Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Tăng cường khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường

05/05/2023

Việc khảo sát nhằm phát hiện hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng để xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và thông tin cảnh báo theo quy định.

Tăng cường khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường

Phát hiện nhiều sản phẩm, hàng hoá vi phạm

Theo Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá (Tổng cục TCĐLCL), thực hiện Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa năm 2007, các bộ, ngành, địa phương đã triển khai công tác kiểm tra/thanh tra theo quy định; ban hành, tham mưu ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai và đã đạt được kết quả cao trong thời gian qua, diễn biến tình hình về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường tương đối ổn định…

Tuy nhiên tình hình chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường ngày càng phức tạp, hoạt động thương mại điện tử phát triển mạnh, trên thị trường vẫn tồn tại các hàng hóa không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm việc ghi nhãn hàng hóa theo quy định… Do đó, cần tăng cường công tác khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường.

Mục đích của việc khảo sát là để nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài, internet…); nắm bắt thông tin từ người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân… làm cơ sở để xây dựng kế hoạch kiểm tra, khảo sát trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; Khảo sát để đánh giá tình hình chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường để đưa ra/đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp;

Khảo sát để thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân có liên quan; làm căn cứ kiểm tra đột xuất trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường hoặc gửi thông tin cho các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tiến hành kiểm tra trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Việc khảo sát có thể được tiến hành theo nhiều phương thức. Một là, khảo sát thông tin từ các tổ chức công nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp, thử nghiệm… về hàng hóa không bảo đảm chất lượng. Ưu điểm của phương pháp này là có thể tiến hành kiểm tra ngay trong sản xuất, nhập khẩu và có thể tiến hành kiểm tra, rà soát trong lưu thông để xử lý triệt để các sai phạm.

Hai là tiến hành khảo sát online. Khảo sát thông tin phản ánh về chất lượng từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hội, hiệp hội, báo chí, phương tiện thông tin đại chúng; khảo sát các thông tin về chất lượng hàng hóa từ các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử…

Việc khảo sát online có ưu điểm là dễ tiến hành rộng rãi mà không mất nhiều thời gian, kinh phí. Tuy nhiên khảo sát online không nhìn, kiểm tra trực tiếp được hàng hóa, bao bì hàng hóa để đánh giá nhãn hàng hoá một cách chính xác so với khảo sát trực tiếp. Mặt khác, các cơ sở thường chỉ đưa hình ảnh hàng hóa, chứ không có nhãn hàng hóa, mà nhãn hàng hoá nhiều khi được gắn trên bao bì chứa đựng hàng hóa…

Ba là, khảo sát trực tiếp tại cơ sở. Việc khảo sát trực tiếp tại cơ sở có thành lập đoàn khảo sát bằng quyết định khảo sát có ưu điểm là xác định được đầy đủ thông tin cần thiết về hàng hóa để tiến hành các bước tiếp theo như thông tin cảnh báo, làm căn cứ kiểm tra trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường… Tuy nhiên việc khảo sát trực tiếp tại cơ sở có thành lập đoàn khảo sát bằng quyết định khảo sát sẽ phát sinh chi phí lớn bao gồm công tác phí, mua mẫu, thử nghiệm…

Trong hình thức khảo sát trực tiếp tại cơ sở có phương pháp khảo sát với vai trò người tiêu dùng. Việc khảo sát với vai trò người tiêu dùng phát sinh ít chi phí hơn so với khảo sát trực tiếp tại cơ sở có thành lập đoàn khảo sát bằng quyết định khảo sát, có nhiều thông tin hơn so với việc khảo sát online. Tuy nhiên, thông tin vẫn không đầy đủ để kết luận về sự phù hợp của hàng hóa được khảo sát so với quy định của pháp luật (không xác định được số lượng hàng hóa, khó xem xét được bao bì hàng hóa, cơ sở tỏ rõ thái độ không thiện trí khi xem nhiều mẫu mã, bao bì mà không mua hàng…). Do đó, để tiến hành các bước tiếp theo vẫn phải tiến hành kiểm tra trong lưu thông trước.

Cũng theo báo cáo của Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá, về kết quả khảo sát online do Cục tiến hành trong giai đoạn 2018 đến nay, đã có 289 cơ sở được khảo sát, số mẫu được khảo sát về nhãn hàng hóa là 746 mẫu. Trong đó, số mẫu đạt về ghi nhãn là 268/746 mẫu (chiếm ~ 36%); số mẫu chưa đánh giá được là 216/746 mẫu (chiếm ~29%); Số mẫu không thấy ghi nhãn là 262/746 mẫu (chiếm ~35%).

Qua khảo sát online các mặt hàng thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN cho thấy trên mạng internet có rất nhiều hãng kinh doanh khác nhau và sự đa dạng về chủng loại hàng hoá. Phần lớn cơ sở chưa truyền tải toàn bộ thông tin về sản phẩm, hàng hóa lên website bán hàng nên việc khảo sát online khó để xác định nhãn có đúng, đủ theo quy định của pháp luật hay không. Những cơ sở truyền tải đầy đủ thông tin và đáp ứng yêu cầu về ghi nhãn hàng hóa theo quy định chỉ chiếm số lượng nhỏ.

Kết quả khảo sát trực tiếp tại cơ sở giai đoạn 2018 đến nay, số cơ sở được khảo sát là 113 cơ sở. Tổng số mẫu được khảo sát là 369 mẫu, trong đó 59 mẫu khảo sát về chất lượng (test nhanh), 310 mẫu khảo sát về nhãn hàng hóa. Kết quả cho thấy, 23/59 mẫu có nghi ngờ về chất lượng.

Đối với những trường hợp này, Cục đã tiến hành kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo quy định. 47/310 mẫu nghi ngờ không đạt về ghi nhãn, Cục đã tiến hành kiểm tra hoặc chuyển thông tin để Chi cục TCĐLCL các tỉnh, thành phố tiến hành kiểm tra theo quy định. Việc khảo sát mới chỉ tập trung vào các hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN để làm căn cứ kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.

Tăng cường công tác khảo sát

Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá cũng đề xuất, trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác khảo sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, trong sản xuất, nhập khẩu các mặt hàng thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, các bộ, ngành, địa phương cần cập nhật và công khai thông tin về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh… làm căn cứ xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Tổng cục TCĐLCL chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng tại địa phương cần tăng cường công tác khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường để nắm bắt, đánh giá về tình hình chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, làm cơ sở đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp; tiến hành kiểm tra hoặc chuyển thông tin về các hàng hóa có dấu hiệu vi phạm tới các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để xem xét, tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Tăng cường nắm bắt thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông tin từ các tổ chức công nhận, tổ chức đánh giá sự phù hợp, thử nghiệm về hàng hóa không bảo đảm chất lượng; thông tin từ các tổ chức cá nhân khác về hàng hóa không bảo đảm chất lượng lưu thông trên thị trường để làm căn cứ kiểm tra đột xuất theo quy định.

Đối với hoạt động thương mại điện tử: các cơ quan quản lý cần xem xét quy định việc truyền tải các thông tin về nhãn hàng hóa, dấu hợp chuẩn, hợp quy của hàng hóa lên các website bán hàng để người tiêu dùng có thể xem xét đầy đủ thông tin trước khi quyết định mua hàng…có chế tài xử lý đủ sức răn đe đối với hành vi không công khai tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân bán hàng.

Tăng cường kinh phi cho các cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng tại địa phương, Trung ương để tiến hành mua mẫu khảo sát, thử nghiệm đánh gia chất lượng khi phát hiện các dấu hiệu không bảo đảm chất lượng; Các trung tâm kỹ thuật thuộc Tổng cục TCĐLCL hỗ trợ chi phí thử nghiệm mẫu khảo sát cho Cục.

Theo VietQ