Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Bất động sản xuất hiện bong bóng cục bộ dẫn đến thanh khoản chậm

05/05/2022

VARS cho biết, quý đầu tiên năm nay thị trường vẫn tiếp tục chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường…

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản quý I năm nay.

Quý đầu tiên năm nay thị trường vẫn tiếp tục chứng kiến tình trạng sốt đất cục bộ tại một số địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường... Hiện tượng này đã và đang được các cơ quan chức năng ra tay chấn chỉnh, nhằm đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả.

Phân tích nguyên nhân chủ yếu khiến bất động sản trở thành kênh đầu tư hấp dẫn, Hội Môi giới bất động sản đưa ra 4 yếu tố chủ yếu.

Thứ nhất, cơ sở hạ tầng Việt Nam đang ngày được hoàn thiện, nhất là tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận. Đường cao tốc cũng như các cung đường kết nối, sân bay… đang tạo ra diện mạo mới cho đất nước.

Trong cơ cấu giá trị bđs, cơ sở hạ tầng đóng vai trò đáng kể, bên cạnh giá trị nội tại của bất động sản đó.

Theo chuyên gia, chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể
Theo chuyên gia, chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể

Thứ hai, đầu tư công được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. Theo báo cáo, riêng Bộ Giao thông vận tải trong quý I năm nay đã giải ngân gần 7.500 tỷ đồng cho các dự án hạ tầng quan trọng trên cả nước.

Dự kiến Bộ này sẽ giải ngân khoảng 50.300 tỷ đồng trong năm nay, tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng như dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020; dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Cảng hàng không quốc tế Long Thành; sớm đưa vào hoạt động một số tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội và TPHCM.

Thứ ba, gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng trong đó gần 114.000 tỷ đồng dành cho các dự án hạ tầng, 110.000 tỷ đồng dành cho các chính sách ưu đãi các doanh nghiệp sẽ tạo tổng lực giúp nền kinh tế sớm phục hồi, cải thiện sức mua người tiêu dùng, từ đó thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững.

Thứ tư, Việt Nam được đánh giá là quốc gia duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, tình hình chính trị, xã hội ổn định trong một thời gian dài, tạo nên sức cạnh tranh đáng kể của nền kinh tế Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong đó có mảng bất động sản tăng trưởng đều đặn trong thời gian qua là một minh chứng rõ rệt.

Theo ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch VARS, giá bất động sản tăng bất chấp Covid-19 là do quá trình hình thành các đô thị mới được đẩy mạnh, dòng tiền tìm nơi trú ẩn an toàn, trong khi đó nguồn cung thiếu hụt.

Cũng theo lãnh đạo VARS, tổng kết lại có một số những tín hiệu thị trường đáng lưu ý như đã xuất hiện bong bóng cục bộ; giá đất nền các khu vực tăng theo các dự án; giá nhà tăng nhưng thanh khoản không tăng tương xứng.

"Tuy nhiên chính sách tín dụng thận trọng đã giữ cho thị trường vẫn ổn định về tổng thể.
Cơ quan chức năng đang tập trung mạnh vào củng cố thể chế và hành lang pháp lý", lãnh đạo VARS nhận định.

Một số những thông tin khác đáng chú ý cũng được đưa ra tại báo cáo như giá trị M&A bất động sản quý I năm nay cao nhất 5 năm, dẫn theo dữ liệu tại thị trường vốn đầu tư của Cushman & Wakefield. Cụ thể, 3 tháng đầu năm, giới doanh nghiệp bất động sản đã chi gần 1 tỷ USD để thâu tóm các dự án, gần bằng con số ghi nhận được suốt cả năm 2017, 2018.

Theo Dân Trí