Số điện thoại: 024 6683 9670
[Vietnamese]
[English]

Viêm gan B: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

12/10/2022

Bệnh viêm gan B là “sát thủ thầm lặng” phá hủy chức năng gan, gây suy gan, xơ gan và thậm chí là ung thư gan. Tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B chiếm từ 10 – 15% dân số. Tuy nhiên, nhiều người nhiễm viêm gan B vẫn chưa hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của căn bệnh này cũng như các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Hãy cùng Vinalab tìm hiểu về bệnh Viêm gan B trong bài viết sau.

Viêm gan B là gì

1. Viêm gan B là gì?

Viêm gan B là một bệnh truyền nhiễm do virus viêm gan B (Hepatitis B Virus - HBV) gây ra. Nếu không kịp thời phát hiện và điều trị, bệnh có thể trở thành mạn tính, có thể gây nhiễm trùng gan thậm chí là ung thư gan.

Viêm gan B được chia làm 2 dạng: Viêm gan B cấp tính và viêm gan B mạn tính.

1.1. Viêm gan B cấp tính

Viêm gan B cấp tính phát sinh trong khoảng 6 tháng đầu kể từ khi người bệnh nhiễm virus, là giai đoạn đầu của quá trình nhiễm viêm gan B. Khoảng 90% người nhiễm virus viêm gan B cấp tính sẽ tự khỏi và 10% người mắc sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính, gây nguy hiểm cho gan.

Vấn đề người nhiễm viêm gan B cấp tính có trở thành mạn tính hay không phụ thuộc vào độ tuổi của người mắc bệnh.

1.2. Viêm gan B mạn tính

Viêm gan B mạn tính là khi người bệnh nhiễm virus viêm gan B trên 6 tháng kể từ khi bị nhiễm virus. Đây là giai đoạn nguy hiểm của bệnh, dẫn theo nhiều biến chứng khó lường. Viêm gan B mạn tính có 2 dạng:

a. Nhiễm viêm gan B thể không hoạt động

Cũng giống như trường hợp nhiễm viêm gan B thể người lành mang mầm, virus viêm gan B ở thể ngủ yên không hoạt động. Người mắc bệnh chung sống hòa bình với virus, vẫn sinh hoạt, học tập, lao động bình thường

b. Nhiễm viêm gan B mạn thể hoạt động (viêm gan siêu vi B mạn)

Khác với viêm gan B mạn thể không hoạt động, virus viêm gan B thể hoạt động không ngừng sinh sôi, nảy nở, gây tổn hại đến gan như: xơ gan, suy gan, ung thư gan.

2. Viêm gan B lây qua đường nào?

Virus viêm gan B có cơ chế lây nhiễm giống với virus HIV. Tuy nhiên, với những đặc điểm riêng biệt virus viêm gan B nguy hiểm hơn cả virus HIV.

Nếu như virus HIV không thể tồn tại lâu ngoài cơ thể và không thể lây nhiễm trong môi trường tự nhiên thì virus viêm gan B có thể sống ở ngoài tự nhiên ít nhất 7 ngày và trong thời gian này virus vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể người không được vaccine bảo vệ.

Cũng giống như virus HIV, virus viêm gan B lây qua đường máu, quan hệ tình dục và lây từ mẹ sang con.

Tuy nhiên, khả năng lây nhiễm của virus viêm gan B cao gấp 100 lần virus HIV. Dưới đây là 3 con đường lây nhiễm viêm gan B cần lưu ý:

2.1. Lây từ mẹ sang con

Phụ nữ mang thai nếu bị viêm gan B có thể truyền bệnh sang con. Tùy vào từng giai đoạn thai kỳ cụ thể mà tỷ lệ lây truyền sẽ khác nhau. Cụ thể, nếu mẹ mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ tỷ lệ lây truyền khoảng 1%. Nếu nhiễm bệnh ở 3 tháng giữa thai kỳ, tỷ lệ mắc bệnh ở thai nhi khoảng 10%.

Nếu thai phụ nhiễm virus viêm gan B ở 3 tháng cuối thai kỳ nguy cơ lây nhiễm sẽ tăng lên 70%. Đặc biệt, nếu không có biện pháp bảo vệ sau sinh nguy cơ lây nhiễm sang con lên đến 90%.

2.2. Lây qua đường máu

Virus viêm gan B có thể dễ dàng lây qua truyền máu, hiến máu, tiêm, xăm hình...nếu dụng cụ không được khử trùng đúng cách. Ngoài ra, việc sử dụng chung dao cạo râu, bàn chải đánh răng... với người bị viêm gan B cũng có thể khiến bạn dễ dàng bị lây bệnh.

2.3. Lây qua quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục với người bị viêm gan B mà không có biện pháp phòng tránh an toàn cũng khiến bạn có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh. Virus viêm gan B có thể lây nhiễm thông qua tất cả các hành vi tình dục khác giới hoặc đồng giới.

Viêm gan b lây nhiễm qua đường nào

3. Những triệu chứng, dấu hiệu viêm gan B cần biết

Viêm gan B có triệu chứng không rõ ràng nên người bệnh rất khó nhận biết. Thậm chí có rất nhiều người bị nhiễm viêm gan B mà không hề hay biết. Tuy nhiên, kể cả khi không có triệu chứng bệnh gì thì virus viêm gan B vẫn có thể gây tổn hại nặng nề đến gan sau một thời gian phát triển âm ỉ. Do đó, cần lưu ý những triệu chứng viêm gan B để nhận biết bệnh như sau:

  • Cơ thể mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
  • Đau nhức xương khớp.
  • Thường xuyên buồn nôn, ói mửa.
  • Nước tiểu có màu vàng sẫm.
  • Đau bụng.
  • Phân màu xanh xám, sẫm màu.
  • Thường xuyên bị rối loạn tiêu hóa.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Có hiện tượng xuất huyết dưới da.
  • Đau hạ sườn phải.
  • Sưng bụng, chướng bụng.

Những dấu hiệu viêm gan B nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể phát triển thành suy gan, xơ gan cổ trướng rất nguy hiểm đến sức khỏe.

Triệu chứng, dấu hiện viêm gan B

4. Đối tượng có nguy cơ mắc viêm gan B

Dựa vào những con đường lây lan của viêm gan B, người ta có thể xác định được những nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất:

4.1. Nhóm đối tượng 1

Những người bị lây viêm gan B qua đường máu, dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm bệnh, thường là những đối tượng nghiện ma túy, những người thường xăm hình, xỏ khuyên tai, làm móng tay, móng chân tại những cơ sở không tiệt trùng dụng cụ chuyên dụng cẩn thận, sạch sẽ.

Những bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm khi có vết thương hở tiếp xúc với máu hoặc vết thương hở của bệnh nhân bị nhiễm viêm gan B, những người không may được truyền máu từ người bị viêm gan B.

4.2. Nhóm đối tượng 2

Trẻ được sinh ra từ người mẹ bị viêm gan B mà không được tiêm vắc xin viêm gan B ngay sau khi sinh, những người thân trong gia đình có người bị nhiễm viêm gan B cũng rất dễ bị lây nhiễm nếu dùng chung đồ lót, bàn chải đánh răng, vợ hoặc chồng bị viêm gan B khi quan hệ tình dục không dùng biện pháp phòng tránh.

4.3. Nhóm đối tượng 3

Những đối tượng không chung thủy, quan hệ tình dục ngoài vợ (chồng) với người bị viêm gan B. Quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su…

5. Chẩn đoán viêm gan B

Chẩn đoán viêm gan B dựa vào 3 yếu tố:

- Yếu tố dịch tễ: Tiền sử sức khỏe trong gia đình có mẹ bị viêm gan B. Bản thân từng quan hệ tình dục không dùng biện pháp bảo vệ, dùng chung bơm kim tiêm với người bị nhiễm viêm gan B, thủ thuật xuyên qua da…

- Yếu tố lâm sàng: da vàng, chán ăn, người mệt mỏi, đau hạ sườn hoặc không có triệu chứng.

- Yếu tố cận lâm sàng: Thông qua những xét nghiệm viêm gan B dưới đây, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán xác định bệnh nhân có bị nhiễm viêm gan B hay không.

+ Xét nghiệm HbsAg: đây là xét nghiệm kháng nguyên bề mặt của virus viêm gan B. Nếu kết quả xét nghiệm HbsAg là dương tính nghĩa là cơ thể đang bị nhiễm virus viêm gan B.

+ Xét nghiệm Anti – HBs: Đây là xét nghiệm kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể đối với virus viêm gan B. Nếu kết quả xét nghiệm Anti – HBs là dương tính có nghĩa là cơ thể đã có kháng thể chống lại virus. Điều này xảy ra khi người bệnh đã từng mắc viêm gan B và đã khỏi hoặc người bệnh đã từng tiêm viêm gan B.

Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thêm những xét nghiệm kiểm tra chức năng gan, lượng virus, khả năng nhân lên của virus như: ALT, AST, HbsAg, Anti – Hbe, Anti-HBc từ đó đưa ra hướng điều trị thích hợp.

Chẩn đoán viêm gan B

6. Điều trị viêm gan B

Tùy vào từng loại bệnh cũng như tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị bệnh thích hợp để đem lại hiệu quả cao nhất.

6.1. Đối với bệnh nhân viêm gan B cấp tính

Khoảng 90% người nhiễm viêm gan B cấp tính sẽ tự khỏi và không cần dùng đến thuốc kháng virus. Nếu người nhiễm viêm gan B cấp tính có men gan cao cần nghỉ ngơi, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý. Bên cạnh đó bệnh nhân có thể dùng những thuốc hỗ trợ chức năng gan theo đúng chỉ định của bác sĩ.

6.2. Đối với bệnh nhân nhiễm viêm gan B mạn tính

Bệnh nhân nhiễm viêm gan B mạn tính cần được uống thuốc kháng virus viêm gan B. Thuốc này sẽ giúp bệnh nhân giảm nguy cơ suy gan, xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, quá trình điều trị rất cần sự kiên trì của người bệnh vì nó có thể sẽ kéo dài, thậm chí cả đời với những bệnh nhân bị xơ gan.

Bệnh nhân lưu ý cần phải uống thuốc thường xuyên, đúng liều lượng và thời gian quy định nếu không virus sẽ quen với thuốc (nhờn thuốc) gây khó khăn trong quá trình điều trị và nguy hiểm đến sức khỏe của bệnh nhân.

Một biện pháp nữa để điều trị viêm gan B mạn là tiêm các thuốc để tăng cường hệ miễn dịch và làm cho virus không hoạt động như: Peg – interferon, Interferon, thymosin alpha … Tuy nhiên, các thuốc này khá nhiều tác dụng phụ và hiện tại không sẵn có tại Việt Nam.

7. Các biến chứng nguy hiểm của viêm gan B

Viêm gan B trở nên nguy hiểm khi chuyển sang giai đoạn mạn tính và gây nên những biến chứng phổ biến và nguy hại sau đây:

7.1. Xơ gan

Xơ gan hay còn gọi là sẹo hóa gan trong đó các tế bào gan bị thay thế bởi các sẹo mô xơ và làm gan bị xơ hóa dẫn đến suy giảm chức năng gan. Bệnh nhân xơ gan thường mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, tiêu hóa kém, suy giảm hệ miễn dịch, hai chân phù nề sau đó lan ra toàn thân nếu bệnh nặng hơn.

7.2. Bệnh não gan

Đây là một bệnh hiếm gặp nhưng nguy cơ tử vong rất cao. Người mắc bệnh có triệu chứng ban đầu lo lắng, bứt rứt, khó chịu. Bệnh diễn biến nặng hơn có thể khiến bệnh nhân khó ngủ, dễ bị kích động, suy giảm nhận thức, mất định hướng không gian và thời gian. Lâu dần, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái mê sảng, hôn mê sau.

7.3. Suy gan cấp

Đây là một trong những biến chứng nguy hiểm của viêm gan B. Người mắc bệnh có biểu hiện thường xuyên buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi, vàng da, vàng mắt. Bệnh tiến triển nặng có thể dẫn tới suy hô hấp, suy đa tạng và tử vong.

7.4. Ung thư gan

Đây là biến chứng nguy hiểm nhất và cũng là giai đoạn cuối cùng của bệnh viêm gan B, là căn bệnh rất khó điều trị và có nguy cơ tử vong cao. Người bị nhiễm viêm gan B có tỷ lệ mắc ung thư gan đến 20 lần so với người bình thường. Những biểu hiện chính của bệnh là phù sụt cân nhanh chóng, đau bụng, lách to, sốt,…

Biến chứng viêm gan B

8. Cách phòng tránh viêm gan B hiệu quả

Hiện nay, tiêm vắc xin phòng viêm gan B được coi là phương pháp phòng tránh bệnh hiệu quả nhất. Nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn mạn tính thì chỉ có thể dùng thuốc để kiểm soát tình trạng virus viêm gan B trong cơ thể. Tổ chức WHO khuyến cáo cần tiêm vacxin phòng viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt: trong vòng 24 giờ đầu sau khi sinh, tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.

Ngoài ra cũng có thể tham khảo một số cách phòng tránh viêm gan B sau:

  • Quan hệ tình dục thủy chung, an toàn, sử dụng bao cao su để tránh lây nhiễm virus viêm gan B.
  • Nên đi khám sức khỏe định kỳ để chắc chắn không bị nhiễm bệnh.
  • Trước khi có ý định mang thai cả hai vợ chồng cần đi kiểm tra để xác định có bị nhiễm bệnh không.
  • Thai phụ cũng cần thăm khám định kỳ trong suốt quá trình mang thai để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
  • Băng kín các vết thương hở để tránh bị lây nhiễm virus viêm gan B.
  • Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm với bất kỳ ai.
  • Luôn dùng bơm kim tiêm mới và đã được vô trùng.
  • Không tiếp xúc trực tiếp với máu, các vết thương hở, chất dịch của người khác nếu không sử dụng dụng cụ bảo vệ.
  • Không xăm hình, làm răng, châm cứu, xăm mắt, xăm môi...tại những cơ sở không uy tín, an toàn.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân với người khác như: bàn chải đánh răng, kìm bấm móng, dao cạo râu...
  • Các bậc cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách phòng tránh viêm gan B để tránh bị lây nhiễm.
  • Việc khám sàng lọc gan mật cho phép thực hiện thăm khám, xét nghiệm men gan đồng thời sàng lọc viêm gan B, C… Sau khi có kết quả, bác sĩ sẽ đưa ra đánh giá chức năng gan mật và tư vấn chế độ dinh dưỡng, lối sống khỏe để phòng ngừa viêm gan B.

9. Viêm gan B nên ăn gì?

Người bệnh viêm gan B nên ăn các loại thực phẩm giàu đạm như: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu... Đặc biệt là biệt là thịt nạc, cá dễ chuyển hóa, có lợi cho gan. Đối với trứng nên ăn lòng trắng trứng để dễ hấp thụ.

Nên uống sữa để bổ sung dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, hạn chế được hoạt động chuyển hóa và thải độc của gan.

Các loại đậu như: đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh… tốt cho người bệnh viêm gan B vì chúng có tác dụng thanh nhiệt, mát gan, giải độc cho cơ thể.

Tăng cường chất đường, ngũ cốc như gạo, bánh mì, bột mì, mật ong, bột ngũ cốc...

Bổ sung thực phẩm giàu vitamin như rau xanh và trái cây tươi. Nên ăn các loại rau như bông cải xanh, rau chân vịt, rau má, rau ngót; cà chua, bắp cải, cà rốt… để cung cấp vitamin và chất xơ giúp tiêu hóa tốt.

Các loại trái cây như cam, quýt, táo, bưởi, nho, bơ, dưa hấu… giàu vitamin và khoáng chất để tăng sức đề kháng, chống oxy hóa, giúp phục hồi tổn thương gan.

Viêm gan b kiêng ăn gì

10. Bị viêm gan B kiêng ăn gì?

Người bệnh viêm gan B kiêng ăn các loại thức ăn có nhiều dầu, mỡ, các món nướng, chiên, rán để tránh gây áp lực cho gan. Nên dùng dầu thực vật, hạn chế dùng mỡ động vật.

Kiêng ăn các món ăn nhiều gia vị, thức ăn cay như tỏi, ớt, hạt tiêu…

Kiêng sử dụng các thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp.

Không uống rượu, bia, chất kích thích... Lạm dụng rượu, bia gây suy giảm chức năng gan, làm gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.

Trên đây là những chia sẻ của Vinalab về bệnh Viêm gan B. Rất mong những chia sẻ này sẽ giúp bạn và người thân xung quanh có thể nhận biết và phòng tránh căn bệnh vô cùng nguy hiểm này.

Vinalab tổng hợp.