Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Không chủ trương áp thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng thu ngân sách

24/03/2023

Nói với các doanh nghiệp Mỹ, ông Vương Đình Huệ cho biết, Việt Nam sửa luật để điều chỉnh hành vi người tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe, môi trường chứ không tăng thu ngân sách.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc gặp đoàn doanh nghiệp USABC chiều 23/3.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại cuộc gặp đoàn doanh nghiệp USABC chiều 23/3. Ảnh: Viết Chung
 

Chủ tịch Quốc hội tiếp đoàn doanh nghiệp

Chiều 23/3, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp đoàn doanh nghiệp của Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đến tìm cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Đây là đoàn doanh nghiệp Mỹ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với những cái tên nổi bật như Boeing, Apple, Ford, Lockheed Martin, Coca-Cola, PepsiCo.

Nói với đoàn doanh nghiệp, ông Vương Đình Huệ khẳng định, Quốc hội sẽ tạo khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thuận lợi để nhà đầu tư tiếp tục mở rộng quy mô, phát triển lâu dài. Quốc hội luôn sẵn sàng lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của doanh nghiệp về chính sách, pháp luật Việt Nam.

Đơn cử, trước những băn khoăn của các doanh nghiệp về thuế tiêu thụ đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam không chủ trương tăng thuế tiêu thụ đặc biệt để tăng thu ngân sách.

Việc sửa đổi luật, theo ông, đã được Việt Nam đặt ra từ lâu. Mục tiêu là để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng, bảo vệ sức khoẻ của người dân, bảo vệ môi trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, lộ trình điều chỉnh sẽ được tính toán kỹ lưỡng, trong đó có tính đến "sức khoẻ" của doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, chứ không thay đổi đột ngột.

Vừa qua, khi sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất đưa nước ngọt vào diện chịu thuế bên cạnh tăng tiếp thuế với bia, rượu, thuốc lá. Ý tưởng này lần đầu được đưa ra vào năm 2014 với mức thuế suất 10% nhưng không được nhiều bộ, ngành không đồng thuận. Lần này, Bộ Tài chính đề nghị mức thuế suất với nước ngọt ở mức phù hợp, nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân.

Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành kiến nghị hoãn tăng thuế với bia, rượu ít nhất đến 2025 vì việc kinh doanh chưa phục hồi sau đại dịch. Với nước ngọt, doanh nghiệp đề xuất lùi thời gian, họ cũng cho rằng nước ngọt không phải là nguyên nhân gây bệnh béo phì.

Ông Vương Đình Huệ đánh giá về các lĩnh vực

Về chuyển đổi số, ông Vương Đình Huệ cho biết Quốc hội đã và đang sửa đổi, thông qua một số luật có vai trò nền tảng, thúc đẩy chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực sang ảo. Chính phủ cũng đang tạo lập hành lang pháp lý phục vụ phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, kinh doanh xuyên biên giới. Ông đề nghị USABC tiếp tục đóng góp ý kiến để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chuyển đổi số.

Với chuyển đổi năng lượng, ông đánh giá then chốt là tài chính xanh, công nghệ và "một mình Việt Nam không thể làm được". Ông thông tin, Quốc hội Việt Nam đang đặt trọng tâm xây dựng pháp luật vào hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

Với lĩnh vực y tế, dược phẩm, ông phân tích, nhiều kiến nghị của USABC và doanh nghiệp đã được Việt Nam nghiên cứu, cụ thể hoá trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và Quốc hội đã thông qua luật này. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đang xem xét sửa đổi Luật Đấu thầu, trong đó, đặt yêu cầu gắt gao đối với việc rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch.

"Không có ý kiến nào của doanh nghiệp gửi đến Quốc hội mà không được tiếp thu. Mọi ý kiến được tôn trọng, gạn đục khơi trong để nghiên cứu thấu đáo", ông nói và một lần nữa khẳng định Quốc hội luôn lắng nghe.

Tại buổi tiếp, Chủ tịch Quốc hội và đoàn doanh nghiệp cùng chia sẻ mong muốn cải thiện thứ hạng đầu tư của Mỹ tại Việt Nam. Ông đề nghị doanh nghiệp Mỹ đồng hành cùng Việt Nam thông qua mở rộng kinh doanh, hỗ trợ tiếp cận công nghệ tiên tiến, giải pháp mới, tham gia chuỗi cung ứng, giá trị toàn cầu. Các lĩnh vực vốn được Việt Nam ưu tiên, còn Mỹ có thế mạnh, theo ông như: công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, kinh tế số, tài chính ngân hàng, năng lượng sạch.

Việt Nam là thị trường chiến lược

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc USABC Ted Osius nói các doanh nghiệp Mỹ coi Việt Nam là thị trường chiến lược và cam kết đầu tư dài hạn. Đoàn doanh nghiệp ủng hộ mục tiêu chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của Việt Nam, nhất trí với đề xuất của Chủ tịch Quốc hội.

"Mỹ sẽ nỗ lực để trở thành đối tác tốt nhất, tích cực đưa khuyến nghị trong quá trình Việt Nam hoàn thiện chính sách, pháp luật", ông nói.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cũng cho rằng hai nước còn rất nhiều tiềm năng hợp tác, phát triển.

Các doanh nghiệp Mỹ theo đó đã đề xuất những ý tưởng về đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực ôtô, hàng không, kinh tế số, trang thiết bị y tế, năng lượng, tài chính ngân hàng, văn hóa, giải trí. Doanh nghiệp đồng thời nêu các kiến nghị nhằm đưa quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng gắn kết, thực chất và thành công hơn.

Nguồn VnExpress.