Theo chuyên gia, không nên tách khoản đóng góp của lao động, doanh nghiệp vào quỹ bảo hiểm xã hội để giảm mức hưởng trợ cấp một lần bởi sẽ gây xáo trộn lớn.
Ảnh minh họa.
Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Xã hội Quốc hội, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nói sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tính kỹ phương án nhận trợ cấp một lần. Trong đó, cần tính phương án lao động chỉ rút phần mình đóng vào quỹ BHXH, tức 8% (so với lương), còn phần của người sử dụng lao động đóng, chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia. Phương án này cũng được cơ quan BHXH một số địa phương nêu ra khi Ủy ban Xã hội Quốc hội giám sát hoạt động của quỹ.
PGS.TS Nguyễn Đức Lộc, Viện trưởng Nghiên cứu đời sống xã hội (Social Life), cho rằng cách thức chỉ cho người lao động rút BHXH một lần phần mình đóng sẽ đem lại tác dụng phụ. Bởi tập tính của đa số công nhân – chiếm số đông trong nhóm rút BHXH một lần, an toàn tức là "tiền phải ở trong túi", việc đóng vào quỹ bảo hiểm là khoản tiết kiệm họ có thể rút ra khi cần. Vì vậy mọi thay đổi chính sách liên quan khoản trợ cấp một lần đều rất nhạy cảm.
"Tôi chắc rằng thị trường sẽ có khủng hoảng nhất định nếu đề xuất giảm mức hưởng BHXH như trên được thông qua", ông Lộc nói. Sự xáo trộn có thể chia làm hai giai đoạn trước và sau khi chính sách có hiệu lực. Đầu tiên, sẽ có làn sóng ồ ạt rút một lần, sau đó lao động thỏa thuận với nhà máy ký các hợp đồng dịch vụ ngắn hạn, nhận hết phần đóng bảo hiểm vào lương. Điều này dẫn đến hệ lụy lao động phi chính thức tăng lên nhanh, khiến mọi nỗ lực xây dựng chính sách an sinh, thu hút lao động vào hệ thống BHXH lâu nay thất bại.
Đồng quan điểm, ông Đoàn Sỹ Lợi, Giám đốc điều hành Công ty giày Chang Shuen ở Khu công nghiệp Tân Đông Hiệp (Bình Dương), nói rằng theo quy định, doanh nghiệp phải tham gia BHXH bắt buộc để đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Vì vậy việc tách bạch các khoản và giữ lại phần đóng của doanh nghiệp trong quỹ hưu trí, tử tuất là không hợp lý.
"Doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm đóng vào quỹ, không được thụ hưởng, nên việc gán số tiền đó của người sử dụng lao động đóng rồi giữ lại là ngược với quy định pháp luật", ông Lợi nói.
Nhiều năm quản lý doanh nghiệp sản xuất, đau đầu với tình trạng công nhân liên tục nghỉ việc để rút BHXH một lần, ông Lợi cho rằng nguyên nhân không hẳn bởi khó khăn mà họ lo lắng chính sách thay đổi, lương hưu tính trung bình cả quá trình đóng rất thấp, không đủ duy trì cuộc sống.
"Nhiều người đóng bảo hiểm 19,5 năm còn nghỉ việc để rút một cục. Họ hoàn toàn không nghèo, chỉ là muốn tiền của mình được an toàn nhất", ông Lợi nói. Cho nên nếu luật sửa đổi theo hướng giảm mức hưởng BHXH một lần, nhiều công nhân sẽ chọn rút trước khi chính sách có hiệu lực, doanh nghiệp đối mặt xáo trộn nhân sự lớn.
Tương tự, ông Lê Nhật Trường, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH Pou Sung Việt Nam ở Khu công nghiệp Bàu Xéo (Đồng Nai), cho biết phương án giảm mức hưởng BHXH một lần, dù phần còn lại được sử dụng như thế nào thì người lao động vẫn xem đây là chính sách gây bất lợi với bản thân.
"Khi cảm thấy không an toàn với số tiền tích góp, công nhân đương nhiên sẽ rút trước khi chính sách được ban hành", ông Trường nói. Theo tìm hiểu của công đoàn Công ty Pou Sung, trong số những người nghỉ việc ở nhà máy để nhận trợ cấp một lần, chỉ 30% thực sự khó khăn, 20% rút theo phong trào, còn lại một nửa rút vì mơ hồ, thiếu niềm tin vào chính sách.
Đặc biệt sau nhiều thay đổi khiến người lao động thấy "phần thiệt đang về mình" như tuổi hưu tăng, thời gian tham gia để được hưởng mức lương hưu tối đa kéo dài... thì việc giảm mức hưởng BHXH một lần sẽ là cú sốc khiến họ dễ rời đi.
Nhiều năm nghiên cứu về BHXH, PGS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp của Đại học Kinh tế Quốc dân, nói phương án chỉ cho người lao động rút BHXH một lần phần đóng của mình là chưa ổn. Trước mắt, những người đang lập lờ chưa biết nên tham gia tiếp hay rời đi, khi chính sách này ra đời họ nhận thấy đang bị thiệt, sẽ quyết định rút luôn.
Tuy nhiên, cần hiểu vì sao chính sách phải hạn chế rút BHXH một lần. Khi tìm hiểu chính sách bảo hiểm ở các nước châu Âu, ông Long thấy những người rút BHXH một lần khi hết tuổi lao động hầu hết đều trở thành người cao tuổi nghèo, quay lại hưởng trợ cấp xã hội từ ngân sách. Lực lượng lao động lúc đó phải gánh áp lực lớn, đóng thuế nhiều hơn để có nguồn hỗ trợ nhóm không hưu trí.
Trong khi đó theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh, đến năm 2035 trở thành quốc gia có dân số già. Khi đó, người đóng thuế càng ngày càng ít nhưng ngân sách phải chi nhiều hơn để lo cho những người đã nhận trợ cấp một lần và "đây là gánh nặng cực kỳ lớn".
Ông Long cho biết có thể xem việc giữ lại 14% phần đóng của doanh nghiệp như một phương án để người lao động lựa chọn. Ngoài ra, chính sách cần minh bạch ngay từ đầu số tiền này sẽ được cộng dồn khi lao động quay lại hệ thống hoặc làm căn cứ để chi trả trợ cấp khi lao động đến tuổi hưu.
"Dù vậy phương án này sẽ nảy sinh thách thức là mức hưởng sẽ không cao, lương hưu không đủ sống và cuối cùng ngân sách vẫn phải bù", ông Long nói và cho rằng cách tốt nhất vẫn là khuyến khích lao động ở lại với hệ thống. Ngoài tăng hỗ trợ để hấp dẫn lao động, với người thu nhập thấp, ngân sách sẽ hỗ trợ một phần để đảm bảo mức đóng tối thiểu, khi về hưu khoản trợ cấp không quá thấp.
Theo ông Lê Nhật Trường, để giữ lao động ở lại hệ thống cần điều chỉnh những bất cập để họ an tâm. Điều này sẽ tốt hơn việc ra các quy định nhằm hạn chế rút một lần. Vị cán bộ công đoàn lâu năm đề xuất nên quy định tuổi nghỉ hưu tối thiểu tương tự số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu. Ví dụ với công nhân trực tiếp sản xuất, nữ 55 tuổi được phép về hưu nhưng mức trợ cấp hưu trí thấp hơn người về hưu tuổi 60-62-65. Công nhân còn sức khỏe sẽ tiếp tục làm việc để đạt được mức hưởng tốt hơn.
"Cho người lao động một điểm tựa an toàn và dễ hướng đến còn hơn đặt mục tiêu quá khó khiến họ dễ bỏ cuộc", ông Trường nói. Quy định tuổi hưu 62 với nam (vào năm 2028) và nữ 60 (năm 2035) với công nhân trực tiếp sản xuất là thời gian rất dài khiến họ dễ bị tác động bởi bất kỳ sự điều chỉnh của chính sách.
Theo VnExpress.
Tin bài khác