Muốn nâng cao năng suất lao động thì việc nâng cao cả về chất lượng và số lượng lao động là một trong những yếu tố tiên quyết.
Năng suất lao động là yếu tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, có ý nghĩa quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Tăng năng suất lao động là mục tiêu hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới đang hướng đến để thoát khỏi tình trạng kém phát triển và trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Thời gian qua, với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, năng suất lao động của Việt Nam đã gia tăng cả về giá trị và tốc độ, từ đó thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Điều này được chứng minh, bình quân giai đoạn 2011-2020, tốc độ tăng năng suất lao động theo giá hiện hành đạt 5,29%; trong đó bình quân giai đoạn 2016-2020 tăng 6,05%, vượt mục tiêu đề ra là bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2020 cao hơn 5,5%.
TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, mặc dù đã có sự cải thiện đáng kể nhưng những năm gần đây, năng suất lao động của nước ta tăng tương đối chậm và chưa có đột phá như kỳ vọng, còn khoảng cách khá xa với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Bình quân hai năm 2021-2022, năng suất lao động tăng 4,65%/năm, thấp khá xa so với mục tiêu kế hoạch kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 đặt ra là tốc độ tăng năng suất lao động bình quân mỗi năm trên 6,5%. Đây được xem là thách thức lớn với nền kinh tế nước ta.
Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia, khu vực doanh nghiệp được xem là "tế bào" của nền kinh tế giúp tăng năng suất lao động, thì "vùng trũng" của doanh nghiệp chính là vấn đề làm chủ công nghệ. "Quản trị công nghệ của doanh nghiệp còn yếu và năng lực quản trị đội ngũ cán bộ doanh nghiệp chưa theo kịp tốc độ đổi mới về công nghệ. Điểm nghẽn ở đây chính là công nghệ vào rất nhanh nhưng năng lực để làm chủ công nghệ còn thấp. Do đó, để khắc phục vấn đề trên yếu tố quan trọng vẫn là cần nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ doanh nghiệp", ông Lâm nhấn mạnh.
Cũng bàn về vấn đề con người, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, hiện nay, cơ cấu đào tạo vẫn chưa hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn khá lớn. Trình độ tay nghề tương đối thấp so với tiêu chuẩn khu vực và thế giới. Đa số người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thiếu ý thức tiết kiệm cả về nguyên vật liệu và thời gian, cả người quản lý lẫn người lao động còn rất yếu về ý thức tiết kiệm. Ngoài ra, người lao động còn thiếu kiến thức và kỹ năng làm việc nhóm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi ro, ngại phát huy tính sáng tạo.
Từ đòi hỏi của thị trường cho thấy dù doanh nghiệp trong nước hay khu vực doanh nghiệp FDI đều mong muốn có nguồn nhân lực có trình độ cao và ý thức làm việc tốt. Vì vậy, muốn nâng cao năng suất lao động thì việc nâng cao cả về chất lượng và số lượng lao động là một trong những yếu tố tiên quyết để giải bài toán này.
Nguồn VietQ.
Tin bài khác