Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Top 10 Quy tắc An toàn Phòng thí nghiệm, An toàn phòng Lab quan trọng nhất

24/06/2022

Phòng thí nghiệm khoa học hay phòng lab là một nơi luôn tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm ví dụ nguy cơ hỏa hoạn, hóa chất độc hại... Không ai muốn xảy ra những rủi ro, tai nạn trong phòng thí nghiệm, vì vậy chúng ta bắt buộc phải tuân theo các quy tắc an toàn trong phòng thí nghiệm.

1. Luôn lắng nghe và làm theo hướng dẫn

Cho dù bạn đã có người hướng dẫn thí nghiệm hay người giám sát phòng thí nghiệm của bạn, thậm chí làm theo một quy trình trong sách, điều quan trọng là phải lắng nghe, chú ý và làm quen với tất cả các bước từ đầu đến cuối trước khi bạn bắt đầu. Nếu bạn không rõ về bất kỳ điểm nào hoặc có thắc mắc, hãy nhờ người quản lý phòng lab trả lời trước khi bắt đầu. Bạn phải chắc chắn biết cách sử dụng tất cả các thiết bị phòng thí nghiệm trước khi bạn bắt đầu.

Luôn lắng nghe và làm theo hướng dẫn

Tại sao đây là quy tắc quan trọng nhất? Vì nếu bạn không làm theo:

  • Bạn gây nguy hiểm cho chính mình và những người khác trong phòng lab.
  • Bạn có thể dễ dàng làm hỏng thử nghiệm của mình.
  • Bạn đặt phòng thí nghiệm vào nguy cơ xảy ra tai nạn, có thể làm hỏng thiết bị cũng như gây nguy hiểm cho những người xung quanh.
  • Bạn có thể bị đình chỉ học nếu bạn là học sinh, sinh viên; bị buộc thôi việc nếu bạn là nhà nghiên cứu và có thể bị sa thải nếu bạn là nhân viên phòng thí nghiệm tư nhân.

2. Biết vị trí của thiết bị an toàn

Trong trường hợp xảy ra sự cố, điều quan trọng là phải biết vị trí của thiết bị an toàn phòng thí nghiệm và cách sử dụng nó. Phòng lab nên được kiểm tra định kỳ thiết bị để đảm bảo thiết bị hoạt động tốt hay không, nếu có hỏng hóc cũng sẽ kịp thời khắc phục.

Nếu bạn không chắc thiết bị an toàn được đặt ở đâu, hãy xem các biển báo an toàn trong phòng lab và tìm kiếm chúng trước khi bắt đầu thử nghiệm.

Biết vị trí của thiết bị an toàn

3. Trang phục trong phòng thí nghiệm

Đây là quy tắc an toàn tuy nhỏ nhưng vô cùng quan trọng, vì quần áo là một trong những hình thức bảo vệ tốt nhất của bạn khỏi các sự cố ngoài ý muốn. Đối với bất kỳ phòng lab khoa học nào, hãy mang giày kín, quần dài và búi tóc cao.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã mặc đồ bảo hộ cần thiết. Đồ bảo hộ phòng lab cơ bản bao gồm: áo khoác phòng thí nghiệm và kính bảo hộ. Bạn cũng có thể cần găng tay, thiết bị bảo vệ thính giác và các vật dụng khác, tùy thuộc vào tính chất của thử nghiệm.

Trang phục trong phòng thí nghiệm

4. Không ăn uống trong phòng thí nghiệm

Hãy để dành bữa ăn nhẹ khi bạn làm việc trong văn phòng, chứ không phải trong phòng thí nghiệm. Không bảo quản thực phẩm hoặc đồ uống của bạn trong cùng một tủ lạnh có chứa các mẫu thí nghiệm, hóa chất.

Có quá nhiều nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm trong phòng lab. Bạn có thể ăn thức ăn bằng bàn tay có dính hóa chất hoặc mầm bệnh. Hoặc vô ý đặt đồ ăn lên trên băng ghế phòng thí nghiệm, nơi có rất nhiều cặn bẩn từ các thí nghiệm trước đây. Không khí trong phòng lab có thể chứa nhiều khí độc cũng như vi sinh vật có hại, việc ăn uống sẽ vô tình đưa những thứ trên vào cơ thể của bạn.

Mang thức ăn vào trong phòng thí nghiệm có thể gây ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm của bạn. Bạn có thể làm đổ đồ uống vào sổ ghi chép nghiên cứu hoặc vào các mẫu thí nghiệm của chính mình. Nếu bạn đã quen với việc ăn uống trong phòng thí nghiệm, bạn rất có thể vô tình với lấy hoặc uống nhầm phải các chất lỏng thí nghiệm. Điều này đặc biệt đúng nếu bạn không dán nhãn đồ thủy tinh của mình hoặc sử dụng đồ thủy tinh trong phòng thí nghiệm làm bát đĩa đựng thức ăn.

Ăn uống trong phòng thí nghiệm là nguyên nhân khiến bạn bị phân tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả của buổi thí nghiệm. Nếu bạn đang ăn, bạn đang không tập trung vào chính công việc của mình.

Không ăn uống trong phòng thí nghiệm

5. Không nếm hoặc ngửi hóa chất

Bạn không những không nên mang thức ăn hoặc đồ uống vào mà còn không nên nếm hoặc ngửi các chất hóa học hoặc các mẫu nuôi cấy sinh học có trong phòng thí nghiệm.

Các hóa chất hay mẫu vi sinh có thể giải phóng khí độc và gây ô nhiễm không khí trong phòng lab. Nếu nếm hoặc ngửi phải các khí này có thể nguy hiểm hoặc thậm chí gây tử vong. Cách tốt nhất để biết đang có gì trong đồ thủy tinh là dán nhãn, vì vậy hãy tập thói quen làm nhãn cho đồ thủy tinh trước khi thêm hóa chất.

6. Đừng đóng vai “nhà khoa học điên” trong phòng thí nghiệm

Một quy tắc an toàn quan trọng khác là hành động có trách nhiệm trong phòng thí nghiệm - đừng đóng vai “Nhà khoa học điên”, ví dụ như trộn ngẫu nhiên các hóa chất để xem điều gì xảy ra. Kết quả có thể là cháy, nổ hoặc giải phóng khí độc.

Tương tự như vậy, phòng thí nghiệm không phải là nơi dành cho trò chơi đùa nghịch. Bạn có thể làm vỡ đồ thủy tinh, làm phiền người khác và nặng nề hơn là có thể gây ra tai nạn cho bản thân và những người xung quanh.

Đừng đóng vai “nhà khoa học điên” trong phòng thí nghiệm

7. Vứt bỏ chất thải phòng thí nghiệm đúng cách

Hầu hết các phòng lab đều có thùng chứa chất thải chuyên dụng để đựng vật sắc nhọn, chất thải nguy hiểm, chất thải phóng xạ và hóa chất hữu cơ.

Một quy tắc an toàn quan trọng trong phòng thí nghiệm là biết phải làm gì với thử nghiệm của bạn khi nó kết thúc. Trước khi bắt đầu một thử nghiệm, bạn nên biết những việc cần làm khi kết thúc. Đừng để mớ hỗn độn của bạn cho người tiếp theo dọn dẹp.

Hóa chất đổ xuống cống có an toàn không? Nếu không, bạn sẽ làm gì với chúng?

Nếu bạn có nuôi cấy sinh học, liệu có an toàn để làm sạch bằng xà phòng và nước hay bạn cần một nồi hấp để tiêu diệt các sinh vật nguy hiểm?

Bạn có bị vỡ thủy tinh hoặc kim tiêm không? Biết quy trình xử lý "sharps".

Vứt bỏ chất thải phòng thí nghiệm đúng cách

8. Ứng phó với tai nạn phòng thí nghiệm

Tai nạn xảy ra là điều không một ai mong muốn, do đó bạn nên cố gắng hết sức để phòng tránh và có kế hoạch ứng phó khi chúng xảy ra. Hầu hết các phòng thí nghiệm đều có kế hoạch tuân theo trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Một quy tắc an toàn đặc biệt quan trọng là báo cho người giám sát phòng lab biết khi có tai nạn xảy ra. Đừng cố gắng che đậy những sự cố đang xảy ra. Nếu bạn bị đứt tay, tiếp xúc với hóa chất, bị động vật thí nghiệm cắn hoặc làm đổ thứ gì đó thì có thể gây ra hậu quả và nguy hiểm không chỉ cho bạn mà có thể là những người trong phòng lab lúc đó. Nếu không được chăm sóc, đôi khi bạn có thể khiến người khác tiếp xúc với độc tố hoặc mầm bệnh. Ngoài ra, nếu bạn không thừa nhận một sự cố đang xảy ra, bạn có thể khiến phòng thí nghiệm của mình gặp rất nhiều rắc rối.

Các ứng phó với tai nạn phòng thí nghiệm

9. Không mang các thử nghiệm ra khỏi phòng lab

Điều quan trọng là, vì sự an toàn của bạn và sự an toàn của những người khác, hãy để thử nghiệm của bạn ở phòng thí nghiệm. Đừng mang nó về nhà hay thậm chí là mang ra khỏi phòng thí nghiệm nếu không có yêu cầu. Bạn có thể bị đổ hoặc làm mất mẫu vật hoặc gặp “sự cố bất ngờ” (đây là cách mà hầu hết phim khoa học viễn tưởng bắt đầu). Trong cuộc sống thực, bạn có thể làm ai đó bị thương, gây hỏa hoạn hoặc mất đặc quyền phòng thí nghiệm của mình.

Mặc dù bạn nên để các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm, nhưng nếu bạn muốn làm các thử nghiệm ở nhà, cũng có rất nhiều thí nghiệm khoa học an toàn mà bạn có thể thử.

Không mang các thử nghiệm ra khỏi phòng lab

10. Đừng tự mình thử nghiệm

Nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng bắt đầu với việc một nhà khoa học tiến hành một thí nghiệm đối với chính bản thân mình. Tuy nhiên, bạn sẽ không đạt được siêu năng lực hoặc khám phá ra bí mật để trẻ mãi không già. Nhiều khả năng, bạn sẽ chẳng hoàn thành thí nghiệm nào, hơn nữa còn có nguy cơ gây nên các sự cố ngoài ý muốn.

Khoa học có nghĩa là sử dụng phương pháp khoa học, bạn sẽ cần dữ liệu của nhiều đối tượng để đưa ra kết luận, nhưng sử dụng chính mình như một đối tượng và tự thử nghiệm là rất nguy hiểm, chưa kể đến việc đây là một hành động phi khoa học.