Suy hô hấp là biến chứng của bệnh viêm phổi có thể khiến người bệnh tử vong do thiếu hụt oxy. Chị Nguyễn Hoàng Ly (28 tuổi, ngụ TP HCM) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong tình trạng suy hô hấp cấp do viêm phổi nặng. Nhờ cấp cứu và điều trị kịp thời nên người bệnh hiện đã thoát khỏi nguy kịch.
Ảnh minh họa.
Các bác sĩ khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, bệnh nhân từng có tiền sử mắc Covid-19. Hơn một tuần trước, cô từ TP HCM về quê ở Nam Định ăn tết cùng gia đình. Việc thay đổi thời tiết từ nắng ấm sang rét đậm khiến người bệnh có triệu chứng sốt, ho khan. Trở lại TP HCM, cơn ho của bệnh nhân không thuyên giảm, kèm cảm giác đau ngực, khó thở, tím tái.
Sau quá trình thăm khám và thực hiện xét nghiệm, các bác sĩ ghi nhận người bệnh nhiễm phế cầu khuẩn gây tổn thương phổi, viêm phổi nặng biến chứng suy hô hấp, phải thở máy. Kèm theo đó, kết quả xét nghiệm toàn phần công thức máu (CBC) cũng xác định bệnh nhân có hệ miễn dịch suy giảm, rối loạn miễn dịch hậu Covid-19.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Mộng Trinh, khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng (sưng). Viêm phổi có thể xuất hiện ở một vùng hoặc vài vùng (viêm phổi thùy hoặc đa thùy). Bệnh có thể gây các biến chứng rất nhanh và khó lường như: nhiễm trùng huyết, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, đặc biệt là suy hô hấp cấp với các triệu chứng khó thở, thiếu hụt oxy lên tim và não, nếu không được cấp cứu, trợ thở oxy, thở máy kịp thời người bệnh rơi vào tình trạng nguy kịch dẫn đến tử vong.
"Thông thường những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, người già hoặc người có bệnh nền thường dễ mắc bệnh viêm phổi. Nhưng sau đại dịch Covid-19, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận ở những người trưởng thành từng tổn thương phổi do Covid-19 có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp; từ đó làm tăng nguy cơ viêm phổi", bác sĩ Mộng Trinh cho hay.
Bác sĩ Mộng Trinh còn nhấn mạnh, bệnh viêm phổi có thể do nhiều nguyên nhân, phổ biến nhất là do vi khuẩn phế cầu - Streptococcus Pneumoniae, vi khuẩn ho gà - Bordetella pertussis, vi khuẩn Hib - Haemophilus Influenzae type b, vi khuẩn não mô cầu... Đây đều là những tác nhân gây tổn thương đường hô hấp gây viêm phổi. Do đó, việc phòng ngừa tốt những tác nhân trên sẽ giảm thiểu nguy cơ viêm phổi và các biến chứng nặng do viêm phổi, điển hình là suy hô hấp.
Riêng với trẻ em, đây là bệnh dễ mắc, nhất là trong điều kiện giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột. Theo UNICEF và WHO, viêm phổi và các biến chứng đã giết 2 triệu trẻ em mỗi năm, nhiều hơn tử vong của AIDS, sốt rét và sởi cộng lại. Ước tính mỗi ngày có khoảng 4.300 trẻ tử vong do viêm phổi trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, hàng năm có khoảng 2,9 triệu lượt trẻ mắc và hơn 4.000 trẻ chết vì viêm phổi. Do đó trẻ em là đối tượng hàng đầu cần phòng ngừa viêm phổi.
BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa, Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC cho biết các nguyên nhân dẫn đến viêm phổi, gây biến chứng nặng và nguy hiểm là phế cầu khuẩn, mô cầu khuẩn, vi khuẩn HIB, cúm... đều có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Cụ thể, trẻ em có thể phòng ngừa viêm phổi bằng các loại vaccine ngay từ 2 tháng tuổi như: vaccine 6 trong 1 Hexaxim (Pháp)/ Infanrix Hexa (Bỉ) phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, viêm phổi & các bệnh do Hib; vaccine 5 trong 1 Pentaxim (Pháp) phòng ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm phổi & các bệnh do Hib; vaccine phế cầu Prevenar 13 (Mỹ)/ Synflorix (Bỉ) phòng viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn.
Từ 6 tháng tuổi, trẻ có thể phòng biến chứng viêm phổi bằng vaccine Menactra (Mỹ)/ VA Mengoc - BC (Cu Ba), phòng viêm phổi do não mô cầu khuẩn; vaccine cúm tứ giá thế hệ mới Vaxigrip Tetra (Pháp)/ Influbac Tetra (Hà Lan)/ GCFlu Quadrivalent (Hàn Quốc).
Người trưởng thành có hệ miễn dịch yếu, suy giảm sau mắc Covid-19 và người già có thể tiêm các loại vaccine tăng cường đề kháng hô hấp, phòng ngừa viêm phổi như: vaccine phế cầu Prevenar 13, Menactra, VA Mengoc - BC, vaccine cúm tứ giá thế hệ mới. Lưu ý, đối với vaccine phế cầu Prevenar 13 người trưởng thành chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất cho hiệu quả bảo vệ suốt đời. Trong khi đó, vaccine cúm cần tiêm nhắc lại hàng năm để đạt hiệu quả phòng bệnh.
Theo bác sĩ Chính, bên cạnh chủ động tiêm vaccine, người dân cũng cần dự phòng bằng cách giữ gìn vệ sinh cơ thể và môi trường sống, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tập thể dục, giữ ấm hay đeo khẩu trang khi ra đường để bảo vệ hệ hô hấp.
Theo VnExpress.
Tin bài khác