Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) chính là cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế và cũng là niềm tự hào của cộng đồng doanh nghiệp Việt.
Toàn cảnh họp báo.
Phát biểu tại buổi họp báo Lễ trao GTCLQG, Giải thưởng chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định đã nhấn mạnh như trên.
Sáng 12/12/2024, Bộ KH&CN tổ chức họp báo công bố Lễ trao GTCLQG, Giải thưởng chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương. Đây là giải thưởng duy nhất về chất lượng ở cấp quốc gia do Thủ tướng Chính phủ xét tặng hằng năm. Giải thưởng được thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá, có lịch sử hình thành và phát triển từ Giải thưởng Chất lượng Việt Nam được triển khai từ năm 1995.
Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Xuân Định cho biết, qua 28 năm hình thành và phát triển, GTCLQG đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các tổ chức/doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội. Đồng thời, tôn vinh xứng đáng những doanh nghiệp xuất sắc, duy trì ổn định một cách toàn diện và khẳng định được vị thế cạnh tranh không chỉ với thị trường trong nước mà đã vươn tầm quốc tế, nhờ quá trình nỗ lực cải tiến hệ thống quản trị theo hướng tối ưu và phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, sau đại dịch Covid - 19, các doanh nghiệp của Việt Nam đứng trước những thách thức chưa từng có trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bằng sự nỗ lực của chính mình cùng sự đồng hành của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp vẫn đứng vững và tạo đà phát triển. Các doanh nghiệp tiếp tục đạt được những thành công, không chỉ trong tổng thể các kết quả nói chung mà còn về cả năng suất và chất lượng sản phẩm.
Giải thưởng này là cơ hội để các doanh nghiệp đạt được sự thành công bền vững, được tôn vinh và ghi nhận một cách xứng đáng. Thứ trưởng Lê Xuân Định hy vọng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực, kết quả hoạt động tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí của GTCLQG, giúp cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh.
Để GTCLQG đóng góp nhiều hơn nữa cho phong trào năng suất - chất lượng, Thứ trưởng đề nghị, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, Cơ quan Thường trực của Giải thưởng, tiếp tục triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động GTCLQG.
Một là, định hướng cho các doanh nghiệp tiếp cận giải thưởng như một công cụ quan trọng, để đánh giá toàn diện hiệu suất của hệ thống quản trị theo các chuẩn mực quốc tế. Thông qua các tiêu chí giải thưởng, doanh nghiệp có thể phát hiện ra các điểm cần cải thiện, từ đó làm cơ sở để nâng cao năng lực cạnh tranh, định hướng phát triển bền vững. Đây cũng chính là giá trị cốt lõi mà Giải thưởng đem lại cho các doanh nghiệp Việt Nam khi họ áp dụng mô hình GTCLQG vào quản trị doanh nghiệp.
Hai là, tổ chức các buổi chia sẻ những cách làm hay, những kết quả ổn định và xuất sắc của các doanh nghiệp được vinh danh đến với cộng đồng. Đây cũng chính là trách nhiệm của các doanh nghiệp đoạt giải, góp phần lan tỏa những kinh nghiệm và thành công để cộng đồng doanh nghiệp cùng phát triển.
Thứ trưởng Lê Xuân Định phát biểu tại buổi họp báo.
Năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký 3 Quyết định về việc trao GTCLQG cho các doanh nghiệp đoạt giải năm 2021, 2022 và 2023. Cụ thể, năm 2021 có 61 tổ chức/doanh nghiệp được trao tặng; Năm 2022 có 49 tổ chức/doanh nghiệp được trao tặng; Năm 2023 có 23 tổ chức/doanh nghiệp được trao tặng.
Về Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương năm 2021, Tổ chức Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương đã chính thức công bố kết quả 2 doanh nghiệp được vinh danh là Công ty Cổ phần thực phẩm sữa TH (tỉnh Nghệ An) và Công ty Cổ phần Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa (tỉnh Khánh Hòa). Năm 2021 là năm thứ 22 Việt Nam tham dự Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương.
Lễ trao GTCLQG, Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương năm 2021 - 2023 sẽ được tổ chức vào ngày 18/12/2024 tại Nhà hát Quân đội.
GTCLQG được xét tặng hằng năm cho những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Các doanh nghiệp tham dự GTCLQG được chia thành 4 loại hình: Doanh nghiệp sản xuất lớn; Doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ; Doanh nghiệp dịch vụ lớn và Doanh nghiệp dịch vụ vừa và nhỏ.
Các doanh nghiệp tham gia giải được đánh giá dựa vào 7 tiêu chí của GTCLQG và theo phương pháp chuyên gia đánh giá cho điểm. GTCLQG gồm 2 loại: Giải Vàng Chất lượng Quốc gia và Giải thưởng Chất lượng Quốc gia.
Việc đánh giá và tuyển chọn GTCLQG được tiến hành theo 2 cấp: Hội đồng sơ tuyển cấp tỉnh/thành phố và Hội đồng Quốc gia. Trên cơ sở danh sách các doanh nghiệp được Hội đồng sơ tuyển đề xuất, Hội đồng Quốc gia lựa chọn, đề nghị Bộ trưởng Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ trao tặng GTCLQG hằng năm.
Cho tới nay đã có 2.163 doanh nghiệp đoạt giải. Trong đó có 332 doanh nghiệp đoạt Giải Vàng, 139 lượt doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Đặc biệt, trong các doanh nghiệp Việt Nam đoạt GTCLQG, đã có 55 doanh nghiệp tiêu biểu được vinh danh ở cấp độ quốc tế và được tặng Giải thưởng Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA).
Năm 2021-2023, Bộ KH&CN đã tổ chức triển khai hoạt động GTCLQG từ cấp Trung ương đến địa phương và có 230 doanh nghiệp đăng ký tham dự.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.
Tin bài khác