“Hợp tác quốc tế (HTQT) về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST) cần hướng đến mục tiêu là thông qua các chương trình, dự án HTQT để thu hút được vốn nước ngoài, công nghệ cao, công nghệ nguồn, nguồn chất xám khoa học thế giới về Việt Nam; từng bước xuất khẩu công nghệ và hàng hóa công nghệ Việt Nam ra nước ngoài và thực hiện được trách nhiệm với KH&CN quốc tế”.Thông tin được Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt chia sẻ tại “Hội thảo Nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế mới” do Vụ HTQT, Bộ KH&CN đã tổ chức ngày 10/12/2024.
Toàn cảnh Hội thảo.
Trong HTQT về KH,CN&ĐMST, Bộ KH&CN được giao đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu cho Chính phủ, đề xuất và thúc đẩy quá trình này. Qua đó, nhiều giải pháp KH&CN mang tính đột phá từ những cường quốc trên thế giới, như: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Đức, Australia... đã được chuyển giao về Việt Nam. Nhiều tri thức KH&CN mới được các nhà khoa học Việt Nam tiếp thu, ứng dụng và từng bước làm chủ được một số công nghệ tiên tiến, rút ngắn thời gian nghiên cứu trong nước, phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh; đồng thời, góp phần đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ nghiên cứu và quản lý của đội ngũ cán bộ KH&CN trong nước, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất cho một số cơ sở nghiên cứu - triển khai trong nước.
HTQT trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã và đang góp phần đáng kể vào việc tăng cường tiềm lực, nâng cao trình độ nghiên cứu, đặc biệt góp phần giải quyết các vấn đề KH&CN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta. Với sự phát triển cả về quy mô, hình thức và nội dung, Bộ KH&CN đã thiết lập quan hệ hợp tác về KH,CN&ĐMST với gần 70 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ, ký kết hơn 150 điều ước quốc tế và 80 thỏa thuận quốc tế, trong đó gần 110 điều ước và 40 thỏa thuận còn hiệu lực.
Bộ KH&CN đóng vai trò đầu mối triển khai các điều ước và thỏa thuận quốc tế, hợp tác đa phương với nhiều tổ chức quan trọng như ASEAN, APEC, WIPO, IAEA, UN, UNESCO, tập trung vào các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, vi mạch bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu. Hoạt động HTQT được triển khai tích cực nhằm tranh thủ tri thức, kinh nghiệm, công nghệ, đào tạo nhân lực và hỗ trợ đầu tư, góp phần thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ trong nước.
Trong những năm qua, hình thức HTQT về KH,CN&ĐMST của Việt Nam ngày càng đa dạng, phong phú, đi vào thực chất. Từ việc ký kết các điều ước, thỏa thuận hợp tác, mở rộng quan hệ theo “chiều rộng”, nước ta dần tiến tới giai đoạn triển khai cụ thể hóa và hiện thực hóa các nội dung trong các cam kết, thỏa thuận trên theo “chiều sâu”. Từ việc tổ chức các hội thảo khoa học, triển lãm công nghệ, trao đổi chuyên gia, tài liệu, thông tin khoa học, Việt Nam đã tiến tới triển khai những dự án nghiên cứu chung, chuyển giao kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu với sự hỗ trợ của chuyên gia nước đối tác.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, hợp tác về KH&CN có mặt ở tất cả các địa bàn trọng điểm về KH&CN của thế giới; duy trì được mối quan hệ với đối tác; từng bước mở rộng và làm sâu sắc mối quan hệ với các chuyên gia công nghệ, nhà khoa học có uy tín, gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài; tư vấn kịp thời đối với các chính sách lớn, đột phá trong nước…
Theo Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, Chiến lược phát triển KH,CN&ĐMST đến năm 2030 đã xác định rõ vai trò then chốt của KH,CN&ĐMST, góp phần quan trọng tạo bước đột phá về năng lực sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế tăng trưởng bền vững. Theo đó, hợp tác và hội nhập quốc tế được coi là giải pháp quan trọng để nhanh chóng nâng cao tiềm lực và trình độ KH,CN&ĐMST của đất nước.
Trong giai đoạn mới, với nhiều thách thức, đặc điểm tình hình mới, nhằm triển khai tốt công tác hợp tác và hội nhập quốc tế, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đề nghị các đơn vị quán triệt thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đối ngoại, đặc biệt trong bảo vệ chính trị nội bộ; xây dựng và sửa đổi các cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho hợp tác và hội nhập quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh triển khai các hiệp định và thỏa thuận hợp tác về KH,CN&ĐMST, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm, tối ưu hóa nguồn lực hiện có. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực mới như AI, bán dẫn, phát triển ngành Halal, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển doanh nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ. Các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ, nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ theo dõi công tác HTQT và cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là Bộ Ngoại giao, triển khai chương trình ngoại giao kinh tế để thúc đẩy phát triển KH,CN&ĐMST giai đoạn 2024-2026.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội thảo.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tác động sâu rộng đến mọi lĩnh vực đời sống xã hội, việc xây dựng hình ảnh quốc gia thông qua phát triển KH&CN đã trở thành một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới. Thúc đẩy HTQT để tăng cường tiềm lực KH&CN là một trong những hướng đi nhằm thực hiện hiệu quả mục tiêu này.
Ông Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ KH&CN cho biết, Bộ KH&CN tổ chức triển khai hiệu quả các hiệp định và thỏa thuận hợp tác với các quốc gia, thường xuyên tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về KH&CN và tham gia các tổ chức quốc tế như ASEAN, APEC, IAEA, UNESCO. Bộ KH&CN cũng chủ trì các hội nghị, hội thảo quốc tế, mở rộng hợp tác, tiếp cận công nghệ mới và tăng cường giao lưu khoa học. Đồng thời, đã vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn ODA, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN, thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Ông Lý Hoàng Tùng, Vụ trưởng Vụ HTQT, Bộ KH&CN báo cáo về hoạt động HTQT của Bộ KH&CN tại Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thế giới đang trải qua giai đoạn chuyển đổi có tính thời đại, tạo cơ hội lớn cho các quốc gia ASEAN trong việc đẩy mạnh KH,CN&ĐMST. Sự cạnh tranh giữa các nước lớn đang chuyển hướng sang khu vực ASEAN, mở ra cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, KH,CN&ĐMST, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh không chỉ là động lực quan trọng cho các đột phá phát triển mà còn mang đến những thách thức lớn cần vượt qua.
Ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu tại Hội thảo.
Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho rằng, HTQT về KH,CN&ĐMST đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực nghiên cứu, phát triển công nghệ, và tăng cường khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA yêu cầu Việt Nam cải thiện công nghệ, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định xuất xứ. Để tận dụng tối đa cơ hội này, Việt Nam cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và các tổ chức nghiên cứu, đồng thời thúc đẩy chuyển giao công nghệ, ĐMST và phát triển các ngành công nghệ cao như sản xuất sạch và bền vững.
Tại Hội thảo, các diễn giả, các đại biểu đã cùng nhau phân tích, trao đổi, thảo luận, đề xuất về những yêu cầu đặt ra đối với HTQT trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bài học áp dụng cho hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong bối cảnh mới, lắng nghe về kinh nghiệm thực tiễn trong xây dựng, quản lý, thực hiện nhiệm vụ KH&CN… để từ đó có thêm thông tin phục vụ việc tham mưu, đề xuất phương hướng thúc đẩy HTQT về KH,CN&ĐMST.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN.
Tin bài khác