Các nhà khoa học khí hậu cảnh báo nhiệt độ năm 2023 hoặc 2024 có thể phá kỷ lục do hiện tượng El Nino, tương tự như năm 2016, bên cạnh ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu.
Các mô hình khí hậu cho thấy hiện tượng El Nino sẽ trở lại vào cuối năm 2023, hơn 3 năm sau khi hiện tượng La Nina xuất hiện trên Thái Bình Dương.
Trái với La Nina gây mưa lũ và phần nào giúp hạ nhiệt độ Trái đất, hiện tượng El Nino xảy ra khi gió thổi về phía tây dọc theo đường xích đạo chậm lại và nước ấm bị đẩy về phía đông, khiến nhiệt độ bề mặt đại dương ấm hơn. Hiện tượng này thường xuất hiện khoảng 3-4 năm/lần và kéo dài 8-12 tháng.
"El Nino thường đi kèm với nhiệt độ tăng kỷ lục trên toàn cầu. Dù vẫn chưa biết điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024 nhưng theo tôi nghĩ, nó có nhiều khả năng xảy ra", ông Carlo Buontempo, giám đốc Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu, cho biết.
Theo ông Buontempo, các mô hình khí hậu cho thấy hiện tượng El Nino quay trở lại vào cuối mùa hè ở phương bắc và sẽ mạnh lên vào cuối năm.
Năm nóng nhất thế giới từng ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với thời điểm xuất hiện El Nino mạnh, bên cạnh ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Sau đó, thế giới trải qua 8 năm nóng chưa từng thấy, phản ánh xu hướng ấm lên toàn cầu về dài hạn do phát thải khí nhà kính.
Ông Friederike Otto, giảng viên tại Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết El Nino góp phần đẩy nhiệt độ lên cao có thể làm trầm trọng thêm các tác động của biến đổi khí hậu ở các nước, bao gồm các đợt nắng nóng, hạn hán và cháy rừng nghiêm trọng.
"Nếu El Nino mạnh lên, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016 khi xét đến việc thế giới tiếp tục ấm lên do con người vẫn đốt nhiên liệu hóa thạch", ông Otto cảnh báo.
Ngày 20-4, các nhà khoa học của Copernicus đã công bố một báo cáo đánh giá các điều kiện khí hậu cực đoan trên thế giới vào năm ngoái.
Năm 2022, châu Âu đã trải qua mùa hè nóng kỷ lục trong khi mưa lớn do biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt thảm khốc ở Pakistan. Vào tháng 2-2023, mực nước biển ở Nam Cực giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Copernicus cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù hầu hết các nước phát thải lớn trên thế giới cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải ròng xuống 0, nhưng lượng khí thải CO2 vẫn tiếp tục tăng trên toàn cầu vào năm ngoái.
Nguồn Tuổi trẻ.
Tin bài khác