EU và Mỹ ký thỏa thuận cung cấp thêm khí đốt của Washington cho châu Âu, khi khu vực này tìm cách hạn chế phụ thuộc vào năng lượng Nga.
Thỏa thuận cung cấp khí đốt giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) được công bố trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Joe Biden tới Brussels, Bỉ, hôm nay. Ông Biden dự ba hội nghị thượng đỉnh với các lãnh đạo châu Âu, trong đó trọng tâm là bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp ứng phó Nga.
"Mỹ sẽ làm việc với các đối tác quốc tế và cố gắng đảm bảo ít nhất 15 tỷ mét khối khí hóa lỏng (LNG) cho thị trường EU vào năm 2022, dự kiến tiếp tục tăng trong tương lai", Nhà Trắng nêu rõ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) bắt tay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại hội nghị ở Brussels, Bỉ, hôm 24/3. Ảnh: AFP.
Mục tiêu dài hạn hơn của thỏa thuận là đảm bảo khoảng 50 tỷ mét khối LNG từ Mỹ tới EU mỗi năm, ít nhất là tới năm 2030.
Phía Nga hiện tại chưa bình luận về thỏa thuận này.
Các lãnh đạo EU hôm nay cũng sẽ thảo luận về những động thái có thể thực hiện để kiềm chế giá năng lượng tăng. Tây Ban Nha, Hy Lạp và một số nước khác muốn đặt mức trần cho giá năng lượng và sử dụng các biện pháp can thiệp thị trường, trong khi Đức và Hà Lan muốn trì hoãn các động thái đó.
Vấn đề có nên áp đặt cấm vận với năng lượng Nga, bên cạnh loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nước này, cũng sẽ được các lãnh đạo EU thảo luận, song nhiều khả năng không đi tới quyết định cuối cùng.
Nga cung cấp 40% nhu cầu khí đốt của EU và hơn 1/4 lượng dầu khối này nhập khẩu. Đức, quốc gia EU phụ thuộc nhiều nhất vào nguồn cung khí đốt từ Nga, miễn cưỡng đưa ra biện pháp hạn chế năng lượng của Moskva vì lo ngại tác động lớn đến nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ hồi đầu tháng công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu và các loại năng lượng khác từ Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự tại Ukraine. Anh và EU cũng nêu kế hoạch giảm phụ thuộc vào năng lượng từ Moskva.
Mỹ và các đồng minh phương Tây còn loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm nhập khẩu nhiều nguồn hàng từ Nga và bỏ quy chế tối huệ quốc với nước này.
Nga sau đó cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022 để đáp trả. Moskva cũng áp trừng phạt với Tổng thống và một số quan chức cấp cao Mỹ, cấm họ nhập cảnh vào Nga.
Theo VnExpress
Tin bài khác