Một quốc gia không thể phát triển nếu thiếu các doanh nghiệp. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp là nền tảng phát triển của bất cứ quốc gia nào xét diện ở các khía cạnh tăng trưởng, xã hội, an ninh, văn hóa. Tuy nhiên, sự phát triển của doanh nghiệp cần được nhìn nhận từ một góc độ khác. Đó là việc đảm bảo nguyên tắc phát triển bền vững theo đó tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường được coi là ba trụ cột. Thực tiễn ở các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam trong vài thập kỷ gần đây cho thấy nguy cơ ô nhiễm môi trường phát sinh từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngày càng trở nên đáng báo động. Điều này được lý giải bởi những lý do dưới đây. Dĩ nhiên đây không phải là tất cả những lý do.
Toàn cầu hóa thương mại, hội nhập kinh tế với sự xuất hiện vô số các hiệp định tự do thương mại toàn cầu, khu vực và song phương. Điều này đã và đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp nhằm duy trì thị phần và để tồn tại. Cạnh tranh về giá là phương thức được các doanh nghiệp quan tâm đặc biệt. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp thường hướng tới việc cắt giảm các chi phí bảo vệ môi trường nhằm giảm giá thành sản phẩm.
Do sự phát triển của khoa học và công nghệ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp khai thác tài nguyên có thể tác động rất lớn đến môi trường, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường với tốc độ nhanh hơn so với các phương pháp khai thác thủ công.
Việc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp chế biến, gia công sử dụng hóa chất nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý nguyên liệu, chế biến và sản xuất sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái môi trường rất lớn.
Do kém phát triển, tụt hậu nên nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam chưa thực sự chú ý đến khía cạnh bảo vệ môi trường. Các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam chưa thực sự được đặt trong vòng kim cô của nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả giá” (Polutter Pay Principle - PPP).
Xuất phát từ thực tiễn đó, Cơ quan chủ trì Viện Khoa học Pháp lý cùng phối hợp với Chủ nhiệm đề tài GS. TS. Lê Hồng Hạnh thực hiện nghiên cứu “Những vấn đề pháp lý trong việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam” với mục tiêu tìm các giải pháp xây dựng và hoàn thiện thể chế về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh gây ra, góp phần thực hiện chiến lược phát triển của đất nước.
Đề tài tập trung chủ yếu vào các yếu tố thể chế của Việt Nam về trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường (THMT). Do THMT, xác định THMT, quan hệ nhân quả giữa THMT và hành vi gây ô nhiễm, suy thoái môi trường là rất rộng và phức tạp, Đề tài hướng tới lĩnh vực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nguy cơ gây ô nhiễm từ đó. Hiện tại, nghịch lý giữa tăng trưởng của doanh nghiệp và ô nhiễm môi trường đang là thách thức vô cùng lớn trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam và toàn cầu hóa thương mại.
Đề tài mở rộng phạm vi nghiên cứu đến một số quốc gia nơi có sự phát triển tốt của pháp luật bảo vệ môi trường và chế định bồi thường thiệt hại nhằm có được những so sánh cần thiết. Các quốc gia được lựa chọn gồm Hoa Kỳ; Nhật Bản, CHLB Đức và Australia. Các khía cạnh quốc tế của trách nhiệm bồi thường THMT cũng được nghiên cứu không chỉ ở góc độ so sánh mà cả ở đề xuất áp dụng đối với những qui định trong các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các doanh nghiệp là chủ thể chủ yếu gây ô nhiễm môi trường và từ đó dẫn đến THMT. Các hoạt động của thì doanh nghiệp bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau như tổ chức, quản trị, hoạt động tài chính và sản xuất kinh doanh. Trong số các hoạt động của doanh nghiệp thì sản xuất kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm cao nhất và thực tế ở nhiều quốc gia và ở Việt Nam cũng cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gây ô nhiễm nhiều nhất và nghiêm trọng nhất. Đề tài nghiên cứu về các vấn đề liên quan đế bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh gây ra. Vì thế, một trong những từ khóa cơ bản của Đề tài là thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gây ra. Tuy nhiên, để thuận lợi trong việc trình bày, mô tả, trong Báo cáo của Đề tài khái niệm THMT được sử dụng và mặc định cho cụm từ thiệt hại do ô nhiễm môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gây ra.
Nghiên cứu trong mối liên hệ với các lĩnh vực có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế, xã hội. Với cách tiếp cận đó, các vấn đề pháp lý về trách nhiệm bồi thường thiệt hại được nghiên cứu gắn với các vấn đề về phát triển kinh tế, đảm bảo quyền con người được sống trong môi trường trong lành. Với cách tiếp cận toàn diện, Đề tài nghiên cứu các qui định pháp luật về bồi thường THMT và trách nhiệm bồi thường của người gây ô nhiễm gắn với các yếu tố thể chế, đặc biệt là yếu tố thiết chế thực thi. Các yếu tố khác nhau của thể chế liên quan trực tiếp đến việc thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại được nghiên cứu kết hợp.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18047/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn Vista.
Tin bài khác