra các hội thảo song song với sự tham gia của các nhà khoa học đến từ 10 quốc gia.
Tham gia Analytical 2017, gian trưng bày của Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam (VinaLAB) giới thiệu đến khách hàng yêu công nghệ, đam mê khoa học phân tích, thử nghiệm những ấn phẩm liên quan đến năng lực hoạt động của VinaLAB cũng như các dịch vụ khoa học công nghệ của một số phòng thử nghiệm tiêu biểu là Hội viên của VinaLAB.
Đại diện VinaLAB cũng đã giải đáp nhiều câu hỏi của quan khách tìm hiểu về hoạt động của Hội; việc tổ chức, phối hợp tổ chức các chương trình thử nghiệm thành thạo (VinaLAB-PT) cho các hội viên và quyền lợi của các phòng thử nghiệm có nhu cầu tham gia Hội.
Đại biểu thăm quan các gian trưng bày tại triển lãm
Gian trưng bày của VinaLAB tại Analytical 2017 nhận được sự quan tâm của quan khách
Hội thảo “Xã hội hóa hoạt động thử nghiệm – Cơ hội và thách thức” do Hội VinaLAB chủ trì diễn ra từ 9 giờ ngày 31/03 thu hút sự quan tâm lớn của các nhà nghiên cứu và các đơn vị tham dự triển lãm.
Cùng với đó là các buổi hướng dẫn dành cho các chuyên gia phân tích, nhân viên phòng thí nghiệm, các nhà quản lý và nhân viên bộ phận đảm bảo chất lượng, các tổ chức nghiên cứu lâm sàng… với nội dung chủ yếu là những phương pháp hiệu chuẩn phù hợp với các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, lần đầu tiên Analytica Vietnam 2017 có sự kiện “An toàn phòng thí nghiệm” và chương trình kết nối gặp gỡ các khách mua hàng tiềm năng từ tất cả các ngành công nghiệp.
VinaLAB
Tin bài khác