Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp

08/04/2024

Đồng bằng bông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích khoảng 4 triệu ha, trong đó diện tích chịu ảnh hưởng của lũ tiềm năng hàng năm lên tới trên 2 triệu ha (vào những trận lũ trung bình trở lên) ở phần thượng Đồng bằng và xâm nhập mặn vùng hạ Đồng bằng với tiềm năng cũng trên 2 triệu ha. Đồng bằng có nhiều tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về nông nghiệp (lúa, trái cây) và thủy sản (nước ngọt, lợ và mặn-đặc biệt là tôm) với giá trị xuất khẩu các mặt hàng này cao nhất cả nước, chiếm hơn 50% sản lượng lương thực (là nền tảng an ninh lương thực Quốc gia), hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, hơn 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 57% tổng sản lượng thủy sản của cả nước. Cùng với việc thực hiện nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Đồng bằng đang tiếp tục chuyển đổi mô hình từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, hướng đến sự ổn định, bền vững và thịnh vượng.

Nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro thiên tai (hạn mặn) vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển đồng bằng sông Cửu Long

Nằm cuối lưu vực Mê Công, ĐBSCL chịu tác động mạnh mẽ từ thượng lưu. Nguồn nước nội sinh trên Đồng bằng khoảng 5% (chủ yếu sinh ra và tồn tại trong mùa mưa), rất nhỏ so với khoảng 95% từ thượng lưu Mê Công chảy về. Đặc biệt, trong mùa khô, Đồng bằng hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước Mê Công. Khoảng 20 năm gần đây, lưu vực Mê Công phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là về thủy điện; ước tính đến nay (2020) dung tích hữu ích hồ chứa lưu vực đã lên đến khoảng 60 tỷ m3, bằng 60% tổng dung tích hồ quy hoạch (ước 100-110 tỷ m3). Chỉ khoảng 20 năm nữa (2040), dung tích hồ đã có thể lên đến 90 tỷ m3. Cùng với việc sử dụng nước ở các nước thượng lưu (Thái Lan, Lào, Campuchia) không ngừng tăng lên, đã đặt thêm những áp lực mới về nguồn nước ngọt về Đồng bằng.

Dưới tác động của các hồ chứa, dòng chảy về châu thổ Mê Công nói chung và ĐBSCL nói riêng đang liên tục thay đổi, khác xa so với những quy luật thông thường trong quá khứ (khi lượng hồ/dung tích hồ còn ít); với những điểm thay đổi đã được nhận diện là dòng chảy mùa lũ giảm, dòng chảy mùa khô tăng lên - nhưng biến động bất thường hơn.

Không chỉ biến động từ thượng lưu Mê Công, các tác động bất lợi từ biển cũng không ngừng tăng lên, với dự báo nước biển dâng ngày một gia tăng về cường độ, mức dâng nước biển trung bình cuối thế kỷ 21 có thể đạt tới 72-75cm (với kịch bản trung bình). Theo đó, ngập nước vùng ven biển và xâm nhập mặn gia tăng là những hậu quả, bất lợi trực tiếp của tác động này. Vấn đề sẽ càng nghiêm trọng hơn khi Đồng bằng đang lún sụt với mức rất nghiêm trọng, cao nhất là vùng ven biển với mức 1-3cm/năm, nghiêm trọng nhất là ở vùng Bán đảo Cà Mau (BĐCM).

Trên Đồng bằng, việc sản xuất đang chuyển đổi mạnh mẽ về mô hình canh tác hướng thị trường xuất khẩu. Việc chuyển đổi mạnh mẽ nhất là từ sản xuất lúa gạo sang cây ăn trái, tiếp tục chuyển một phần đất trồng trọt sang nuôi thủy sản mặn, lợ (chủ yếu là từ lúa sang tôm-lúa). Khi thực thi các mô hình sản xuất, vấn đề tính ổn định nguồn nước cho sản xuất là đặc biệt quan trọng, trong đó nguồn nước ngọt, nguồn nước mặn cho vùng ven biển là mối quan tâm hàng đầu, có tính chất tiền đề cho việc quy hoạch, triển khai các mô hình sản xuất ổn định, bền vững và hiệu quả cao.

Xuất phát từ thực tiễn trên, GS.TS. Tăng Đức Thắng cùng nhóm tác giả tại Viện Khoa học Thủy Lợi miền Nam thực hiện “Nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro thiên tai (hạn mặn) vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển đồng bằng sông Cửu Long” với mục tiêu: Đánh giá được diễn biến nguồn nước, chất lượng nước vùng mặn lợ ven biển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo không gian và thời gian (theo các mùa vụ); Đề xuất được các vùng tiềm năng và vùng thích hợp cho nuôi thủy sản (tôm,...) và trồng trọt nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai cho vùng mặn lợ; Thiết kế mẫu cho hai tiểu vùng ngoài thực tế (cho vùng ven biển Đông và biển Tây) bao gồm hạ tầng thủy lợi, cơ cấu nuôi trồng, mùa vụ thích hợp được địa phương chấp nhận.

Phạm vi nghiên cứu của Đề tài về địa lý là vùng ven biển ĐBSCL, chịu tác động của hạn mặn. Các tỉnh thuộc phạm vi nghiên cứu bao gồm 10 tỉnh, trong đó 8 tỉnh trực tiếp chịu tác động mạnh của hạn mặn, gồm: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, và 2 tỉnh chịu ảnh hưởng xâm nhập mặn, gồm Vĩnh Long và Hậu Giang. Tuy vậy, do nguồn nước ven biển chịu tác động của nhiều yếu tố, từ thượng lưu Mê Công đến biển Việt Nam, nên phạm vi nghiên cứu mở rộng là cả lưu vực Mê Công, trong đó gồm toàn bộ vùng ĐBSCL.

Phạm vi nghiên cứu về chuyên môn: Tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến diễn biến nguồn nước từ hiện tại đến tương lai (lân cận 2040), bao gồm các vấn đề cốt lõi: (1) Hiện trạng nguồn nước (lượng và chất), hạ tầng kiểm soát nước, sản xuất vùng ven biển; (2) Cơ sở khoa học về diễn biến nguồn nước hiện tại đến tương lai (đặc biệt là vấn đề biến động dòng chảy thượng lưu Mê Công về ĐBSCL, xâm nhập mặn, chất lượng nước và ngập nước trên Đồng bằng); (3) Cơ sở khoa học chuyển đổi sản xuất vùng ven biển (xác định các vùng tiềm năng, vùng thích hợp chuyển đổi); (4) Các giải pháp tổng hợp (đặc biệt là giải pháp thủy lợi chủ động nguồn nước) phục vụ cho sản xuất bền vững, giảm thiểu rủi ro vùng ven biển; (5) Thiết kế mẫu cho các khu chuyển đổi sản xuất. Những vấn đề khác thuộc về kinh tế (chẳng hạn như thị trường…) chỉ được đề cập ở mức độ vừa phải.

Với mục tiêu chính là đánh giá được diễn biến nguồn nước, đề xuất được các vùng tiềm năng, vùng thích hợp và các giải pháp giảm thiểu rủi ro hạn mặn cho ĐBSCL, Đề tài Nghiên cứu diễn biến nguồn nước, chất lượng nước và đề xuất các giải pháp khai thác thích hợp nhằm nâng cao hiệu quả và hạn chế rủi ro thiên tai (hạn mặn) vùng nuôi thủy sản, trồng trọt ven biển đồng bằng sông Cửu Long đã đạt được các kết quả chính dưới đây.

Đã tổng quan được tình hình phát triển kinh tế xã hội, hiện trạng sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, hiện trạng thủy lợi… liên quan đến sử dụng nước trên toàn lưu vực Mê Công đến thời điểm nghiên cứu (2020); trên cơ sở đó đã đánh giá được nhu cầu nước thượng lưu Mê Công;

Đã đánh giá được nguồn nước trên lưu vực Mê Công, ĐBSCL và BĐCM trong bối cảnh phát triển thượng lưu tính đến thời điểm hiện tại (lân cận 2020)

Đã đánh giá thay đổi cơ cấu dòng chảy mùa lũ và mùa kiệt, cho thấy các hồ chứa đã có tác dụng tích trữ nước và cắt lũ một phần, làm cho dòng chảy mùa lũ giảm, mùa khô tăng đáng kể so với quá khứ.

Đã đánh giá dòng chảy lũ từ thượng lưu về châu thổ Mê Công và ĐBSCL, cho thấy lũ đã suy giảm rất lớn từ khi có hồ thượng lưu, mức giảm lũ tỷ lệ với dung tích hồ; theo đó,

Đã xây dựng phương pháp và công cụ dự báo (ước tính) đỉnh lũ ĐBSCL (tại trạm Tân Châu (An Giang)) theo dạng bảng tra và theo công thức, thuận tiện cho sử dụng, với thời hạn dự báo trước khoảng 4-6 tháng.

Đã xây dựng các kịch bản chính về thay đổi nguồn nước ven biển theo các kịch bản thay đổi các yếu tố tác động, với khung thời gian từ hiện tại (lân cận 2020) đến tương lai (lân cận 2040).

Đã đánh giá dòng chảy mùa khô từ thượng lưu về châu thổ Mê Công (trạm Kratie) cho 2 giai đoạn hiện tại (2020) và tương lai (lân cận 2040), cho thấy dòng chảy mùa khô từ tháng 12 - tháng 4 trong tương lai có thể tăng khoảng 20-25% so với hiện tại (ứng với dung tích hữu ích hồ chứa tương lai khoảng 95 tỷ m3).

Đã xây dựng công thức tính toán dòng chảy theo tháng và tính sẵn cho 4 cấp năm thủy văn đặc trưng (nêu trên). Số liệu này là căn cứ cho việc đánh giá tác động của phát triển thượng lưu đến thay đổi chế độ thủy văn, thủy lực và nguồn nước trong mùa khô cho châu thổ Mê Công nói chung và ĐBSCL nói riêng.

Có thể tìm đọc toàn văn báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 19695/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.

Nguồn Vista.