Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Đo đạc trọng lực chi tiết phục vụ công tác đo đạc và bản đồ – Phần đo mặt đất (sau đây gọi tắt là Dự thảo).
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật Đo đạc và bản đồ ngày 14 tháng 6 năm 2018; Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP, theo đó các văn bản quy định kỹ thuật, quy phạm đều phải chuyển đổi sang hệ thống tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Thông tư 08/2012/TT-BTNMT quy định về đo trọng lực chi tiết được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành năm 2012, có phạm vi điều chỉnh quy định đo trọng lực chi tiết trên mặt đất, trên biển và trên không. Đến nay công nghệ, thiết bị và phương tiện đo được quy định trong Thông tư đã có nhiều thay đổi. Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật số 68/2006/QH11 (Khoản 2, Điều 69) "Các quy định kỹ thuật, quy trình, quy phạm, quy chuẩn, tài liệu kỹ thuật bắt buộc áp dụng đã được ban hành phục vụ quản lý nhà nước được xem xét để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật". Do vậy Thông tư 08/2012/TT-BTNMT cần được thay thế và ban hành ở dạng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 11/2020/TT-BTNMT về quy định xây dựng lưới trọng lực quốc gia, đây là cơ sở để thực hiện công tác đo trọng lực chi tiết trên lãnh thổ Việt Nam, vì vậy quy định kỹ thuật về đo trọng lực chi tiết trên mặt đất cần được ban hành mới để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về mặt hệ thống văn bản pháp luật cũng như phù hợp với xu hướng phát triển công nghệ (Điều 32, Luật Đo đạc và bản đồ số 27/2018/QH14).
Trong dự án "Xây dựng mô hình Geoid độ chính xác cao" thuộc dự án "Hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia phục vụ công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển kinh tế xã hội tại một số thành phố lớn và khu vực ven biển", số liệu trọng lực chi tiết là một thành phần quan trọng phục vụ việc thiết lập mô hình Geoid hỗn hợp Trọng lực - GNSS - Thủy chuẩn.
Đối với ngành đo đạc bản đồ trong những năm tới, việc xây dựng và duy trì một mô hình Geoid quốc gia hiện đại dựa trên việc cập nhật liên tục các tham số vật lý trái đất, trong đó có các giá trị trọng lực vì vậy rất cần thiết phải có một quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) để lĩnh vực Đo đạc và Bản đồ kịp thời đo trọng lực bổ sung những khu vực có sự biến động lớn sau tai biến tự nhiên, ví dụ như sau các trận động đất, hoạt động chuyển dịch mảng, vận động của các đứt gãy… để cập nhật mô hình Geoid độ chính xác cao cho Việt Nam.
Do đó Quy chuẩn này được ban hành sẽ làm cơ sở để đo đạc cập nhật dữ liệu trọng lực chi tiết trên toàn quốc. Vì vậy, để thống nhất, đồng bộ việc đo đạc, thu nhận, xử lý dữ liệu trọng lực cần thiết phải ban hành QCVN "Đo đạc trọng lực chi tiết phục vụ công tác đo đạc và bản đồ - Phần đo mặt đất".
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này quy định về xây dựng lưới điểm tựa trọng lực, đo đạc trọng lực chi tiết phần đo mặt đất bằng phương tiện đo trọng lực tương đối, phục vụ xây dựng mô hình Geoid và hiện đại hóa mạng lưới độ cao quốc gia Việt Nam.
Phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn về cơ bản dựa trên phạm vi điều chỉnh của Thông tư 08/2012/TT-BTNMT nhưng không bao gồm đo đạc trọng lực hàng không và trọng lực biển do có những yêu cầu kỹ thuật, thiết bị và phương pháp đo rất khác biệt, phức tạp và thực tế trọng lực hàng không chưa được triển khai phổ biến ở Việt Nam, chưa đủ cơ sở khoa học để xây dựng QCVN.
Vì vậy, dự thảo Quy chuẩn này chỉ quy định đối với phần đo mặt đất, phần đo trọng lực hàng không và trọng lực biển sẽ được ban hành ở văn bản khác sau khi có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn. Phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn kỹ thuật này không trùng lặp với các thông tư 08/2012/TT-BTNMT, 05/2011/TT-BTNMT, 28/2018/TT-BTNMT, 11/2020/TT-BTNMT.
Nguồn VietQ.
Tin bài khác