Ngày 17/11/2022, tại Hà Nội đã diễn ra Phiên họp toàn thể Ủy ban về khoa học và công nghệ thuộc Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng chí Bùi Thế Duy - Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Phó Chủ tịch Uỷ ban chủ trì Phiên họp.
Phiên họp được tổ chức nhằm trao đổi về thực hiện các nhiệm vụ của Uỷ ban trong xây dựng và thực hiện chiến lược, chính sách, các chương trình, nhiệm vụ và giải pháp về KHCN&ĐMST để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững và kế hoạch hoạt động của Ủy ban trong thời gian tới. Tham dự Phiên họp có các thành viên của Uỷ ban; đại diện một số Bộ, ngành và đơn vị trực thuộc Bộ.
Theo báo cáo tại Phiên họp, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ then chốt để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững bên cạnh đầu tư nguồn lực tài chính và môi trường thể chế. KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO đóng góp vào thành tựu của hầu hết tất cả các mục tiêu phát triển bền vững và là công cụ để thực thi các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam như xoá đói, xoá nghèo, cải thiện an ninh lương thực, dinh dưỡng và phát triển nông nghiệp; thúc đẩy tiếp cận và hiệu quả của năng lượng; thúc đẩy bình đẳng xã hội theo nguyên tắc “không ai bị bỏ lại phía sau”; phòng ngừa bệnh tật và cải thiện sức khoẻ; thúc đẩy tiếp cận và cá nhân hoá giáo dục.
Trong bối cảnh hiện nay, vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững có nhiều thuận lợi. Vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã được khẳng định trong quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước, được thể hiện trong một số chính sách liên quan đến các mục tiêu phát triển bền vững; nguồn lực đầu tư xã hội cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng tăng; đã có những sáng kiến KH&CN phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang dần khẳng định vai trò là động lực thúc đẩy phát triển sản xuất trong nhiều lĩnh vực kinh tế. Phát biểu tại Phiên họp, Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho rằng các chương trình KH&CN quốc gia ngày càng hướng đến thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cũng còn có những khó khăn trong huy động và phân bổ nguồn lực tài chính từ ngân sách nhà nước và xã hội cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang trong giai đoạn hình thành, năng lực thống kê tại các bộ, ngành và địa phương hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu đề ra trong thống kê các mục tiêu phát triển bền vững, việc điều tra thu thập số liệu phục vụ giám sát đánh giá phát triển bền vững gặp nhiều khó khăn do chưa có kinh phí thực hiện,…
Toàn cảnh hội nghị.
Tại Phiên họp, đại diện các bộ, ngành, cơ quan đã báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2017 - 2022 và yêu cầu đặt ra đối với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong hoàn thành lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030; đại diện một số hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học chia sẻ về tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), năm 2021, Việt Nam đứng thứ 51/165 trên bảng xếp hạng chỉ số các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Bộ KH&ĐT đã ban hành hệ thống gồm 158 chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững Việt Nam. Hàng năm, các, bộ, ngành, địa phương gửi báo cáo về Bộ KH&ĐT tổng hợp, xây dựng Báo cáo giám sát, đánh giá mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam đã thực hiện nghiêm túc việc giám sát, đánh giá mục tiêu SDGs theo yêu cầu của Liên hợp quốc.
Bộ KH&ĐT đã thực hiện hiệu quả 17 mục tiêu trong các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Để giữ vững và thúc đẩy tiến trình thực hiện các mục tiêu SDGs trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp gồm: nhiệm vụ, giải pháp để phục hồi, ứng phó linh hoạt với dịch Covid-19 và phát triển kinh tế bền vững; tiếp tục đầu tư, phát triển nguồn vốn con người, đặc biệt qua việc cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu, dễ tiếp cận, công bằng và chất lượng; thúc đẩy phục hồi các ngành kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn để đảm bảo vừa phát triển kinh tế bền vững, tạo tiềm lực cho các giải pháp an sinh xã hội nhưng đồng thời giảm ô nhiễm môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường năng lực dữ liệu để cung cấp các bằng chứng kịp thời cho theo dõi, giám sát và đánh giá các mục tiêu SDGs; tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính cho thực hiện các mục tiêu SDGs.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN), Bộ chủ trì thu thập 14 chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam (Thông tư 03/2019/TT-BKHĐT ngày 22/1/2019 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Bộ xác định phát triển bền vững là nhiệm vụ trọng tâm và đã đưa nội dung này vào Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ năm 2017 đến nay, Bộ đã hoàn thành 5 bộ Luật quan trọng, sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật đê điều, ban hành 5 chiến lược ngành thời kỳ 2021 – 2030 tầm nhìn đến năm 2045, qua đó thể chế hoá rõ hơn quan điểm phát triển bền vững để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.
Về giải pháp KH&CN, trong thời gian tới Bộ NN&PTNN xác định sẽ tăng cường tiềm lực KH&CN, tập trung đầu tư phát triển một số viện nghiên cứu, trường đại học theo mô hình tiên tiến của khu vực và quốc tế; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của ngành; hình thành nhóm nghiên cứu mạnh giải quyết các vấn đề trọng điểm quốc gia. Chú trọng phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất kinh doanh nông nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp; nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thải phát thải nhà kính; nghiên cứu các giải pháp KH&CN phục vụ xây dựng nông thôn mới;…
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) cho biết, VINASME hiện có 3 đơn vị có chức năng nghiên cứu về KH&CN hiện đang hoạt động hiệu quả, có nhiều sản phẩm đang được ứng dụng góp phần vào phát triển bền vững doanh nghiệp. VINASME và nhóm chuyên gia Nhật Bản đang nghiên cứu, xây dựng Bộ tiêu chí phát triển bền vững cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam với 3 phần chính: xã hội, môi trường, kinh tế và quản trị. Trên cơ sở Bộ tiêu chí phát triển bền vững, VINASME mong muốn được phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và một số bộ ngành liên quan tổ chức Cuộc thi hàng năm nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về phát triển bền vững, các hoạt động phát triển bền vững; thúc đẩy các sáng kiến, ý tưởng sản xuất kinh doanh bền vững ở Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; tạo ra diễn đàn kết nối các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạch định chính sách trong thúc đẩy sản xuất xanh, phát triển bền vững; chuyển giao tri thức và công nghệ về phát triển bền vững của các nước phát triển cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Bên cạnh đó, nhiều đại biểu đề xuất giải pháp ban hành hệ thống chính sách phù hợp, đồng bộ để thu hút các thành phần kinh tế đầu tư trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết đối với giáo dục và đào tạo; sửa đổi, bổ sung ban hành các cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; có chính sách đặc thù, vượt trội, tạo nền tảng tăng cường ứng dụng, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển, tiến tới làm chủ một số công nghệ mới; cơ cấu lại các chương trình, nhiệm vụ KH&CN, gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hình thành các trung tâm nghiên cứu và triển khai, đổi mới sáng tạo tại Việt Nam;...
Ngày 18/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 419/QĐ-TTg về việc kiện toàn Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh. Hội đồng bao gồm 6 uỷ ban chuyên môn là Uỷ ban về phát triển bền vững, cải thiện môi trường kinh doanh, Uỷ ban về xã hội, Uỷ ban về môi trường, Uỷ ban về giáo dục và phát triển nhân lực, Ủy ban về quan hệ đối tác công tư và Ủy ban về KH&CN.
Uỷ ban về KH&CN do Bộ trưởng Bộ KH&CN làm Chủ tịch, 18 thành viên là đại diện của một số bộ, ngành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động KH&CN, một số tổ chức nghiên cứu, đào tạo lớn của cả nước, một số hiệp hội ngành nghề và một số chuyên gia trong nước.
Từ khi thành lập đến nay, Uỷ ban đã tham vấn nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến hoạch định phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo như Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030,…; xây dựng và hoàn thiện chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển bền vững kinh tế - xã hội; xây dựng và đóng góp ý kiến dự thảo các văn bản và báo cáo quốc gia về phát triển bền vững; hàng năm xây dựng báo cáo chuyên đề về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gửi Hội đồng Quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh;…
Theo Bộ KH&CN.
Tin bài khác