Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) khẳng định, với vai trò là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST), Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, Đại học Quốc gia (ĐHQG) Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh “Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh”.
Toàn cảnh Hội nghị.
Ngày 15/12/2023, tại Hòa Lạc, Bộ KH&CN, 4 đơn vị nghiên cứu hàng đầu cả nước gồm Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức Hội nghị thường niên năm 2023 “Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST Việt Nam đến năm 2030 - Chính sách và Thực tiễn”.
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn cho biết, Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 Hội nghị lần thứ 8 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 13 nhấn mạnh quan điểm về xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp "nguyên khí quốc gia" và phát triển bền vững; Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST Việt Nam đến năm 2030 cũng đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu nhằm phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh.
Theo đó, trong những năm qua, ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã và đang khẳng định trách nhiệm quốc gia trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam thông qua việc được Chính phủ tin tưởng giao chủ trì các chương trình KH&CN trọng điểm cấp Nhà nước; tham gia phát triển các chương trình nghiên cứu cấp quốc gia như chương trình chip, bán dẫn, hydrogen, công nghệ sinh học, y - dược, khoa học biển, khoa học sức khỏe…; đẩy mạnh triển khai các hướng nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, công nghệ ưu tiên phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0...
Trong thời gian qua, Bộ KH&CN và 4 đơn vị đã gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học để thực hiện sứ mệnh phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước, phát triển bền vững các vùng, địa phương. Bộ KH&CN và các đơn vị đã kịp thời phối hợp, tập hợp nguồn lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho mục tiêu tư vấn, tham mưu cho lãnh đạo Đảng, Chính phủ về các vấn đề KH&CN lớn của đất nước cả về chính sách, giải pháp và nguồn lực thực thi.
“ĐHQG Hà Nội cam kết cùng Bộ KH&CN, 2 Viện Hàn lâm và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh để góp phần thực hiện thành công Chiến lược KH,CN&ĐMST, hướng tới đưa Hội nghị thành diễn đàn cấp cao về chính sách KH,CN&ĐMST ở Việt Nam”, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Phạm Bảo Sơn nhấn mạnh.
Chia sẻ một số vấn đề về triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2023, Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh nhấn mạnh, Chiến lược này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ riêng với ngành KH&CN mà còn với toàn hệ thống chính trị bởi vai trò của KH,CN&ĐMST trong 10 năm tới là đột phá chiến lược, có ý nghĩa quyết định tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Bộ KH&CN đã ban hành Quyết định số 2667/QĐ-BKHCN ngày 28/12/2022 về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ KH,CN&ĐMST đến năm 2025 và Quyết định số 2404/QĐ-BKHCN ngày 23/10/2023 về việc giao nhiệm vụ tính toán các chỉ tiêu và theo dõi, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030.
Thứ trưởng Hoàng Minh khẳng định, với vai trò là cơ quan thống nhất quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với 4 đơn vị đẩy mạnh “Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH&CN khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh” nhằm hỗ trợ việc hoàn thiện quản lý nhà nước về KH,CN&ĐMST của Bộ KH&CN và đưa ra giải pháp, chính sách tháo gỡ các nút thắt, rào cản trong hoạt động KH,CN&ĐMST.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam Tạ Minh Tuấn cho rằng, cần hoàn thiện pháp luật để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST; tạo dựng và thúc đẩy đội ngũ các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách phát triển hùng hậu; tạo ra môi trường pháp lý ổn định để khuyến khích các nhà khoa học, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lâu dài và ổn định; thúc đẩy hợp tác quốc tế về KH&CN, mở rộng khả năng tiếp cận với kiến thức, kỹ thuật và các công nghệ tiên tiến trên thế giới, kiến tạo thị trường khoa học…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trao đổi và thảo luận về: Đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KH&CN; Chính sách và chỉ số KH,CN&ĐMST tại ĐHQG Hà Nội; Phát triển đào tạo và nghiên cứu thiết kế vi mạch tại ĐHQG TP.Hồ Chí Minh; Nghiên cứu và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam - Kinh nghiệm thực tiễn của VinAI. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chia sẻ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động KH,CN&ĐMST; chia sẻ thông tin về các thành tựu, sản phẩm nghiên cứu và đào tạo tiêu biểu; đề xuất cơ chế, giải pháp tăng cường phối hợp triển khai các chương trình quốc gia, liên kết giữa các đơn vị nghiên cứu, đào tạo hàng đầu của đất nước để triển khai Chiến lược, chính sách hiệu quả nhằm tạo môi trường thuận lợi nhất cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hoạt động nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về KH,CN&ĐMST.
Đoàn Chủ tịch điều hành Hội nghị.
Phát biểu bế mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, năm 2021, Bộ KH&CN và 4 đơn vị đã ký Chương trình phối hợp công tác giai đoạn 2021-2025, qua 02 năm triển khai, 5 cơ quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng và triển khai Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030; nhiều chương trình KH&CN cấp quốc gia đến năm 2030 cũng được tham vấn trong quá trình xây dựng; qua đó, huy động sức mạnh của đông đảo các nhà khoa học tại 4 cơ quan nghiên cứu hàng đầu của đất nước.
Năm 2024, Bộ KH&CN tập trung vào việc: Hoàn thiện, trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật KH&CN; Xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: (i) dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN, (ii) dự thảo Nghị định về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN, (iii) Đề án phát triển hệ thống khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2035.
Bộ trưởng hoan nghênh các tập đoàn kinh tế như VinGroup đã chủ động tổ chức hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, nhất là những công nghệ mới, những công nghệ đặc trưng của cuộc CMCN 4.0; đồng thời mong muốn, nhận được sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị chủ chốt nêu trên và cộng đồng doanh nghiệp để sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật KH,CN&ĐMST, tạo môi trường thuận lợi phát triển KH,CN&ĐMST cho toàn xã hội.
Bộ trưởng khẳng định Bộ KH&CN sẽ phối hợp với 4 đơn vị tiếp thu các vấn đề trao đổi và chia sẻ tại Hội nghị. Theo Bộ trưởng, cần đầu tư phát triển cho các Trung tâm nghiên cứu/Phòng thí nghiệm trọng điểm/Nhóm nghiên cứu mạnh và sản phẩm KH&CN ứng dụng; tăng cường công bố quốc tế chất lượng cao trên cơ sở Quỹ KH&CN; thí điểm hình thành doanh nghiệp spin-off và doanh nghiệp khởi nghiệp để hỗ trợ phát triển sản phẩm ứng dụng và thương mại hoá trên cơ sở Đề án thí điểm của Bộ KH&CN trong Chương trình phát triển thị trường KH&CN; gắn kết nhà khoa học, doanh nghiệp và địa phương; Đẩy mạnh nghiên cứu, công bố quốc tế trong lĩnh vực vi mạch, thành lập Viện nghiên cứu bán dẫn ĐHQG TP. Hồ Chí Minh thu hút nguồn lực chuyên gia và doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế chính sách để thu hút, tạo nguồn sinh viên các ngành khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài...
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.
Tin bài khác