Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Dự thảo luật dân chủ cơ sở “tăng chi phí, áp lực cho nhà máy”

02/11/2022

Phía doanh nghiệp nêu việc lập Ban thanh tra nhân dân như dự thảo Luật Thực hiện dân chủ cơ sở phát sinh chi phí, tăng áp lực, song lãnh đạo công đoàn cho rằng phù hợp.

Dự thảo luật dân chủ cơ sở

Dự thảo đang được Quốc hội lấy ý kiến, dự định thông qua ở kỳ họp lần này. Một trong những nội dung được khối doanh nghiệp ngoài nhà nước quan tâm là các tổ chức lao động phải công khai thông tin như tình hình sản xuất, kinh doanh, nội quy lao động, thang bảng lương, quỹ khen thưởng, phúc lợi... Dự thảo cũng đề xuất lập Ban thanh tra nhân dân (3-9 người) nhằm kiểm tra, giám sát chấp hành chính sách pháp luật, thực hiện về dân chủ ở cơ sở...

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Bí thư chi bộ Đảng, Công ty TNHH Juki Việt Nam, 100% vốn Nhật Bản, ở Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7) nói việc lập Ban thanh tra nhân dân không cần thiết. Bởi ở Juki, từ việc nhỏ đến lớn doanh nghiệp luôn đề nghị công đoàn tham gia góp ý kiến. Cứ hai tháng, lãnh đạo công ty và tổ chức công đoàn họp định kỳ. Phía doanh nghiệp thông báo về tình hình sản xuất, lợi nhuận để đại diện người lao động nắm rõ. Nhà máy còn họp đột xuất khi có vấn đề cần giải quyết gấp với sự tham gia của công đoàn.

Điển hình như việc việc chốt lịch nghỉ Tết 2023, ban đầu nhà máy đề nghị nghỉ 10 ngày, bắt đầu từ ngày 29 tháng Chạp. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến của tất cả lao động, công đoàn đề nghị nghỉ 11 ngày, từ 28 tháng Chạp, để công nhân đủ thời gian về quê, mua sắm Tết. Phương án này đã được ban giám đốc thông qua.

Theo bà Linh, việc thông báo, lấy ý kiến như trên chính là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp. Đây không phải là vấn đề mới vì được Bộ Luật lao động quy định tại Điều 63 và các nghị định hướng dẫn. Các doanh nghiệp thực hiện tốt quy định giải quyết nhanh bức xúc của công nhân, hạn chế tranh chấp lao động. Nếu thêm Ban thanh tra nhân dân với những nhiệm vụ tương tự, sử dụng kinh phí công đoàn theo Điều 53 dự thảo, sẽ gây chồng chéo.

"Công đoàn đang dồn nguồn lực để chăm lo cho công nhân, ngay các khoản trợ cấp cho cán bộ công đoàn cũng bị cắt giảm, nếu chi thêm cho Ban thanh tra nhân dân có vẻ chưa ổn", bà Linh nói.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng ở khu công nghiệp An Hạ (huyện Bình Chánh), nói một số quy định trong dự thảo Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ phân tán nguồn lực công đoàn tại doanh nghiệp trong khi nội dung công việc không thay đổi. Hiện, nhiều hoạt động liên quan công đoàn còn phải rút gọn vì cán bộ thực hiện kiêm nhiệm, nhận lương từ doanh nghiệp, phải ưu tiên sản xuất.

Tại Công ty Đại Dũng, hàng tuần, hàng quý doanh nghiệp đều công bố các thông tin về kinh doanh, hoạt động sản xuất cho quản lý cấp trung, cao để nắm và thực hiện. Báo cáo lợi nhuận, doanh số cả năm sẽ được thông qua tại hội nghị người lao động được tổ chức mỗi năm một lần.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty Gỗ Lâm Việt kiêm Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương (Bifa), nói rằng "thêm một luật là tăng áp lực cho các nhà máy sản xuất", đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp FDI thuộc Bifa bày tỏ không hài lòng với dự luật bởi không phù hợp thông lệ quốc tế. Chưa kể các doanh nghiệp xuất khẩu phải tuân thủ các quy định khắt khe của đối tác "đã đủ mệt và đau đầu".

"Doanh nghiệp nhà nước công khai hoạt động tài chính, nếu lỗ có nhà nước hỗ trợ. Khối tư nhân và FDI khi lỗ kêu công nhân bù vào có được không?", ông Liêm đặt vấn đề và cho rằng phải xác định mục đích của công khai khả năng tài chính, hoạt động kinh doanh.

Theo ông Liêm, lâu nay giám sát hoạt động, thực thi chính sách pháp luật ở doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn, được quy định rõ trong Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn. Việc có thêm Luật thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với Ban thanh tra nhân dân sẽ rất phiền hà và tốn kém.

"Các khoản chi cho hoạt động của Ban thanh tra nhân dân từ nguồn kinh phí công đoàn nhưng bản chất tiền đó của doanh nghiệp mỗi tháng trích đóng 2% trên mức lương của công nhân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội", ông Liêm nói.

Mới đây 9 hiệp hội (thuỷ sản, da giày, lương thực, thực phẩm minh bạch, dệt may, gỗ và lâm sản, chè, Eurocham) gửi kiến nghị lên Quốc hội đề nghị bỏ doanh nghiệp tư nhân ra khỏi dự luật này vì cho rằng không phù hợp, gây ảnh hưởng xấu môi trường đầu tư.

Trong khi đó, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng việc thành lập Ban thanh tra nhân dân nhằm đảm bảo quyền làm chủ của người lao động ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là rất cần thiết. Khảo sát của cơ quan này, tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp nhà nước tốt hơn so với các doanh nghiệp khu vực còn lại. "Phải chăng vì ở doanh nghiệp nhà nước đã có Ban thanh tra nhân dân", ông Hiểu đặt vấn đề.

Phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cũng nêu quan điểm việc thành lập Ban thanh tra nhân dân sẽ không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở. Bởi Điều 80 dự thảo quy định quyền năng của Ban thanh tra nhân dân rất khác luật hiện hành, không trùng lắp nhiệm vụ, quyền hạn của công đoàn cơ sở.

Theo đó, công đoàn cơ sở nhiệm vụ chủ yếu là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động. Điều này khác với Ban thanh tra nhân dân có các quyền kiểm tra, giám sát, kiến nghị, xác minh vụ việc với những vấn đề ngoài quyền và lợi ích của người lao động như doanh nghiệp trốn thuế, kinh doanh hàng giả... Những quyền năng này cho phép người lao động phát huy quyền làm chủ trong bảo vệ cả lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp.

Về kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban thanh tra nhân dân, ông Hiểu cho rằng cả công đoàn và chủ doanh nghiệp sẽ cùng chia sẻ. Nếu hỗ trợ kinh phí mà doanh nghiệp tốt hơn, công nhân được tôn trọng, phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp của các bên, để có thu nhập cao hơn, thì đó là khoản chi phí cần đầu tư.

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, nói việc thêm một bộ luật sẽ gây chồng chéo và tạo ra sự khó hiểu cho doanh nghiệp, người lao động. Do đó để bảo vệ người lao động tốt nhất, lúc này nhà nước nên nâng cao những thiết chế hiện có, sử dụng các thông lệ quốc tế tốt, phù hợp điều kiện Việt Nam sẽ tốt hơn tạo ra những hình thức mới.

Theo VnExpress.