Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Vì sao miền Bắc lại thiếu điện trầm trọng?

06/06/2023

Nhiều nơi tại miền Bắc, các doanh nghiệp phải dừng sản xuất vì bị cắt điện. Ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP) tại Gia Lâm, Hà Nội cũng buộc phải cho lao động nghỉ việc một buổi chiều sau khi nhận thông báo cắt điện từ 11h đến 16h30. "Được thông báo trước nhưng điện bị cắt hơn 6h ảnh hưởng tới sản xuất, lịch giao hàng cho đối tác", ông nói.

Thiếu điện trầm trọng

Tại Hồ Gươm - trung tâm của thủ đô, các tối gần đây được người dân ví như đang trong những ngày thực hiện "Giờ Trái đất". Mới 19-20h, hệ thống chiếu sáng vườn hoa, vỉa hè và quanh hồ đã tắt gần hết.

Việc tắt đèn để tiết kiệm điện được Hà Nội và nhiều tỉnh, thành đồng loạt thực hiện, theo vận động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Đèn chiếu sáng ngoài đường được tiết giảm trong khi ở nhiều khu dân cư, điện sinh hoạt bị cắt hoàn toàn. Ngành điện cuối tuần trước đã buộc phải cắt điện khẩn cấp một số nơi ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc để đảm bảo an toàn vận hành hệ thống.

Trong bối cảnh thiếu điện, từ hôm nay, Bắc Giang sẽ cắt điện sinh hoạt, dân sinh vào ban ngày, để ưu tiên cấp điện cho sản xuất, theo chia sẻ của ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc làm việc với doanh nghiệp hôm 5/6.

"Cắt điện không phải chỉ luân phiên 1-2 giờ mà cả ngày lẫn đêm nên ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống nhân dân, kinh tế xã hội. Việc thiếu điện như vậy rất đáng lo", bà Đỗ Thị Lan, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội của Quốc hội nói bên hành lang Quốc hội chiều 5/6. Theo bà, mới bắt đầu vào mùa nóng, kinh tế phục hồi nhưng vẫn có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiếu đơn hàng, một số lĩnh vực còn khó khăn.

Cuối tháng 4, EVN dự báo miền Bắc có thể thiếu 1.600-4.900 MW trong mùa khô. Hơn một tháng sau, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 4/6, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận điều này "không còn là nguy cơ" khi một số nơi đã thiếu điện cho sản xuất, sinh hoạt.

Vì sao miền Bắc thiếu điện?

Tiêu thụ điện tăng vọt vì nắng nóng là lý do đầu tiên được lãnh đạo Bộ Công Thương cũng như EVN giải thích cho tình trạng phải cắt điện hiện nay.

Lượng tiêu thụ điện bình quân cả nước đạt gần 820 triệu kWh một ngày trong tháng 5, tăng hơn 20% so với tháng 4. Riêng ngày 19/5, lượng tiêu thụ gần 924 triệu kWh, mức cao nhất từ đầu năm và tăng 10,5% so với cùng kỳ. Công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt đỉnh ở 44.600 MW và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hà Nội, nơi những ngày qua liên tục xảy ra mất điện ở nhiều khu vực, lượng tiêu thụ tăng vọt trong tháng 5 và đầu tháng 6. Tổng công ty Điện lực Hà Nội cho biết, lượng điện tiêu thụ bình quân tháng 5 là hơn 75,4 triệu kWh, tăng 22,5% so với tháng 4. Đến 4/6, mức tiêu thụ bình quân đạt đỉnh gần 88,5 triệu kWh.

Thiếu điện

Dù vậy, nguồn điện cung ứng lại không theo kịp. Nguồn điện miền Bắc chủ yếu là thủy điện và nhiệt điện. Nhưng điểm khác biệt năm nay là thủy điện - chiếm khoảng 43% cung ứng điện tại miền Bắc (tính đến tháng 5) - giảm huy động do thời tiết cực đoan, các hồ thủy điện lớn cạn nước. Sản lượng điện huy động bình quân giảm một nửa so với năm ngoái, khoảng 12-15% công suất phát.

Thiếu điện

Cuối tháng 5, điện quy đổi từ lượng nước còn lại trong hồ thủy điện ở miền Bắc chưa đến 1,23 tỷ kWh, tức chỉ đủ nhu cầu của miền Bắc trong 4 ngày, nếu tính theo mức tiêu thụ "đỉnh" lập ngày 22/5 là 313,6 triệu kWh.

Đến 3/6, miền Bắc huy động hụt khoảng 5.000 MW lượng thuỷ điện do hầu hết hồ lớn của vùng đã về gần mực nước chết (dưới mức nước này không thể phát điện). Các hồ như Lai Châu và Hủa Na, Thác Bà, Sơn La, Tuyên Quang chỉ còn đủ để khai thác trong 0,4-0,9 ngày. Riêng thủy điện Lai Châu và Sơn La hiện phải chạy máy tối thiểu ở dưới mực nước chết, tiềm ẩn nhiều rủi ro vận hành.

Lý do khác là một số tổ máy nhiệt điện than - chiếm 48% cơ cấu nguồn điện tại miền Bắc - bị giảm công suất hoặc gặp sự cố.

Đến 1/6, 9 tổ máy tại nhà máy nhiệt điện phía Bắc gặp sự cố vận hành cao liên tục trong điều kiện thời tiết nóng gay gắt kéo dài, gồm Phả Lại 1, tổ máy 6 Phả Lại 2, tổ máy 2 Cẩm Phả, tổ máy 1 Vũng Áng 1, BOT Nghi Sơn 2, tổ máy 2 Mạo Khê, Quảng Ninh, Thăng Long, Sơn Động. Trong đó, tổ máy số 1 tại dự án BOT Nghi Sơn 2 dự kiến tới giữa tháng 7 mới có thể khắc phục xong sự cố, theo Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An. Đến 5/6, tổng công suất các tổ máy bị suy giảm hoặc ảnh hưởng khoảng 4.200 MW.

Không chỉ thiếu điện vì nắng nóng

Suốt nhiều năm qua, miền Bắc không có thêm các nguồn điện mới dù thiếu điện đã được dự báo, nên theo chuyên gia, "thủ phạm" không thể chỉ là thời tiết, sự cố.

Chuyên gia năng lượng Đào Nhật Đình bình luận, việc 5-6 năm hệ thống, đặc biệt là miền Bắc, không có thêm các nguồn điện lớn có tính ổn định, chạy nền khiến tình trạng cấp điện ngày càng theo kiểu "ăn đong".

Miền Bắc là khu vực có tốc độ tăng trưởng phụ tải (mức tiêu thụ điện năng) cao nhất cả nước, bình quân tăng 9,3% một năm trong 2016-2020, tương ứng gần 6.000 MW. Trong khi đó, tăng trưởng nguồn điện chỉ đạt 4.600 MW giai đoạn này, khoảng 4,7% một năm.

Tại miền Trung và miền Nam, tốc độ tăng trưởng của nguồn cao hơn nhiều lần nhu cầu tiêu thụ điện.

Thiếu điện

Việc phát triển các nguồn điện mới cho phía Bắc chậm hơn nhu cầu tiêu thụ điện năng tại khu vực này. Kết quả là khả năng tự cân đối cung - cầu của hệ thống điện miền Bắc giảm dần.

Hầu hết dự án nguồn điện lớn chậm triển khai, vận hành (Na Dương I, Hải Phòng III, Cẩm Phả III...) do gặp khó khăn trong thủ tục lập dự án, chọn nhà đầu tư, thu xếp vốn hay giải phóng mặt bằng, gây thiếu nguồn chạy nền cho hệ thống và nguy cơ thiếu điện đến 2025. Điều này cũng được Bộ Công Thương thừa nhận trong báo cáo gửi Chính phủ về quy hoạch điện VIII.

Cơ quan này cho hay, phát triển nguồn điện chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực sẵn có, chưa phù hợp với phân bổ, phát triển phụ tải, gây mất cân bằng cung - cầu điện trong từng miền. Việc này tạo sức ép lớn lên lưới truyền tải liên miền, làm tăng tổn thất, rủi ro cho vận hành.

Thiếu điện

Hiện EVN chiếm hơn 38% sản lượng điện cung ứng cho toàn hệ thống, phần còn lại đến từ các nhà máy của PVN, TKV và một số nhà máy BOT, nguồn điện tái tạo tư nhân.

Theo ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch Hiệp hội Điện gió Bình Thuận, quy hoạch điện VII đã không được tuân thủ nghiêm túc khi nhiều dự án nguồn và lưới điện ngoài EVN, như của PVN, TKV đã không được thực hiện bởi nhiều lý do, dẫn tới nguy cơ thiếu điện. Chẳng hạn, một số dự án như Na Dương II, Cẩm Phả III, Hải Phòng III, chuỗi dự án khí - điện Lô B Ô Môn, Cá Voi Xanh, khí điện LNG Sơn Mỹ... chậm tiến độ.

Đầu năm nay, dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình II vận hành thương mại sau hơn chục năm chậm tiến độ vì nhiều vướng mắc, và trong giai đoạn đầu vận hành, nhà máy này hiện chạy được khoảng 75% công suất do vẫn cần căn chỉnh kỹ thuật.

Thiếu điện

Năng lực của hệ thống truyền tải cũng là một vấn đề, gây sức ép hơn tới cung ứng điện tại miền Bắc. Đánh giá tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, Bộ Công Thương thừa nhận lưới điện vận hành còn nhiều khó khăn. Một số khu vực lưới điện 220 kV và 110 kV vẫn xuất hiện tình trạng đầy, quá tải, tiềm ẩn rủi ro trong vận hành.

Phần lớn các dự án truyền tải chậm tiến độ 1-2 năm do vướng mắc chủ yếu do đền bù, giải phóng mặt bằng từ phía địa phương. Tuy nhiên, thời gian đầu tư xây dựng lưới truyền tải mất vài năm, trong khi dự án điện tái tạo chỉ 3-6 tháng nên tốc độ phát triển lưới điện chậm hơn so với tốc độ phát triển nguồn điện tái tạo.

Bên cạnh đó, sự phân bổ không đều nguồn điện, khi tập trung quá nhiều nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) ở khu vực miền Trung - nơi có nhu cầu dùng điện thấp, và miền Nam cũng gây mất cân bằng cung - cầu miền, tạo sức ép lên lưới truyền tải liên miền từ miền Trung, miền Nam ra Bắc.

Theo Bộ Công Thương, tại các hồ sơ bổ sung quy hoạch năng lượng tái tạo, phần lớn nhà đầu tư, địa phương chỉ quan tâm tới lưới điện cục bộ của dự án mà thiếu cái nhìn tổng thể về bức tranh chung hệ thống điện miền, khu vực. Hệ quả là xảy ra hiện tượng nghẽn mạch cục bộ, phải giảm phát điện tái tạo ở một số thời điểm.

Đây cũng là lý do nguồn năng lượng tái tạo vận hành nhiều, chiếm gần 27% công suất đặt toàn hệ thống điện vào cuối 2022 và cung ứng khoảng 15% nguồn huy động, nhưng điện tại miền Bắc vẫn thiếu.

Tuy vậy, với tình hình cấp bách cung ứng điện cho miền Bắc hiện nay, năng lực truyền tải trên đường dây 500 kV Bắc - Nam đã vận hành ở mức cao nhất, tối đa 2.500 MW và nhiều thời điểm đã truyền tải vượt ngưỡng này để có thêm điện cho miền Bắc.

Giải quyết vấn đề thiếu điện

Trong giai đoạn này, ngoài huy động tối đa các nguồn trong nước, đẩy nhanh đưa các dự án điện tái tạo chuyển tiếp vận hành, Việt Nam sẽ có thêm 10-12 triệu kWh mỗi ngày từ Trung Quốc và Lào. Theo Bộ Công Thương, so với sản lượng điện tiêu thụ tại miền Bắc 445-450 triệu kWh một ngày, tỷ trọng điện nhập khẩu này "rất thấp", khoảng gần 2,7%, nhưng cũng phần nào giúp "cơn khát" điện phía Bắc được giải tỏa.

Lo thiếu điện, Bộ Công Thương, EVN kêu gọi người dân, doanh nghiệp tiết kiệm điện tối đa trong mùa nắng nóng năm nay. Nhưng đây không phải biện pháp ổn định về lâu dài.

Do đó, việc đẩy nhanh các dự án nguồn và lưới điện, theo các chuyên gia, là cần kíp. Quy hoạch điện VIII vừa được Thủ tướng phê duyệt sau gần 4 năm xây dựng và gần hai năm trình, sửa nhiều lần của Bộ Công Thương. Đây là cơ sở để các dự án nguồn, lưới điện triển khai. Thông thường quá trình chuẩn bị, triển khai các dự án mất vài năm, vì thế chuyên gia Nhật Đình cho rằng, nhà chức trách cần đẩy nhanh các dự án nguồn điện và lưới để tránh nguy cơ "cứ tới mùa khô hệ thống điện lại rơi vào cảnh ăn đong phụ thuộc thời tiết như hiện nay".

Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan, quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhưng kế hoạch hành động vẫn đang xây dựng. Bộ Công Thương - cơ quan đầu mối xây dựng kế hoạch này, cần chủ động đẩy nhanh ban hành.

"Tôi đề nghị Chính phủ có đánh giá lại toàn diện về thực hiện kế hoạch chiến lược cung cầu điện cho sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng thiếu điện. Kể cả biến đổi khí hậu hay tình thế bất thường, cực đoan khác, cũng phải có giải pháp ứng phó", bà nói.

Quy hoạch điện VIII cũng đặt mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới đạt 2.600 MW đến 2030. Loại nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp.

EVN trong các kiến nghị gần đây gửi Bộ Công Thương đều kiến nghị cơ quan này sớm đưa ra cơ chế, hướng dẫn phát triển điện mặt trời mái nhà không phát lên lưới, tức tự dùng cho nhu cầu dùng điện tại chỗ của hộ gia đình. Đây cũng là một trong số giải pháp tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện 2023 và các năm tiếp theo.

Đặc tính điện mặt trời chỉ huy động tối đa công suất khi có bức xạ đủ lớn, nên tại miền Bắc lượng điện huy động từ nguồn này nhiều nhất khoảng 1.000 giờ một năm và chỉ khả dụng cao vào mùa nắng. "Cơ chế cho loại hình này cần rõ ràng tránh phát triển ồ ạt và đảm bảo khuyến khích các hộ dùng điện đầu tư", ông Nhật Đình lưu ý.

Trong lúc chờ giải pháp căn cơ hơn, nhiều doanh nghiệp buộc điều chỉnh lại kế hoạch, chuyển sản xuất vào giờ cao điểm sang thấp điểm, thậm chí ban đêm. Nhưng cách này, theo ông Hoàng Trung Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển Phụ gia và Sản phẩm Dầu mỏ (APP), cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi sẽ khiến doanh nghiệp thêm nhiều gánh nặng chi phí trong lúc kinh tế khó khăn hiện nay.

"Chúng tôi chia sẻ tinh thần chung cần tiết kiệm trong lúc thiếu điện, nhưng cắt điện của khối sản xuất là chưa hợp lý", ông nói.

Nguồn VnExpress.