Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực Miền Bắc

16/05/2024

Việt Nam là quốc gia ven biển, có hệ thống sông ngòi dày đặc gồm khoảng 2.360 sông dài phân bố rộng khắp cả nước, có bờ biển dài 3.260 km, vùng nội thủy và lãnh hải rộng 226.000 km2, có 112 cửa sông, 47 vùng vịnh, 53 cảng biển, 78 dãy đảo ven biển, trên 4.000 hòn đảo lớn, nhỏ và vùng đặc quyền kinh tế hàng triệu km2 đã đưa Việt Nam trở thành một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới, được xếp hạng thứ 16 về sự đa dạng tài nguyên di truyền, là nơi có nguồn gen cây trồng và vật nuôi đa dạng của thế giới, hiện đang lưu giữ khoảng 10% tổng số loài sinh vật trên thế giới. Tuy nhiên, trong những năm qua do sự gia tăng dân số với tốc độ nhanh, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm thủy sản ngày càng tăng, người dân đánh bắt quá nhiều với cường độ khai thác cao, triệt để đã làm cho nguồn lợi thủy sản bị suy giảm nhanh chóng. Thêm vào đó, sự phát triển của nhiều ngành kinh tế khác cũng tác động đến việc suy giảm nguồn lợi thuỷ sản như môi trường sinh thái bị ô nhiễm, các bãi giống, bãi đẻ bị mất do hoạt động xây dựng của các công trình thủy điện, thủy lợi. Vì vậy việc thuần dưỡng được các nguồn gen đảm bảo đa dạng về cơ sở di truyền sẽ là tiền để để phát triển các chương trình chọn tạo giống trong thủy sản.

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực Miền Bắc

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn, lưu giữ nguồn gen các giống loài thủy sản, PGS. TS. Đặng Thị Lụa cùng các cộng sự tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Viện NCNTTS 1) đã thực hiện đề tài: “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và giống thủy sản khu vực miền Bắc” nhằm bảo tồn đa dạng sinh học, lưu giữ lâu dài, an toàn nguồn gen và nâng cao chất lượng giống thủy sản nhằm phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản khu vực Bắc Bộ.

Sau một thời gian triển khai thực hiện, đề tài đã thu được các kết quả cụ thể như sau:

- Đã điều tra và thu thập mới 2 nguồn gen cá rai và cá hồng vằn, thu thập bổ sung nguồn gen cá mát với số lượng cá rai 63 cá thể (kích cỡ 0,2-1,2 kg/cá thể), cá hồng vằn 20 cá thể (kích cỡ > 1-2 kg/con) và cá mát 120 cá thể (kích cỡ 0,03-0,5 kg/cá thể). Tỷ lệ sống sau khi vận chuyển về nơi lưu giữ và thuần dưỡng đạt lần lượt 87,3% (cá rai), 70% (cá hồng vằn) và 33,3% (cá mát).

-  Đã lưu giữ an toàn tổng số 15 nguồn gen thủy hải sản bằng phương pháp chuyển vị Ex-situ (lồng biển, bể composite và ao đất). Các hình thức lưu giữ, chế độ quản lý chăm sóc và phòng trị bệnh hiệu quả, phù hợp với đặc tính sinh học của từng nguồn gen. Tỷ lệ sống sau khi trong quá trình lưu giữ trong năm đáp ứng yêu cầu đạt trên 90%, ngoại trừ nguồn gen cá măng (88,1%), cá hỏa (81,1%), cá mát (73,3%). Nguyên nhân là do các nguồn gen này khó lưu giữ hơn, và một số nguồn gen đang trong giai đoạn lưu giữ thuần dưỡng.

- Đã lưu giữ thành công và đạt yêu cầu 5 nguồn gen vi tảo bao gồm: Nannochloropsis oculata, Isochrysis galbana, Chaetoceros calcitrans, C. muelleri, và Thalassiosira pseudonana. Các nguồn gen vi tảo đã được lưu giữ trên môi trường lỏng và môi trường thạch với thời gian lưu giữ từ 1-12 tháng tùy theo từng nguồn gen. Đồng thời các nguồn gen vi tảo được thử nghiệm nuôi sinh khối ở các độ mặn khác nhau để đánh giá chất lượng nguồn gen vi tảo sau lưu giữ.

- Đã đánh giá sơ bộ (phân loại, hình thái, phân bố và tập tính sống, dinh dưỡng) của 2 nguồn gen cá rai và cá hồng vằn; Đã đánh giá chi tiết (đặc điểm sinh trưởng, sinh học sinh sản và sinh sản thăm dò) nguồn gen cá mát và cá hỏa.

- Đã đánh giá chi tiết 5 nguồn gen vi tảo sử dụng trong ương nuôi ấu trùng hàu Thái Bình Dương. Trong đó, công thức N. oculata + I. galbana + C. calcitrans cho tỷ lệ sống từ ấu trùng chữ D lên ấu trùng chân bò đạt cao nhất (26,6 ± 0,6%) sau 18 ngày ương và công thức 4 (N. oculata + C. muelleri + C. calcitrans) cho tỷ lệ sống thấp nhất (13,6 ± 2,4%). Đồng thời công thức này cũng cho tốc độ tăng trưởng lớn nhất về chiều dài và chiều cao vỏ của ấu trùng hàu theo thứ tự đạt 13,9 ± 0,1 và 17,9 ± 0,3 µm/ngày, công thức 4 cho tăng trưởng về chiều dài và chiều cao thấp nhất đạt 10,1 ± 0,3 và 14,9 ± 0,1 µm/ngày.

- Đã chia sẻ, trao đổi thông tin nguồn gen với các địa phương như Hà Giang, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình… Đặc biệt, tháng 11/2020 Viện NC NTTS 1 đã trao tặng các đàn cá bố mẹ (đàn cá chép 230 con, cá trắm cỏ 50 con và cá rô phi 1.040 con) cho Trung tâm giống thủy sản Quảng Trị và Trung tâm giống thủy sản Quảng Bình nhằm giúp các địa phương miền Trung khôi phục lại sản xuất sau thiên tai.

- Đã tiếp tục tư liệu hóa, cập nhật bổ sung thông tin của các nguồn gen bảo tồn, lưu giữ trên trang web của nhiệm vụ và chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu thông qua trang web của nhiệm vụ: http://gca.ria1.org.

Trên cơ sở kết quả của nhiệm vụ qua các năm, căn cứ vào Bộ tiêu chí đưa vào và đưa ra nguồn gen khỏi danh mục bảo tồn lưu giữ nguồn gen, nhóm đề tài đề xuất thu thập bổ sung 02-03 nguồn gen mới để lưu giữ và phát triển là cá nheo sông, cá hồng chấm và cá đối mục. Đồng thời, tiếp tục thu thập bổ sung và đánh giá chi tiết nguồn gen cá rai và cá hồng vằn và xem xét nội dung tái đàn đối với một số nguồn gen lưu giữ đã già cỗi.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 19827/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn Vista.