Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Xã hội hóa công tác Khoa học Công nghệ - Tâm và tầm của nhà quản lý

13/03/2015

Xã hội hóa các hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) là một đòi hỏi tự nhiên và khách quan của cuộc sống, hội nhập và phát triển. Đây là một quá trình phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải có sự nhận thức đúng và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết thì mới đạt kết quả tốt. Chính vì vậy vai trò của người quản lý trong lĩnh vực này đòi hỏi một cái tâm và một mức tầm nhất định.

Hiện trạng công tác xã hội hóa hoạt động  khoa học và công nghệ

Xã hội hóa các hoạt động KH&CN là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là con đường tất yếu để phát triển và khai thác tốt nhất hiệu quả của KH&CN đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đây là một quá trình phức tạp, vừa cấp bách, vừa lâu dài, với nội dung chủ yếu là: Tăng cường thu hút các nguồn lực ngoài xã hội tham gia vào các hoạt động KH&CN; tăng cường sự gắn kết khoa học với thực tiễn sản xuất, mở rộng và đẩy nhanh quá trình nghiên cứu ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tế đời sống; từng bước chuyển các doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp KH& CN nhà nước sang hoạt động theo cơ chế thị trường; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội cho KH&CN.

Những năm gần đây, nhận thức về xã hội hóa ngày càng có sự thống nhất ở các cấp, các ngành. Các chủ trương và cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN không ngừng được bổ sung, hoàn chỉnh.  Nhờ vậy, đầu tư phát triển và đổi mới hoạt động KH&CN được gia tăng, góp phần nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ trên thị trường; dịch vụ chứng nhận sự phù hợp được phát triển rộng rãi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng đưa được sản phẩm chất lượng vào thị trường trong và ngoài nước; …

Tuy vậy trên thực tế, công tác quản lý KH&CN còn mang tính hành chính. Thị trường KH&CN chưa phát triển bền vững, chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh để vừa khuyến khích, vừa đòi hỏi doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Đội ngũ cán bộ KH&CN còn thiếu và yếu về chuyên môn. Đầu tư cho KH và CN của nhà nước mới chỉ hơn 2% tổng chi ngân sách, tức chỉ khoảng 0,5- 0,6% GDP. Tỷ lệ đầu tư cho KH&CN từ ngân sách Nhà nước so với khu vực ngoài Nhà nước ở Việt Nam khoảng 3:1, trong khi của Nhật Bản là 1:4, Đức là 1:3. Hiệu ứng lan tỏa (hay khả năng xúc tác) của đầu tư Nhà nước lên đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và tư nhân rất hạn chế. Hàng hóa trên thị trường KH&CN còn nghèo nàn.

Các yếu tố khác cấu thành của thị trường KH&CN như hệ thống thông tin KH&CN và các dịch vụ hỗ trợ đổi mới KH&CN (như tư vấn, môi giới, đánh giá và thẩm định KH&CN) chưa được hỗ trợ phát triển mạnh và rộng rãi. Khu vực doanh nghiệp tư nhân hầu hết đều thiếu vốn kinh doanh, đồng thời với quy mô nhỏ, hạn chế về cơ sở vật chất, nguồn vốn và con người đã làm cho khu vực này khó có thể bỏ vốn đầu tư đổi mới KH&CN…

Nói chung, bức tranh về xã hội hóa hoạt động KH&CN ở nước ta vẫn còn nhiều gam màu tối, cần có một “ánh sáng” mạnh trước hết là từ nhà quản lý của ngành này để bức tranh được sinh động và phồn thịnh nhất.

Tâm và tầm của nhà quản lý KH&CN - nút thắt chính để thúc đẩy xã hội hóa hoạt động khoa học và công nghệ

Kết quả xã hội hóa KH&CN tùy thuộc rất lớn vào nhận thức và cơ sở pháp lý cần thiết cho việc triển khai các hoạt động KH&CN; vào sự hưởng ứng của doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu KH&CN; sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy Đảng; sự quản lý thống nhất của Nhà nước; sự phối hợp tham gia tích cực của các tổ chức phi chính phủ (NGo), các hội, hiệp hội, liên hiệp hội và các tổ chức chuyên ngành khác có liên quan tham gia vào quá trình này...

Để có được những điều đó, cái tâm của nhà quản lý khoa học là phải biết lắng nghe, chia sẻ sâu sắc với những khó khăn chất chồng của thực tế sản xuất mà các doanh nghiệp đang phải chống chịu. Từ đó, một bộ phận các nhà quản lý thay đổi được nhận thức rằng thay vì quản lý đi vào tiểu tiết, kỹ thuật (mà đôi khi nếu thiếu cái tâm thì những hành động quản lý tiểu xảo có thể là với dụng ý xấu, chỉ vì lợi ích trước mắt hoặc vì lợi ích cá nhân) nhà quản lý nên đi vào chiều sâu với tầm vóc lớn, tầm  nhìn xa hơn cho việc phát triển, tập hợp nguồn lực sức mạnh của cả xã hội cho công tác KH&CN nước nhà.

Môi trường KH&CN hiện nay vẫn còn những nhà quản lý áp đặt duy ý chí định hướng sự ứng dụng, phát triển KH&CN theo ý muốn chủ quan của mình. Họ thường thích áp đặt, tự cao hoặc đánh giá thấp nhận thức và đề xuất của cấp dưới, của các bên liên quan hoặc đánh giá không đúng, không hết về dịch vụ, sản phẩm của KH&CN mà nguyên nhân có khi chính là do bản thân họ chưa phát triển xứng tầm.

Tuy nhiên, KH&CN sẽ phát triển theo quy luật tất yếu của nó, tự nó sẽ loại bỏ các rào cản để tỏa sáng các chân lý của mình. Chỉ những nhà quản lý biết tự lớn mạnh cùng sức tiến như vũ bão của KH&CN, thoát khỏi tư tưởng vụn vặt, mở tầm nhìn ra xa, đoạn tuyệt với chủ nghĩa cá nhân, tôn trọng sức mạnh tập thể mới có được một hành xử xứng đáng cho một tầm vóc lớn quản lý một nền KH&CN đang lớn mạnh của nước nhà.

Trước hết, mỗi nhà quản lý trong lĩnh vực KH&CN cần biết gắn các hoạt động KH&CN với mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội. Tăng cường hoàn thiện môi trường thể chế để tạo thuận lợi, sự phù hợp của cơ chế tài chính, tín dụng với đặc thù và tiến độ thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Khuyến khích các tổ chức KH&CN có quyền tự chủ và linh hoạt cao hơn về tài chính, tổ chức, biên chế, coi trọng chất lượng đầu ra thay vì giám sát hình thức trong toàn bộ quá trình hoạt động KH&CN. Bảo đảm cho doanh nghiệp trở thành trung tâm của hoạt động đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ. Đổi mới chế độ, chính sách đào tạo, sử dụng và tôn vinh nhân lực KH&CN; coi trọng phát triển thị trường KH&CN, các dịch vụ và cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động KH&CN. Tránh mọi hoạt động có tính chất duy ý chí cực đoan nhằm thúc đẩy xã hội hóa nhiều khi có thể là đồng nghĩa với hủy hoại các năng lực KH& CN, gây tổn thất về nhân lực và hạ tầng cơ sở vật chất cho các hoạt động KH&CN của đơn vị và xã hội.

Để xã hội hóa thành công hoạt động KH&CN đòi hỏi người quản lý trước hết phải có cái tâm, sự nhận thức đúng, quan tâm và trăn trở đúng hướng, đồng thời người quản lý phải chuẩn bị được mọi điều kiện cần thiết, kể cả năng lực bản thân và khả năng kết nối KH&CN với đời sống một cách chu đáo thì mới đạt kết quả như xã hội mong đợi và làm thăng hoa được các thành.tựu của KH&CN trong đời sống.

Đào Lệ Hằng