Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra toàn diện TikTok Việt Nam

04/04/2023

Bên cạnh những thông tin bổ ích được chia sẻ trên TikTok thì phần lớn nội dung còn lại độc hại với người dùng, đặc biệt là giới trẻ. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra toàn diện TikTok tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thanh tra toàn diện TikTok Việt Nam

Trong vài năm trở lại đây, TikTok là mạng xã hội có tốc độ phát triển "nóng" ở Việt Nam khi số lượng người dùng tăng lên đột biến. Theo số liệu của DataReportal, Việt Nam xếp thứ 6 trong top 10 quốc gia có lượng người dùng TikTok lớn nhất thế giới với khoảng gần 50 triệu người dùng khi kết thúc tháng 2/2023. Bên cạnh những nội dung chia sẻ kiến thức, cuộc sống, góc nhìn bổ ích thì phần lớn nội dung trên Tiktok được cho là độc hại với người dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Trước đó, điển hình là vụ Nờ Ô Nô đăng tải video với nội dung phản cảm, miệt thị người nghèo và đã bị xử lý. Tuy nhiên, Nờ Ô Nô tiếp tục quay trở lại với tài khoản khác và việc không xử lý nghiêm đã khiến Tiktok có thêm những nội dung độc hại khác. Bên cạnh đó, nhiều nội dung trên TikTok có những đoạn phim ngắn dung tục, thiếu văn hóa, và đặc biệt những thông tin sai sự thật, truyền bá mê tín dị đoan và cổ xúy hành vi phạm tội. Theo ghi nhận, nền tảng này cũng lan truyền các video hướng dẫn giảm cân, ăn kiêng, bán thực phẩm chức năng có thể gây hại cho người xem, với các hứa hẹn như “giảm 11 kg một tháng”, “giảm 5 kg trong 7 ngày”...

Cũng theo đánh giá của Cục PTTH&TTĐT tại cuộc họp của Bộ TTTT về thực trạng quảng cáo trực tuyến cuối năm 2022, TikTok không chủ động chặn, gỡ nội dung độc hại mà chỉ can thiệp khi cơ quan quản lý lên tiếng yêu cầu. Trong tài liệu nội bộ bị rò rỉ năm 2021, TikTok tối ưu hóa nội dung theo phút và giờ xem. Khi gợi ý nội dung trên trang chủ của người dùng, TikTok gần như không quan tâm đến trình tự thời gian, mà ưu tiên các nội dung được thuật toán đánh giá là có khả năng thu hút, dựa trên thời lượng xem. Vì vậy, các nhà sản xuất nội dung trên nền tảng này có động lực để tạo ra các nội dung càng gây chú ý càng tốt, cho dù là gây phẫn nộ hay phản cảm.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử - Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết việc thanh tra TikTok sẽ diễn ra vào tháng 5. Lý do liên quan đến nội dung xấu độc liên tục xuất hiện trên nền tảng thời gian qua. "Bộ Thông tin và Truyền thông đã nhắc nhở, chấn chỉnh nhưng TikTok chưa có biện pháp khắc phục hiệu quả tình trạng này. Thậm chí thuật toán TikTok còn giúp thông tin độc hại dễ dàng tạo thành trend, lan tỏa mạnh hơn, ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ", ông Do nói.

Theo Cục trưởng, các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook, YouTube có tiêu chuẩn cộng đồng áp dụng trên toàn cầu. "Tuy nhiên khi vào Việt Nam, các nền tảng này phải tuân thủ theo luật pháp Việt Nam, không chỉ bao gồm việc quản lý nội dung mà còn cả nghĩa vụ thuế, thanh toán, quảng cáo", ông Do nói. Ông cho biết đợt thanh tra này sẽ tập trung vào những vấn đề như cách phân phối nội dung, thuế, thương mại điện tử, quảng cáo.

Theo báo cáo minh bạch của TikTok, nền tảng này xóa 1,7 triệu video tại Việt Nam vì vi phạm chính sách trong quý 4/2022, trong đó 94,9% là chủ động xóa. Trong nửa đầu 2022, TikTok nhận được yêu cầu xử lý 292 video từ Chính phủ Việt Nam, trong đó xóa 197 video, chiếm 67,5% số yêu cầu. Trên thế giới, TikTok cũng vấp phải làn sóng tẩy chay từ các cơ quan quản lý vì vấn đề an ninh. Giữa tháng 3, Anh trở thành nước tiếp theo cấm ứng dụng TikTok trên các thiết bị làm việc của chính phủ, sau Mỹ, Canada, Bỉ và Ủy ban châu Âu. Tại phiên điều trần ngày 23/3, các nhà lập pháp Mỹ cho rằng TikTok phải bị cấm vì nghi ngờ truy cập dữ liệu người dùng, phát tán các nội dung gây tuyệt vọng và tự làm hại bản thân.

Nguồn VietQ.