Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Tiếp tục nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

26/12/2022

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 27-NQ/TW tại Kế hoạch số 183 –KH/BTGTW ngày 12/8/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương. Ngày 20/12/2022, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Hội thảo “Thực trạng và đóng góp của đội ngũ trí thức KH&CN”. Tham dự và chủ trì buổi Hội thảo có PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Hoàng Giang và các đại biểu là nhà khoa học, đại diện các viện, trường, ban ngành có liên quan.

Tiếp tục nâng cao vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước
Toàn cảnh hội thảo.

Đóng góp to lớn cho sự phát triển ngành KH&CN

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cho biết, ngay từ đầu thành lập nước, trí thức được quan niệm và xác định có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng; Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Đảng, Chính phủ và nhân dân ta rất yêu quý trí thức. Yêu quý những trí thức gắn liền lý luận với thực hành, những trí thức thật lòng, thật dạ phụng sự nhân dân, phụng sự kháng chiến. Yêu quý những trí thức đoàn kết thành một khối với nhân dân, những trí thức của nhân dân”.

Ngoài ra, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong tình hình mới…”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang, mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng “trí thức được hiểu chung là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu trí thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”. Nhận thức đúng vai trò và sứ mệnh quan trọng của đội ngũ trí thức đối với phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã ban hành Nghị quyết chuyên đề - số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Theo đó, trí thức KH&CN được hiểu là một bộ phận hợp thành của đội ngũ trí thức Việt Nam, có vai trò quyết định đẩy nhanh tiến trình thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước. Để KH&CN trở thành động lực phát triển đất nước, cần phải có các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao KH&CN của đội ngũ trí thức KH&CN, đặc biệt trong bối cảnh cách mạng KH&CN và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đội ngũ trí thức KH&CN, các bộ ngành, địa phương ở các cấp sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã ban hành nhiều văn bản pháp luật, chương trình, đề án xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức theo ngành, lĩnh vực khác nhau, đóng góp to lớn đối với sự phát triển ngành KH&CN, nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng và phát triển đất nước thời gian qua, tiêu biểu như: tốc độ tăng trưởng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 – 2020 là 5,8% (cao hơn mức 4,3% năm của giai đoạn 2011 – 2015); tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020; chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam (GII) trong những năm gần đây liên tục tăng vượt bậc, năm 2020 xếp thứ 42/131 quốc gia, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia); hệ sinh thái Việt Nam bắt đầu hình thành và phát triển với khoảng hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) cùng số lượng vốn được công bố đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST đạt gần 01 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành quốc gia năng động thứ 3 ASEAN về khởi nghiệp sáng tạo; hệ thống sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn đo lường chất lượng ngày càng được hoàn thiện cũng góp phần không nhỏ trong hoạt động nghiên cứu sáng tạo, nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa của đất nước trong thời kỳ hội nhập,…

Nâng cao nhận thức xã hội, xây dựng và phát triển đất nước

Nói về đóng góp của đội ngũ trí thức khoa học xã hội (KHXH) đối với đất nước thời gian qua, GS.TS Võ Khánh Vinh cho biết, đội ngũ trí thức KHXH Việt Nam đã góp phần bảo vệ, vận dụng, phát triển sáng tạo nền tảng tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đội ngũ trí thức KHXH Việt Nam luôn kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về phát triển đất nước, đồng thời nghiên cứu, hình thành, phát triển hệ thống trí thức về lý luận chính trị và tổng kết thực tiễn chính trị để đúc kết thành lý luận và bài học kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, đội ngũ trí thức KHXH Việt Nam còn góp phần đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu xã hội; thúc đẩy các nghiên cứu cơ bản, từng bước xây dựng được lý luận về phát triển đất nước nói chung, lý luận về từng lĩnh vực khoa học xã hội nói chung; góp phần nghiên cứu ứng dụng, cung cấp các luận cứ khoa học để xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước nhanh, bền vững, đưa các thành tựu của khoa học xã hội vào đời sống con người, đời sống nhà nước, đời sống xã hội, phục vụ lợi ích con người và xã hội,…

Trước tình hình hiện nay, để đội ngũ trí thức tiếp tục phát huy hơn nữa đối với phát triển đất nước trong giai đoạn mới, GS.TS Võ Khánh Vinh cho rằng, cần ban hành và triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức (nguồn nhân lực trí thức) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có trí thức KHXH; xây dựng đề án phát triển đội ngũ trí thức KHXH Việt Nam; tiếp tục đổi mới hệ thống các tổ chức nghiên cứu, đào tạo và tư vấn chính sách về KHXH…

Còn theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Thanh niên, trong giai đoạn 2011 – 2019, có 835 nhà khoa học trẻ (dưới 35 tuổi) là Chủ nhiệm đề tài thuộc các chương trình nghiên cứu do Quỹ Phát triển KH&CN tài trợ (chiếm 28,4% tổng số đề tài nghiên cứu cơ bản được tài trợ), đến năm 2020, đã có 15 người được công nhận là nhà khoa học trẻ tài năng, đang công tác tại các bộ ngành, địa phương, khoảng 300 tiến sỹ độ tuổi thanh niên được thăng hạng đặc cách từ nghiên cứu viên lên nghiên cứu viên chính; khoảng 2.600 cán bộ khoa học trẻ tuổi, có trình độ cao, có thành tích trong hoạt động KH&CN,…Tuy nhiên, báo cáo nêu ra những tồn tại, rào cản đối với đội ngũ trí thức trẻ đó là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền về vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trẻ vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương; một số bộ ngành, địa phương chưa cụ thể hóa các chính sách, cơ chế xây dựng và phát triển các tổ chức hội trí thức; vẫn thiếu cơ quan chuyên trách tâm huyết, đủ mạnh để làm công tác nhân tài nói chung, công tác tài năng trẻ nói riêng,…

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Giang cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cấp trong đội ngũ trí thức KH&CN của nước ta hiện nay, đó là về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, thiếu các tập thể khoa học mạnh, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng dẫn dắt các hướng nghiên cứu mới…

Tuy nhiên, với tinh thần khoa học, phát huy trí tuệ, khách quan, cởi mở và tránh nhiệm, thông qua Hội thảo, Thứ trưởng bày tỏ mong muốn các đại biểu, các nhà khoa học tập trung thảo luận về những đóng góp của đội ngũ trí thức KH&CN đối với phát triển ngành KH&CN cũng như thực trạng và vấn đề thực tiễn đặt ra về cơ cấu, số lượng, chất lượng của đội ngũ trí thức KHC&N Việt Nam hiện nay. Qua đó, Bộ KH&CN sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của các đại biểu để trình Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng báo cáo tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã cùng chia sẻ, trao đổi, thảo luận qua một số tham luận như: đóng góp của đội ngũ trí thức trong lĩnh vực khoa học xã hội đối với phát triển đất nước sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương, khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; ngành công thương; phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển doanh nghiệp; đội ngũ trí thức KH&CN trẻ Việt Nam; thực trạng (cơ cấu, số lượng) đội ngũ trí thức KH&CN trong các tổ chức KH&CN công lập, ngoài công lập, giai đoạn 2011-2020; thành tựu và hạn chế về phát triển đội ngũ trí thức trong lĩnh vực nghiên cứu khảo cổ học,…

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ.