Những năm gần đây, nền kinh tế nước ta liên tục có những đột phá, phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Điều này đã mở ra cơ hội đầu tư phát triển, cũng như môi trường cạnh tranh cho nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh. Giá trị, sản lượng và chất lượng sản phẩm hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; hàng hóa nhập khẩu vô cùng phong phú. Các loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam cũng không ngừng gia tăng về chủng loại, giá trị và thị trường. Để việc giao thương hàng hóa giữa các quốc gia được thuận lợi, các quy định mang tính quốc tế về đánh giá sự phù hợp ( như thử nghiệm, chứng nhân, thừa nhận,..) cũng được áp dụng một cách rộng rãi trên toàn thế giới trong đó hoạt động thử nghiệm đóng vai trò nòng cốt.
Để bảo vệ an toàn, sức khỏe cho con người, bảo vệ môi trường, đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp gia tăng giá trị, mở rộng thị trường xuất khẩu, ngày 21-11-2007, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, có hiệu lực thi hành từ 01-07-2008. Luật nêu rõ: “Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của người sản xuất kinh doanh nhằm đảm bảo an toàn cho người, động vật, thực vât, tài sản, môi trường; nâng cao năng suất chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam” (khoản 2 Điều 5) và “Quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhằm thực thi các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa” (khoản 3 Điều 5).
Luật quy định và giao Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh, trách nhiệm đảm bảo hàng hóa sản xuất tại Việt nam, hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ, đáp ứng đầy đủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hàng hóa xuất khẩu phải phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật của nước hoặc vùng lãnh thổ nhập khẩu. Đây cũng là những nội dung cơ bản do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) quy định đối với hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) mà mỗi thành viên đều phải thực hiện
Để đánh giá sự phù hợp của hàng hóa với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật của quốc tế, thì hoạt động thử nghiệm đóng vai trò nòng cốt. Bởi chính Phòng thử nghiệm (PTN) sẽ cho ra kết quả thử nghiệm chính xác đối với các chỉ tiêu kỹ thuật của hàng hóa, so sánh kết quả ấy với tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Vấn đề đặt ra là: Kết quả thử nghiệm đó có đủ chính xác, tin cậy hay không, để các cơ quan quản lý có thể dựa vào đó đưa ra những quyết định xử lý phù hợp; các doanh nghiệp dựa vào đó để ra quyết định sản xuất, kinh doanh; người tiêu dùng an tâm sử dụng hàng hóa mà không có tâm lý lo ngại ảnh hưởng đến an toàn, sức khỏe… Như vậy, để có kết quả thử nghiệm tin cậy, chính xác, phải có những phòng thử nghiệm đủ năng lực!
Một phòng thử nghiệm đủ năng lực trước tiên phải đảm bảo điều kiện tất yếu là có đủ máy móc, trang thiết bị tiên tiến, đồng bộ, môi trường làm việc phù hợp, đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, có thái độ trách nhiệm trong công việc. Đây là những yêu cầu cơ bản được quy định tại Bộ tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17025: 2005. Việc xem xét một PTN có đáp ứng được yêu cầu của Bộ tiêu chuẩn này hay không, được căn cứ trên cơ sở kết quả đánh giá của một tổ chức Công nhận chuyên nghiệp, hoặc sự đánh giá trực tiếp của cơ quan quản lý muốn sử dụng PTN đó phục vụ cho yêu quản lý của mình.
Dù căn cứ theo phương thức nào, ở nước ta hiện nay, số PTN đủ năng lực thật sự cũng còn hạn chế. Bởi rõ ràng, để có một PTN thỏa mãn được những yêu cầu nói trên thì việc đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao… không phải chuyện đơn giản. Do đó, việc sử dụng hợp lý, khai thác hiệu quả các PTN đủ năng lực là vấn đề rất cần được quan tâm hiện nay đặc biệt là đối với những cơ quan được giao trách nhiệm quản lý nhà nước về các loại hàng hóa được phân công theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa và Nghị định hướng dẫn thi hành Luật này.
Tinh thần và nội dung của Luật này quy định rõ: Không có sự phân biệt giữa PTN công lập hay ngoài công lập, thuộc ngành hay ngoài ngành mà chỉ xem xét, đánh giá năng lực của PTN đó có đáp ứng được yêu cầu cung cấp kết quả thử nghiệm chính xác, tin cậy, khách quan hay không.
Thời gian qua, nhiều Cơ quan quản lý nhà nước đã thực hiện khá tốt chủ trương này thông qua việc chỉ định, ủy quyền cho các PTN đủ năng lực ngoài ngành, PTN ngoài công lập là PTN phục vụ cho nhiệm vụ quản lý của mình. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ quan chưa thật sự tạo điều kiện cho các PTN đủ năng lực hoạt động một cách hiệu quả. Còn biểu hiện “ưu ái” cho những PTN “của mình”, “do mình” và “vì mình”, tin cậy một cách cảm tính vào kết quả thử nghiệm do những PTN này cung cấp mà chưa tận dụng, khai thác hiệu quả các PTN đã được xác nhận đủ năng lực thật sự.
Khi lòng tin của người tiêu dùng đối với một chủng loại sản phẩm hàng hóa nào đó bị giảm sút, doanh nghiệp sản xuất là người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả; nghiêm trọng hơn cả là ảnh hưởng tới uy tín của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Thiết nghĩ, việc khai thác không hiệu quả các phòng lab đủ năng lực hiện nay, vô hình chung đang là một lãng phí lớn đối với nguồn lực Khoa học Công nghệ nói chung và lĩnh vực thử nghiệm nói riêng, vốn còn rất hạn chế của đất nước.
Mong rằng trong thời gian tới, các PTN đủ năng lực sẽ được sử dụng hợp lý, khai thác hiệu quả hơn nữa, phục vụ tốt cho công cuộc phát triển, hội nhập, bảo vệ an toàn, sức khỏe cho người tiêu dùng và bảo vệ môi trường./.
Quốc Anh
(Tác giả Quốc Anh là một chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Bài viết mang quan điểm và phân tích cá nhân của tác giả)
Tin bài khác