Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Sai phạm của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng với tuyến đường Lê Văn Lương: Cần làm rõ nhóm lợi ích

29/06/2022

Kết luận Thanh tra của Bộ Xây dựng nêu rõ, UBND thành phố, Sở Quy hoạch – kiến trúc, Sở Xây dựng Hà Nội đã điều chỉnh quy hoạch, cấp giấy phép xây dựng nhiều nội dung sai quy định. Do đó, yêu cầu các cơ quan làm rõ mức độ sai phạm và xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức liên quan đến vi phạm.

Làm rõ trách nhiệm trong sai phạm tuyến đường Lê Văn Lương

Kết luận Thanh tra đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc khu vực này. Theo đó, các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500, rồi điều chỉnh, điều chỉnh nhiều lần (có dự án 5 lần điều chỉnh) nhưng không được công bố công khai minh bạch, dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Trong đó, UBND Hà Nội đã điều chỉnh sai quy hoạch sai quy định pháp luật tổng số 56 đồ án, dự án, công trình được kiểm tra, gồm: 4 đồ án quy hoạch chi tiết; 16 lần điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết; 22 lần điều chỉnh bằng các văn bản chấp thuận.

Đối với Sở Quy hoạch – kiến trúc Hà Nội khi đã có quy hoạch chi tiết 1/500 làm cơ sở cấp GPXD, quản lý đầu tư xây dựng, tuy nhiên vẫn thực hiện chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, điều chỉnh quy hoạch không thuộc các trường hợp được điều chỉnh, không tính toán hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Sở Quy hoạch – Kiến trúc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sai quy định pháp luật, bao gồm: 19 dự án, công trình không xác định chỉ giới xây dựng, cốt xây dựng, phạm vi xây dựng tầng hầm công trình; 10 dự án, công trình ghi số tầng không đúng quy hoạch; 32 dự án công trình có nội dung vi phạm QCXDVN ban hành theo quyết định 682/BXD-CSXD năm 1996.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội liên tục điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án, công trình sai quy định pháp luật
Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội liên tục điều chỉnh quy hoạch nhiều dự án, công trình sai quy định pháp luật, trong đó có sai phạm tuyến đường Lê Văn Lương.

Đối với Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng (GPXD) có một số nội dung sai quy định. Trong đó có 12 GPXD không có nội dung màu sắc công trình, chỉ giới xây dựng, mật độ xây dựng, cấp cốt xây dựng công trình không có cơ sở, có 3 GPXD cấp không phù hợp với quy hoạch chi tiết được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, có 9 GPXD cấp phần hầm vượt chỉ giới xây dựng, có 2 GPXD ghi số tầng không đúng…

Về quản lý xây dựng theo quy hoạch xây dựng được duyệt, tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận và GPXD cũng nhiều sai sót.

Cụ thể, tại 31 dự án, công trình, chủ đầu tư thi công sai quy hoạch được duyệt, sai tổng mặt bằng, phương án thiết kế được chấp thuận, không có GPXD, sai GPXD, sai thiết kế được duyệt.

Trước hàng loạt vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường Lê Văn Lương, vốn rất "nóng" về ùn tắc giao thông này, Thanh tra Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc và các cơ quan có liên quan khắc phục những vi phạm, tồn tại đã nêu tại kết luận.

Kết luận nhấn mạnh, việc rà soát, điều chỉnh khắc phục tồn tại, đề nghị UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tính toán trên cơ sở hợp đồng đã ký, không chi trả cho tư vấn phần kinh phí khắc phục sai sót, tồn tại do lỗi tư vấn lập đồ án.

Ngoài ra, UBND TP.Hà Nội cũng cần chỉ đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND một số quận trên địa bàn như Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông thực hiện việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân đã để xảy ra cá vi phạm, tồn tại nêu trong kết luận.

Cần làm rõ có hay không lợi ích nhóm về sai phạm tuyến đường Lê Văn Lương?

Để một đồ án quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần có tổ chức tư vấn đủ năng lực thực hiện theo quy định. Trong quá trình lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập quy hoạch đô thị có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị. Đồ án quy hoạch đô thị phải được thông qua hội đồng thẩm định và phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch đô thị 2009, Luật Xây dựng 2014.

Nếu đánh giá quy hoạch không đạt yêu cầu về chất lượng, do năng lực của tổ chức tư vấn thì chưa đúng. Bởi pháp luật về quy hoạch đô thị đã quy định rõ về trình tự, nội dung lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch. Một đồ án quy hoạch được nhiều cấp thông qua như vậy, có thể chưa thật tốt, nhưng cũng đánh giá được thực trạng về đô thị, định hướng các khu chức năng đô thị, mật độ và tầng cao xây dựng cho từng khu vực…

Về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng thực trạng nhiều khu đô thị, quy hoạch 2 bên tuyến đường đã thay đổi chóng mặt do những lần điều chỉnh và tỷ lệ xây dựng tăng lên nhiều lần. Điều đáng nói là cho tới nay, công tác xử lý với những cán bộ có trách nhiệm dường như chưa đủ sức răn đe. Cần phải làm rõ trách nhiệm với những cán bộ là lãnh đạo của các cơ quan liên quan bởi vì thực tế đã có nhiều khu vực có sự "điều chỉnh" thay đổi quy dẫn tới những hệ lụy lâu dài. Nếu vi phạm theo hệ thống thì cần điều tra, làm rõ xem có lợi ích nhóm.

Điểm dễ nhận thấy là sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch hầu hết để lại hệ quả nghiêm trọng, khó khắc phục. Việc làm này mang lại lợi ích chính cho chủ đầu tư. Liệu đây có lợi ích nhóm hay lợi ích cá nhân không? Cần làm rõ như vậy mới quy kết được trách nhiệm và khắc phục được tình trạng này. Qua đó mới nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền được pháp luật giao trong công tác quản lý đô thị. Nếu không, dù có mở rộng thành phố Hà Nội đến bao nhiêu vành đai nữa, thì tình trạng như hiện nay vẫn tiếp tục xảy ra.

Theo Dân Việt.