Thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng và ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 1358 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 107 Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia (QCVN).
Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT), quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật năm 2006 và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 nêu rõ, hàng hóa, sản phẩm được chia thành nhóm 1 và nhóm 2.
Đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 1 (sản phẩm, hàng hóa không có khả năng gây mất an toàn), tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa tự công bố phù hợp tiêu chuẩn áp dụng; còn sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được quản lý chất lượng trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do người sản xuất công bố áp dụng.
Các Bộ có thẩm quyền ban hành Thông tư để quy định danh mục hàng hóa nhóm 2 thuộc lĩnh vực được giao quản lý căn cứ trên nguyên tắc quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, văn bản hướng dẫn thi hành và yêu cầu và khả năng quản lý nhà nước trong từng thời kỳ.
Thực hiện 2 Luật nêu trên, trong suốt hơn 17 năm qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã xây dựng và ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 1358 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) và 107 Quy chuẩn Kỹ thuật quốc gia (QCVN), trong đó quản lý vật tư nông nghiệp có 448 TCVN và 35 QCVN, hầu hết sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 đã có tiêu chuẩn, quy chuẩn để quản lý.
Điều này bảo đảm công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử và không gây trở ngại không cần thiết đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, quá trình, môi trường trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trong quá trình triển khai thực hiện, việc rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để sửa đổi, bổ sung hoặc huỷ bỏ là rất cần thiết. Năm 2023, Bộ NN&PTNT đã ban hành 04 Thông tư hủy bỏ 127 QCVN, gồm: Thông tư số 03/2023/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2023 hủy bỏ 18 QCVN lĩnh vực Chăn nuôi; Thông tư số 05/2023/TT-BNNPTNT ngày 23/8/2023 hủy bỏ 07 QCVN lĩnh vực Thủy sản và Thông tư số 07/2023/TT-BNNPTNT ngày 27/9/2023 hủy bỏ 02 QCVN về điều kiện vệ sinh thú y; Thông tư số 15/2023/TT-BNNPTNT ngày 15/12/2023 hủy bỏ 48 QCVN lĩnh vực Trồng trọt và 51 QCVN lĩnh vực Bảo vệ thực vật.
Việc hủy bỏ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho thấy việc quản lý theo quy chuẩn kỹ thuật không còn phù hợp theo thời gian ở một số quy trình, quy phạm của một số sản phẩm, hàng hóa, góp phần đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ NN&PTNT.
Hiện nay, theo Thông tư số 16/2021/TT-BNNPTNT ngày 20/12/2021 của Bộ NN&PTNT có 9 nhóm sản phẩm, hàng hóa (chủ yếu là vật tư nông nghiệp) được xác định là nhóm 2 và được quản lý chất lượng sản phẩm trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Những sản phẩm, hàng hóa này vừa được quản lý theo chuỗi từ nghiên cứu, chọn tạo để công nhận lưu hành đến điều kiện sản xuất, kinh doanh theo các Luật chuyên ngành như Luật Thú y, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật, Luật Thủy sản… vừa được quản lý chất lượng theo pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn. Chính điều này đã phát sinh những khó khăn, vướng mắc cần cải cách trong thời gian tới.
Ví dụ như, theo quy định pháp luật về thú y, thuốc thú y được quản lý sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế về thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP), quản lý điều kiện sản xuất, nhập khẩu thuốc thú y, cấp Giấy chứng nhận lưu hành, kiểm tra chất lượng thuốc thú y nhập khẩu và lưu hành trên thị trường... đã đảm bảo quản lý chất lượng thuốc thú y. Nhưng do thuốc thú y được quy định quản lý chất lượng theo quy chuẩn kỹ thuật (hàng hóa nhóm 2) thì buộc phải thực hiện công bố hợp quy theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn, pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc thực hiện công bố hợp quy sẽ làm tăng thủ tục hành chính, gây cản trở, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, tăng giá thành chăn nuôi, giảm sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Từ ví dụ này cũng đặt ra nhiều bài toán cần giải quyết từ việc phân loại sản phẩm, hàng hóa nhóm 1, nhóm 2 đã thực sự phù hợp với đặc thù quản lý theo chuỗi, theo quy trình sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đến việc quản lý hàng hóa nhóm 2 đã đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm chi phí tuân thủ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chưa? Rồi yêu cầu gắn hàng hóa nhóm 2 với quy chuẩn kỹ thuật và công bố hợp quy đã thực sự phù hợp?…
Xuất phát từ yêu cầu quản lý, đặc thù sản phẩm, hàng hóa trong từng thời kỳ để điều chỉnh quy định về quản lý chất lượng, về xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho phù hợp. Điều này gắn với quá trình sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, cần đánh giá tổng thể, có tiêu chí xác định chính xác danh mục hàng hóa nhóm 2 (loại hàng hóa cần quản lý chất lượng nghiêm ngặt hơn) theo hướng thu hẹp hơn, nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác hậu kiểm; đề xuất phương thức quản lý đối với một số mặt hàng, sản phẩm nhóm 2 có đặc thù theo phương pháp quản lý rủi ro, giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho tổ chức, cá nhân.
Theo đó, đối với một số sản phẩm, hàng hóa nếu đã tuân thủ, đáp ứng, được công nhận, thừa nhận hệ thống quản lý chất lượng có yêu cầu cao hơn quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng như HACCP, GMP, GLOBALGAP, IFOAM thì không phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy và quy chuẩn kỹ thuật này có thể được dùng để cơ quan nhà nước xem xét, kiểm tra, đánh giá chất lượng.
Ngoài ra, cũng cần làm rõ thực phẩm có phải là hàng hóa nhóm 2 không? Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm có phải là điều kiện đầu tư kinh doanh không, bởi hiện nay thực hiện quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật An toàn thực phẩm, đối với một số loại hình sản xuất nông lâm thủy sản, Bộ NN&PTNT đã xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với quá trình sản xuất, chế biến. Và như thế doanh nghiệp sẽ phải thực hiện theo cả 2 quy trình là vừa thực hiện công bố hợp quy theo quy định của Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật vừa phải nộp hồ sơ để được thẩm định đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo Luật An toàn thực phẩm.
Nguồn VietQ.
Tin bài khác