Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia với mục tiêu đưa tiêu chuẩn hóa trở thành biện pháp kỹ thuật, là công cụ đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc tăng cường năng lực quản lý của các bộ ngành, địa phương; hỗ trợ sản phẩm của Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế gắn với các mục tiêu phát triển bền vững trên cơ sở thực hành có trách nhiệm của tổ chức, doanh nghiệp thuộc các loại hình kinh tế khác nhau. TS. Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có cuộc trao đổi nhân nhịp năm mới 2023.
TS. Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, nhất là khi nước ta đã ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, ngoài lợi thế về mở rộng thị trường, giao thương, xuất khẩu hàng hoá, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia là vô cùng cần thiết, xin ông chia sẻ thêm về vấn đề này?
Triển khai Nghị quyết 13- NQ/TW của Đảng, trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia rất sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới song phương và đa phương, Chính phủ cũng đã xây dựng các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Thực tế trên đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa. Theo đó, hoạt động này cần đổi mới, xác định con đường mới để phục vụ tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, đồng thời giải quyết hàng loạt thách thức phải đối mặt như đại dịch Covid-19, suy thoái tài nguyên…
Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có cách thức để kịp thời định hướng cho cộng đồng doanh nghiệp, xã hội ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, các vấn đề nâng cao chất lượng cuộc sống. Chiến lược tiêu chuẩn hóa cũng sẽ góp phần thúc đẩy việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Theo kinh nghiệm quốc tế, việc ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia sẽ xác định rõ các nguyên tắc, định hướng cơ bản, thiết lập chương trình hành động tổng thể, phát triển hệ thống tiêu chuẩn trung và dài hạn trên phạm vi toàn cầu hoặc quốc gia. Về phía Việt Nam, chúng ta cần đặt ra hướng đi cụ thể như thế nào, thưa ông?
Với mục tiêu chung phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2030 cũng như giải quyết thách thức, vấn đề đặt ra hoạt động tiêu chuẩn hóa sắp tới sẽ phải triển khai như thế nào? Có gì khác biệt với các giai đoạn trước? Để giải đáp vấn đề này, chúng ta phải có những nội dung, định hướng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia giai đoạn đến năm 2030, trong đó có một số nội dung cần tập trung để đưa ra định hướng cụ thể.
Thứ nhất, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động tiêu chuẩn hóa, đánh giá sự phù hợp đến năm 2030. Sau hơn 15 năm triển khai Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn Kỹ thuật và Luật Chất lượng Sản phẩm hàng hóa, đây là thời điểm cần rà soát tổng thể hoạt động tiêu chuẩn hóa trong bối cảnh có những định hướng phát triển kinh tế - xã hội mới, nỗ lực chung tay thực hiện mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc đã đặt ra, cũng như thích ứng với quá trình chuyển đổi số đang lan rất nhanh chóng hiện nay. Hoạt động tiêu chuẩn hóa cần có cách thức để đưa ra những tiêu chuẩn có chất lượng, tiêu chuẩn làm định hướng nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm hàng hóa của Việt Nam. Hoạt động tiêu chuẩn hóa được lan tỏa, không chỉ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu mà còn là tiêu chuẩn, cơ sở để tạo sự công bằng trong xã hội.
Thứ hai, cần định hướng xây dựng hệ thống tiêu chuẩn hóa trong thời gian tới đáp ứng và phục vụ một cách tốt nhất cho hoạt động phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Trong đó, chú trọng đến việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học để đưa ra những tiêu chuẩn mới, thúc đẩy sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam. Tương lai đưa tiêu chuẩn Việt Nam được xem xét để chấp nhận thành tiêu chuẩn quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng Việt.
Thứ ba, Việt Nam cần có cách tiếp cận mới trong việc đầu tư, xây dựng nguồn lực để thúc đẩy hoạt tiêu chuẩn hóa. Chúng ta cần có chiến lược để có đội ngũ chuyên gia tiêu chuẩn hóa mạnh, giỏi trong các lĩnh vực mà Việt Nam cần ưu tiên để tạo ra các tiêu chuẩn có giá trị, có ưu thế, tiến tới việc đưa đội ngũ chuyên gia này tham gia sâu, rộng trong các Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế.
Theo ông, để gắn kết hoạt động của cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia với hoạt động hợp tác quốc tế trong các ngành, lĩnh vực có liên quan của bộ, ngành, Việt Nam cần làm gì để nâng cao vị thế trên các diễn đàn khu vực và quốc tế?
Như tôi đề cập ở trên, hoạt động tiêu chuẩn hóa không chỉ mang tính chất quốc gia mà còn mang tính liên kết giữa các quốc gia và quốc tế. Điều này mang đến lợi thế cạnh tranh cũng như làm cầu nối, công cụ để đưa các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường quốc tế thuận lợi hơn. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như các Bộ, ngành cần chung tay tham gia hội nhập sâu hơn với thế giới, đặc biệt là trong hoạt động tiêu chuẩn hóa. Thông qua hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc tế, chúng ta phải có cách thức đưa đội ngũ chuyên gia giỏi của Việt Nam từ cộng đồng doanh nghiệp, các khối, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan quản lý để định hướng các Ban kỹ thuật của quốc tế. Chúng ta sẽ cùng tham gia, chung tay, chia sẻ xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế, qua đó, khẳng định vai trò và vị trí của Việt Nam trong hoạt động này, cũng như là điều kiện để chúng ta nhanh chóng tiếp cận với các tiến bộ tri thức của thế giới thông qua hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng các tiêu chuẩn quốc tế. Đại dịch Covid-19, sự suy thoái tài nguyên thiên nhiên đang đặt ra yêu cầu ngày càng cao về phát triển bền vững, trong đó, vai trò của hệ thống tiêu chuẩn là vô cùng quan trọng.
Xin ông cho biết, tại Việt Nam, việc xây dựng tiêu chuẩn về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang được triển khai với định hướng và chiến lược ra sao?
Hiện có rất nhiều lĩnh vực, nhóm sản phẩm hàng hóa cần nghiên cứu và xây dựng thành tiêu chuẩn quốc gia cụ thể, các tiêu chuẩn về đặc tính kỹ thuật của sản phẩm hàng hóa cụ thể hoặc tiêu chuẩn mang tính chất nâng cao năng lực quản lý và tiêu chuẩn hỗ trợ, phục vụ cho quá trình nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa. Xu thế toàn cầu hiện nay là phát triển bền vững, tối ưu hóa sử dụng chất thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh.
Vì vậy, vấn đề đặt ra là cần có nghiên cứu, đưa ra các tiêu chuẩn phục vụ cho kinh tế tuần hoàn, hoặc nhóm tiêu chuẩn tạo ra vật liệu mới, sản phẩm mới có tính năng tương tự như sản phẩm thông thường nhưng sử dụng ít nguyên, nhiên vật liệu hơn và thải ra môi trường chất độc hại ít hơn. Đây không chỉ là chủ trương của Việt Nam mà còn của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế trong việc xây dựng tiêu chuẩn xanh, xây dựng các tiêu chuẩn phục vụ kinh tế tuần hoàn, xây dựng tiêu chuẩn về vật liệu mới thân thiện hơn với môi trường.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Tin bài khác