Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Việt Nam - Hàn Quốc thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo

23/06/2023

Ngày 22/6/2023, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (SATI) đã ký hợp tác với: Viện Phát triển Công nghệ Hàn Quốc (KIAT) về thúc đẩy công nghệ công nghiệp và đổi mới sáng tạo (ĐMST); Viện Đánh giá Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc (KEIT) về hợp tác chiến lược trong công nghệ công nghiệp tiên tiến trong khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF).

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định (ở giữa) chứng kiến lễ ký giữa SATI và KIAT.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định (ở giữa) chứng kiến lễ ký giữa SATI và KIAT.

Theo đó KIAT sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp nhận chuyển giao công nghệ và hỗ trợ hợp tác nghiên cứu chung, ĐMST trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên; tiếp tục triển khai dự án tư vấn thương mại hóa công nghệ toàn cầu - GCC, xây dựng dự án ODA về tư vấn, hỗ trợ giải pháp công nghệ; hỗ trợ, đồng hành tham gia mạng lưới nghiên cứu chung và ĐMST Eureka Network thông qua chương trình Globalstars và Network Projects, chương trình Horizon Europe.

Trong nội dung hợp tác với KEIT, hai Bên sẽ triển khai nghiên cứu và phát triển công nghệ, cùng xác định và đề xuất các chương trình, dự án; quản lý các chương trình nghiên cứu chung, tổ chức đánh giá, lựa chọn dự án; tư vấn chính sách công nghiệp, khảo sát nhu cầu công nghệ; trao đổi thông tin, tài liệu và các nhà nghiên cứu, chuyên gia phục vụ cho hợp tác nghiên cứu và ĐMST. KEIT cũng hỗ trợ tăng cường mạng lưới nghiên cứu chung và ĐMST giữa Việt Nam - Hàn Quốc.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định (ở giữa) chứng kiến lễ ký giữa SATI và KEIT.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định (ở giữa) chứng kiến lễ ký giữa SATI và KEIT.

Phát biểu tại Lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, trong những năm qua, khoa học, công nghệ và ĐMST đã và đang được Đảng, Chính phủ Việt Nam xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược, là động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững, đưa Việt Nam sớm đạt mục tiêu trở thành nước có nền công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2030, trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Phát triển KH&CN, kinh tế - xã hội dựa vào tri thức, chuyển giao công nghệ, tiến bộ kỹ thuật từ nước ngoài vào Việt Nam là một trong những chủ trương định hướng của Đảng, Chính phủ. Trên cơ sở đó, ngày 27/12/2018 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1851/QĐ-TTg về Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm, mua bán, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài trong hoạt động nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, ĐMST.

Đánh giá cao sự ủng hộ từ KIAT và KEIT, Thứ trưởng Lê Xuân Định kỳ vọng, hai Bên sẽ tận dụng thế mạnh của mình để thúc đẩy các hoạt động hợp tác kết nối công nghệ, nghiên cứu phát triển và ĐMST cho doanh nghiệp hai nước, cùng tham gia mạng lưới ĐMST quốc tế.

Thứ trưởng Lê Xuân Định chia sẻ, Việt Nam và Hàn Quốc đang đứng trước thách thức chuyển đổi xanh với bối cảnh biến đổi khí hậu. Hai quốc gia cùng chung hệ sinh thái và trách nhiệm chuyển đổi công nghệ theo hướng xanh, bền vững và thân thiện. Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng rằng, sự hợp tác của KIAT, KEIT và SATI sẽ đi vào thực chất, hiệu quả, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc trong các ngành, lĩnh vực như công nghệ mới, công nghệ cao.

Việt Nam và Hàn Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12/1992 và trở thành Đối tác hợp tác chiến lược vào tháng 10/2009. Hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 12/2022.

Việc ký kết hợp tác giữa KIAT, KEIT với SATI là một trong những hoạt động nhằm triển khai Đề án Thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong một số ngành lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025. Thông qua đó sẽ mang lại lợi ích tiềm năng to lớn không chỉ cho ngành KH&CN của cả hai bên, mà còn tạo ra các tác động kinh tế - xã hội - môi trường khi các kết quả nghiên cứu chung của Việt Nam - Hàn Quốc được ứng dụng, phổ biến rộng rãi.

Hàn Quốc là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt 87 tỷ USD, tăng 11,4% so với năm 2021.

Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Vụ Hợp tác quốc tế