Đánh giá tiềm năng khoáng sản vàng ẩn sâu ở Việt Nam nói chung và vùng Tây Bắc nói riêng là nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch được chính phủ phê duyệt giai đoạn 2020-2030 của ngành địa chất. Để đánh giá tiềm năng khoáng sản vàng ẩn sâu cần dựa trên cơ sở tài liệu quan trọng đó là tính phân đới quặng hóa vàng.
Tuy nhiên, độ sâu đánh giá còn hạn chế do tài liệu nghiên cứu tính phân đới còn thiếu định lượng, đặc biệt về đặc điểm tổ hợp cộng sinh khoáng vật, địa hóa quặng, địa hóa khoáng vật, biến chất trao đổi, nhiệt độ thành tạo… Vì vậy, nghiên cứu xác lập tính phân đới quặng vàng - thạch anh - sulfua ở vùng Tây Bắc Việt Nam là nhiệm vụ cấp thiết. Đó là lý do ThS. Nguyễn Văn Đạt đã phối hợp với các cộng sự tại Viện khoa học địa chất và khoáng sản để thực hiện đề tài: “Xác lập các kiểu phân đới quặng vàng - thạch anh - sulfua có triển vọng ẩn sâu vùng Tây Bắc Việt Nam” từ năm 2017 đến năm 2020.
Đề tài nhằm thực hiện các mục tiêu sau: xác lập các kiểu phân đới quặng hóa vàng - thạch anh - sulfua vùng Tây Bắc Việt Nam; và làm rõ mức độ bóc mòn và khả năng tồn tại các thân quặng vàng - thạch anh - sulfua ẩn sâu trong các khu mỏ có triển vọng vùng Tây Bắc Việt Nam.
Kết quả nghiên cứu của đề tài đã xây dựng được một mô hình phân đới chung cho thành hệ quặng vàng - thạch anh -sulfua liên quan đến nguồn nhiệt dịch sâu gồm 05 đới từ trên xuống như sau: Đới trên quặng; Đới quặng vàng - thạch anh - pyrit nghèo sulfua; Đới quặng vàng - thạch anh - sulfua đa kim; Đới quặng vàng - thạch anh - arsenopyrit, pyrit; Đới dưới quặng.
Kết quả dự báo triển vọng quặng vàng - thạch anh - sulfua ở tỷ lệ 1.200.000 đã khoanh định được các diện tích triển vọng cụ thể như sau:
- Khu vực nam đới Sông Hiến: Khoanh định được 04 diện tích rất triển vọng (A) với tổng diện tích khoảng 1030 km2 và 05 diện tích triển vọng (B).
- Khu vực đới Fansipan, đới Ninh Bình: Tại khu vực nghiên cứu khoanh định được 01 diện tích rất triển vọng (A) kéo dài khu vực tây bắc - đông nam tại rìa đông bắc khu vực, từ khu vực huyện Ba Vì, TP. Hà Nội xuống đến hết khu vực huyện Lương Sơn, Kim Bôi tỉnh Hòa Bình với tổng diện tích khoảng 750 km2; 03 diện tích triển vọng (B)
Kết quả nghiên cứu tính phân đới có thể đánh giá chiều sâu phát triển cột khoáng qua đó đánh giá được triển vọng quặng hóa ẩn sâu.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18283/2020) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn Vista.
Tin bài khác