Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

35 năm Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam 26/04/1976 – 26/04/2011

26/04/2011

Trong những năm 1960 - 1970, mặc dù chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang diễn ra rất khốc liệt, Đảng và Chính phủ vẫn rất quan tâm đến việc phát triển khoa học kỹ thuật và đào tạo cán bộ, trong đó có ngành hạt nhân. Trong thời gian này, một số cán bộ được cử đi đào tạo tại Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu về khoa học và kỹ thuật hạt nhân, nhất là được tham gia nghiên cứu tại Viện Liên hợp Nghiên cứu hạt nhân ở Đupna (Liên Xô). Nhiều chuyên gia đầu đàn trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử của Việt Nam, trong đó có Giáo sư Nguyễn Đình Tư, một nhà khoa học hạt nhân có uy tín quốc tế, đã được đào tạo ở Đupna trong thời gian này.

Trong nước, các tổ bộ môn vật lý hạt nhân tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cũng được hình thành và đã đào tạo nhiều khóa sinh viên vào những năm 1960 - 1970. Phòng Toán Lý thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), trong đó có các cán bộ hạt nhân thuộc Tổ Phóng xạ, cũng có những hoạt động đầu tiên trong lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật hạt nhân. Năm 1969, Viện Vật lý trực thuộc Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước được thành lập, trong đó có Phòng Vật lý Hạt nhân và Phòng Hóa phóng xạ. Một loạt cán bộ của Viện Vật lý được cử sang Đupna vào đầu những năm 1970. Giữa năm 1974, máy phát nơtron 14 MeV, thiết bị hạt nhân đầu tiên của Viện Vật lý đã được lắp đặt và đưa vào sử dụng.


Cũng vào đầu những năm 1960, chính quyền cũ ở miền Nam, với sự viện trợ của Mỹ, đã cho xây dựng ở Đà Lạt Lò phản ứng hạt nhân TRIGA- MARK II công suất 250 kW, phục vụ cho mục đích nghiên cứu, huấn luyện và sản xuất chất phóng xạ. Lò phản ứng này được chính thức hoạt động từ tháng 3 năm 1963. Mặc dù Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt cũng đã tập hợp được một số cán bộ, nhân viên vào các bộ phận vật lý lò, kiểm xạ lò, điện tử, vật lý hạt nhân, hóa học phóng xạ và sinh học phóng xạ để vận hành, sử dụng lò phản ứng TRIGA-MARK II nhưng do việc đầu tư thiếu đồng bộ, nên trong khoảng thời gian 5 năm 1963 - 1968, hoạt động khai thác Lò phản ứng chưa mang lại những lợi ích, hiệu quả cụ thể. Giai đoạn 1968 - 1975, Lò phản ứng hầu như không hoạt động.


Lò phản ứng hạt nhân tại Đà Lạt

Cùng với bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc: Đại thắng Mùa xuân 1975, giải phóng và thống nhất đất nước, bộ đội ta đã giải phóng thành phố Đà Lạt và tiếp quản Lò phản ứng hạt nhân duy nhất của Việt Nam tại đây, trong điều kiện hệ điều khiển đã bị tháo dỡ, nhiên liệu đã bị Mỹ chở đi, lò phản ứng bị tê liệt hoàn toàn. Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn A1 để tiếp quản cơ sở này và thành lập bộ phận nghiên cứu hạt nhân trực thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự. 

Với các điều kiện đã có, việc thành lập một viện nghiên cứu hạt nhân đã chín mùi và Quyết định số 64-CP ngày 26 tháng 4 năm 1976 của Hội đồng Chính phủ đã đáp ứng đòi hỏi của tình hình phát triển lúc này. Ngày 26 tháng 4 năm 1976 đã trở thành ngày thành lập Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, ngày truyền thống của ngành năng lược nước nhà.

Tin bài khác