Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc đánh dấu bước đột phá mới

24/10/2022

Trung Quốc có bước đột phá mới trong nghiên cứu khoa học về "mặt trời nhân tạo" thế hệ mới ở nước này.

Mặt trời nhân tạo của Trung Quốc

"Mặt trời nhân tạo" HL-2M Tokamak với dòng điện plasma vượt ngưỡng 1 triệu ampe đã tạo ra kỷ lục mới về hoạt động của thiết bị nhiệt hạch có kiểm soát ở Trung Quốc - Thời báo Hoàn cầu dẫn thông tin từ Viện Vật lý Tây Nam thuộc Tổng công ty Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) cho biết.

Theo các nhà khoa học, dấu mốc này là một bước tiến quan trọng với quá trình đốt nhiệt hạch trong công cuộc nghiên cứu và phát triển nhiệt hạch ở Trung Quốc.

Zhong Wulyu, Phó giám đốc Trung tâm Khoa học Nhiệt hạch thuộc Viện Vật lý Tây Nam, cho biết, dòng plasma là một thông số cốt lõi của lò phản ứng nhiệt hạch tokamak.

"Mặt trời nhân tạo" thế hệ mới là thiết bị nhiệt hạch có quy mô lớn nhất và khả năng cao nhất của Trung Quốc. Cấu trúc tiên tiến và chế độ điều khiển có thể tăng công suất dòng điện plasma lên hơn 2,5 triệu ampe, tăng nhiệt độ ion plasma lên 150 triệu độ.

"Các thành phần cốt lõi của thiết bị được thiết kế và sản xuất tại Trung Quốc. Đây là thiết bị quan trọng để thực hiện bước nhảy vọt trong phát triển năng lượng nhiệt hạch ở Trung Quốc. Đây cũng là nền tảng không thể thiếu để Trung Quốc tiếp nhận công nghệ của Lò phản ứng thử nghiệm nhiệt hạch quốc tế (ITER) - một trong những dự án hợp tác quốc tế lớn nhất" - ông Zhong nói.

Bước đột phá mới nhất này có nghĩa là thiết bị có thể hoạt động thường xuyên với dòng điện plasma hơn 1 triệu ampe trong tương lai, thực hiện các nghiên cứu khoa học tiên tiến, có ý nghĩa lớn đối với sự tham gia của Trung Quốc vào thí nghiệm ITER, cũng như thiết kế và vận hành độc lập của lò phản ứng nhiệt hạch.

Năm 2006, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu (EU), Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đã ký một thỏa thuận về việc khởi động dự án ITER. Đây là một trong những dự án khoa học quốc tế lớn nhất, có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất trên thế giới và là dự án hợp tác khoa học và công nghệ quốc tế lớn nhất mà Trung Quốc tham gia với tư cách bình đẳng.

Tham gia dự án ITER, ông Zhong tin rằng bằng cách tăng cường hợp tác và trao đổi quốc tế, Trung Quốc cũng đang học hỏi kinh nghiệm thành công hiện có trong việc thiết kế, xây dựng và vận hành thiết bị thí nghiệm nhiệt hạch có kiểm soát quốc tế để sửa chữa những thiếu sót của nó.

Theo Báo Lao Động.