Sáng 15/6, tiếp tục Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Sau quyết toán, ngân sách năm 2020 bội chi hơn 216.405 tỷ đồng (gần 9,3 tỷ USD), tương đương 3,44% GDP, thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép điều chỉnh.
Gần 91,8% đại biểu Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết quyết toán ngân sách năm 2020.
Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách là gần 2,28 triệu tỷ đồng, gồm số thu chuyển nguồn từ năm 2019 chuyển sang 2020; thu kết dư ngân sách địa phương 2019, thu từ quỹ dự trữ tài chính theo Luật Ngân sách nhà nước.
Chi cân đối ngân sách 2020 trên 2,35 triệu tỷ đồng, gồm cả chuyển nguồn từ 2020 sang năm 2021 (khoản tiền ngân sách không dùng hết năm trước, chuyển sang năm sau chi cho đầu tư).
Bội chi ngân sách 2020 sau quyết toán là trên 216.405 tỷ đồng (khoảng 9,3 tỷ USD), tương đương 3,44% GDP, không gồm kết dư ngân sách địa phương. Mức thâm hụt này thấp hơn nhiều mức Quốc hội cho phép điều chỉnh (368.300 tỷ đồng - khoảng 5,41% GDP).
Năm 2020, Chính phủ vay hơn 436.059 tỷ đồng (tương đương hơn 18,6 tỷ USD) để bù đắp bội chi và trả nợ gốc. Trong đó, 82% nguồn bù đắp bội chi ngân sách trung ương là vay trong nước; còn lại là vay từ nước ngoài.
Phó chủ tịch Quốc hội ông Nguyễn Đức Hải
Ngân sách Nhà nước năm 2020 đạt 98,2% dự toán, trong đó thu nội địa vượt 0,2% dự toán; trả lãi vay đúng hạn... nhưng theo ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách (cơ quan thẩm tra của Quốc hội), việc dự báo, đánh giá và lập, chấp hành dự toán, quyết toán ngân sách còn nhiều hạn chế kéo dài.
Theo đó, tỷ trọng thu ngân sách trung ương trong tổng thu ngân sách nhà nước đang trong xu hướng giảm, làm hạn chế vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ chi tiết, hoặc chưa đúng thứ tự ưu tiên, thậm chí có trường hợp kê khai chưa chính xác các khoản thu tiền sử dụng đất, thu từ khai thác tài nguyên, khoáng sản...
Với nghị quyết này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi cơ chế phân cấp ngân sách. Việc này để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tăng tính chủ động cho các địa phương.
Quốc hội đề nghị Chính phủ khắc phục những tồn tại trong thu - chi ngân sách; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn và kiểm soát bội chi, nợ công để đảm bảo an ninh quốc gia, ổn định vĩ mô. Việc huy động, quản lý các khoản vay bù đắp bội chi, trả nợ gốc, nợ lãi và tạm ứng chi ngân sách... cần được rà soát, kiểm soát chặt.
Chính phủ cũng cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước 2020. Kết quả xử lý này và thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ cần báo cáo Quốc hội trước khi trình báo cáo quyết toán ngân sách 2021.
Riêng với Hoà Bình, Vĩnh Long và Bình Phước - địa phương đã dùng nguồn tiền thu từ sử dụng đất, xổ số kiến thiết năm 2020 trở về trước dành cho chi thường xuyên, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo bố trí dự toán ngân sách địa phương các năm sau để hoàn trả đủ số tiền này theo luật định.
Theo VnExpress.
Tin bài khác