Trong thời gian từ năm 2018 đến năm 2021, nhóm nghiên cứu của GS.TS. Nguyễn Văn Đề tại Trường Đại học Y Hà Nội đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu lâm sàng, cận lâm sàng một số ký sinh trùng ký sinh trên người ít gặp ở Việt Nam và định danh loài bằng phương pháp sinh học phân tử”.
- Mô tả lâm sàng và cận lâm sàng và xác định chính xác một số loài ký sinh trùng ít gặp ở người Việt Nam bao gồm giun lươn ruột (ở người), giun đầu gai (ở người), ấu trùng sán nhái (ở người) và sán máng (ở người) sử dụng phương pháp hình thái học truyền thống và thẩm định thành phần loài của những ký sinh trùng này bằng phương pháp sinh học phân tử.
- Nghiên cứu ca bệnh sán lá gan lớn, đặc biệt ở trẻ em và một số ca bệnh đặc thù khác ở Việt Nam như sán dây chó Echinococcus, giun tròn ở mắt Thelazia.
- Đề xuất một số giải pháp chẩn đoán và phòng chống cho mỗi loài.
Sau ba năm nghiên cứu, đề tài đã thu được những kết quả nổi bật như sau:
- Đã tổng hợp và cập nhật các nghiên cứu về giun lươn Strongyloides stercoralis bao gồm xét nghiệm thu mẫu giun và định danh loài bằng sinh học phân tử, phân tích.
- Thu thập ca bệnh sán lá gan lớn Fasciola ở trẻ em và thu mẫu sán định danh loài bằng sinh học phân tử.
- Thu thập bệnh nhân sán máng Schistosoma hematobium và mẫu trứng sán để định danh loài bằng sinh học phân tử, phân tích kết quả.
- Thu thập bệnh nhân ấu trùng sán dây chó Echinococcosis, phân tích ca bệnh và mẫu ký sinh trùng.
- Thu thập bệnh nhân giun tròn Thelazia calipaeda ở mắt và mẫu giun để định danh loài bằng sinh học phân tử.
- Thu thập bệnh nhân sán nhái Spirometra erinacei và mẫu sán để định danh loài bằng hình thái học.
- Thu thập những bệnh nhân nhiễm giun sán ở mắt và mẫu giun sán để định danh loài bằng sinh học phân tử.
- Làm xét nghiệm sàng lọc nhiễm giun sán tại labo để thu thập số liệu.
Đề tài có những điểm mới sau đây: Thứ nhất có được những thông tin mới và xác thực về những loài ký sinh trùng tuy ít gặp ở người tại Việt Nam nhưng đã gây nguy hiểm cho bệnh nhân và khó khăn trong chẩn đoán của bác sĩ. Đặc biệt giúp cho các nhà lâm sàng có cơ sở khoa học chẩn đoán đúng nguyên nhân gây bệnh. Đồng thời cảnh báo cho cộng đồng về những bệnh mới để chủ động phòng chống. Thứ hai là những loài ký sinh trùng đã được xác định bằng sinh học phân tử so sánh với chủng chuẩn quốc tế với độ chính xác cao và đủ tiêu chuẩn đăng báo quốc tế.
Có thể tìm đọc báo cáo kết quả nghiên cứu (mã số 18688/2021) tại Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia.
Nguồn Vista.
Tin bài khác