Củ hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora) là dược thảo, được dùng để chữa các bệnh trầm cảm, thiếu máu và rụng tóc… Hiện nay, củ hà thủ ô đỏ khô thái lát đang bị trộn lẫn củ nâu (Dioscorea cirrhosa) và được tiêu thụ trên thị trường nước ta. Trong nghiên cứu này, 10 mẫu củ khô thái lát, bao gồm 8 mẫu xác thực, 1 mẫu hà thủ ô (Fm) và 1 mẫu củ nâu (Dc) đối chứng được xác thực dựa vào kỹ thuật PCR bằng mồi nhân atpF1 và atpF2 để nhân bản đoạn intron trên gen lạp thể atpF của 2 loài. Kết quả nhân bản bằng PCR, khẳng định bằng phân tích chủng loại và phân tích mức tương đồng về trình tự ADN của sản phẩm PCR cho thấy đoạn intron 850bp là chỉ thị đặc hiệu cho hà thủ ô đỏ và đoạn 1050bp cho củ nâu. Trên cây chủng loại, đa hình trình tự DNA đoạn 850bp nhóm 5 mẫu xác thực với mẫu Fm và các trình tự tham chiếu của hà thủ ô đỏ trên ngân hàng gen thành 1 nhánh với khoảng cách di truyền thấp (16-53%); đoạn 1050 bp nhóm 3 mẫu xác thực với mẫu Dc và các trình tự tham chiếu thành 1 nhánh khác chỉ với khoảng cách di truyền 12-46%. Giữa 2 nhánh có khoảng cách di truyền tới 100%. Mức tương đồng về trình tự DNA đoạn 850bp giữa 5 mẫu xác thực, các mẫu tham chiếu và Fm tới 99,4-100% và mức tương đồng đoạn 1050bp của 3 mẫu, các mẫu tham chiếu và Dc tới 99,6-100%. Như vậy, đa hình chiều dài sản phẩm PCR của đoạn intron trên gen atpF là chỉ thị để phân biệt 5 mẫu là củ hà thủ ô đỏ và 3 mẫu là củ nâu trong tổng số 8 mẫu xác thực.
Xem chi tiết tại Đây
Tin bài khác